Công an quận Hải Châu (Đà Nẵng) vừa quyết định khởi tố và bắt tạm giam 4 tháng đối với Ngô Quang Nam (SN 1975, trú K52/9 Lương Ngọc Quyến, P. Thanh Bình, Q. Hải Châu, Đà Nẵng) đã có hành vi cưỡng đoạt tài sản của một số tiểu thương buôn bán ở chợ tạm thuộc kiệt 81 Phan Kế Bính (sát tường phía Tây chợ Đống Đa) để điều tra làm rõ.
Trao đổi với Ban quản lý chợ Đống Đa, ông Nguyễn Đắc Hùng – Trưởng ban cho biết, chợ tạm tại kiệt 81 Phan Kế Bính nằm bên ngoài khuôn viên chợ Đống Đa và không thuộc sự quản lý của Ban quản lý chợ. Chợ này đã họp trái phép khoảng 8 năm nay. Ban đầu ít, nhưng nay đã xấp xỉ 100 hộ buôn bán hàng rong với các mặt hàng thịt cá, gà vịt, rau hành…Do nằm trên đường kiệt nhỏ hẹp, đông đúc dân cư, lại không có quản lý chặt chẽ nên chợ tạm đường Phan Kế Bính không chỉ gây cản trở, ách tắc giao thông, mất an ninh trật tự mà còn ảnh hưởng đến các tiểu thương kinh doanh trong chợ.
Theo phản ánh của các tiểu thương kinh doanh hải sản trong chợ Đống Đa, việc tồn tại chợ tạm bên cạnh chợ Đống Đa đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh của tiểu thương trong chợ: Thị phần và doanh thu bị giảm đi hơn một nửa. Tiểu thương trong chợ đóng góp xây dựng chợ và đóng đầy đủ các khoản thuế, phí theo nhà nước quy định, bán đúng giá niêm yết và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm… Trong khi đó, các hộ kinh doanh tại chợ tạm không phải đóng khoản phí, thuế nào cho nhà nước, nên cạnh tranh giá gay gắt với tiểu thương trong chợ. Nếu thực phẩm tươi sống của tiểu thương trong chợ được kiểm duyệt chặt chẽ nguồn gốc xuất xứ, ATVSTP bao nhiêu thì ngoài chợ tạm, việc này dường như bị bỏ ngỏ, không được kiểm soát. Chưa kể thời điểm dịch cúm H5N1, lở mồm long móng bùng phát, tình trạng thịt gia súc gia cầm vẫn bày bán tràn lan ở khu chợ tạm. Không những vậy, tình trang ANTT tại khu vực chợ tạm luôn diễn ra phức tạp.
Ông Hùng cho biết, chợ Đống Đa thường xuyên bị “tiếng oan” do chợ trái phép gây ra. Chợ tạm tập trung chủ yếu là hàng rong từ nơi khác đến, nên tình trạng lừa gạt bán thuốc nam, bán thực phẩm kém chất lượng, chặt chém, móc túi… vẫn thường xuyên xảy ra. Nhiều người đi chợ cứ nghĩ chợ tạm thuộc sự quản lý của Ban nên gọi điện đến để phàn nàn bị lừa, bị chèo kéo, móc túi… nhưng Ban không quản lý người kinh doanh ở chợ tạm nên thường hướng dẫn khách hàng liên lạc với công an phường hoặc UBND phường để xử lý. Vì thế nên khách hàng thường không hài lòng.
Chính việc bỏ ngỏ công tác quản lý chợ tạm, nhiều hộ dân trên đường kiệt 81 Phan Kế Bính đã tổ chức cho thuê mặt bằng trước nhà với mức từ 700.000đ – 1.000.000đ/ tháng. Một số đối tượng như Ngô Quang Nam đã đứng ra bảo kê, thu tiền hàng ngày, hàng hàng tháng của các tiểu thương buôn bán tôm, cá, mực, hoa, trứng vịt lộn, trái cây... trên đoạn kiệt này. Nếu tiểu thương nào không đóng hoặc phản đối, các đối tượng này hung hăng đe dọa, đánh đập và gây sự, không cho bán. Nhiều tiểu thương ngậm đắng nuốt cay nộp tiền để có vị trí bán hàng, cho đến lúc không chịu đựng được sự lấn tới của các đối tượng này, đòi thu ngày một cao hơn, các tiểu thương đã lên tiếng tố giác với công an. Ngày 9/1 vừa qua, khi Ngô Quang Nam đang có hành vi cưỡng đoạt 700.000 đồng của chị N.T. Sinh năm (1991), bán cá tại hông chợ Đống Đa) thì lực lượng công an đã bắt quả tang, thu giữ tang vật gồm 700.000 đồng và 1 ĐTDĐ.
Qua tìm hiểu được biết, lâu nay Kiệt 81 đường Phan Kế Bính và Kiệt 52 đường Lương Ngọc Quyến nằm trên địa bàn 2 phường Thanh Bình và Thuận Phước (thuộc Quận Hải Châu) đã hình thành chợ tự phát với 80 – 100 hộ buôn bán hàng rong. Chợ không đảm bảo vệ sinh môi trường, cảnh quan đô thị, ách tắc giao thông… Hơn nữa, các đối tượng buôn bán này không thực hiện nghĩa vụ đối với nhà nước (theo ước tính, thất thoát khoảng 1 tỷ đồng mỗi năm). Chính quyền địa phương và Công ty Quản lý Hội chợ triển lãm và các chợ Đà Nẵng đã phối hợp ra quân nhiều đợt để giải tỏa chợ tạm theo chỉ đạo của UBND quận Hải Châu. Nhưng do khó khăn về lực lượng và kinh phí không duy trì thường xuyên nên giải quyết chợ tạm chỉ được một thời gian, sau đó bà con lại tụ tập mua bán trở lại.
Để giải quyết triệt để chợ tạm, nên chăng địa phương cần tuyên truyền vận động trước khi giải tỏa các hộ trái phép để tiểu thương có sự chuẩn bị và hợp tác; Thường xuyên phối hợp với tổ dân phố tuyên truyền đến các hộ dân cư thực hiện và cam kết không cho thuê vị trí trước nhà để bán hàng, đặc biệt không nên cho phép đưa thực phẩm tươi sống vào bán ở trong nhà; Cần phải áp dụng biện pháp cứng rắn, giám sát thường xuyên, liên tục mới có thể xây dựng được chợ văn minh thương mại, khu phố xanh - sạch - đẹp, văn minh và an toàn, đảm bảo sự công bằng giữa các tiểu thương.
Thu Hằng