Trong khuôn khổ Chương trình hợp tác kỹ thuật SANONE-JICA về đào tạo nhân lực nhằm nâng cao quản lý chất lượng, vệ sinh ngành thủy sản Việt Nam và quảng bá sản phẩm thủy sản của TP Kushiro, tỉnh Hokkaido (Nhật Bản), ngày 25-6, tại Đà Nẵng, phòng Thương mại và Công nghiệp Kushiro và các DN Nhật Bản đã chia sẻ với DN Đà Nẵng những giải pháp và kinh nghiệm về nghề cá.

Đà Nẵng được định hướng phát triển trở thành thành phố động lực, trung tâm phát triển kinh tế xã hội của cả miền Trung và là một trong 6 trung tâm nghề cá lớn nhất của Việt Nam. Thành phố cũng đã tập trung đầu tư phát triển về kinh tế biển, dịch vụ du lịch, GTVT và đặc biệt là nghề thủy sản.

Ông Phùng Tấn Viết, Phó Chủ tịch UBND thành phố mong muốn, thông qua hội thảo, các chuyên gia đến từ Nhật Bản, đặc biệt là TP Kushiro (tỉnh Hokkado) – địa phương nổi tiếng về nghề cá của Nhật Bản sẽ có thể đề xuất các giải pháp phù hợp với điều kiện, phương tiện hiện có tại Đà Nẵng nhằm giúp cho công tác quản lý vệ sinh, chất lượng sản phẩm thủy sản của TP được tốt hơn. Đồng thời, các DN chế biến, cơ sở sản xuất nước đá, đóng sửa tàu thuyền, cơ sở thu mua, chế biến hay các chủ tàu cá cũng như các cơ quan quản lý ngành của thành phố có thể tiếp cận, học hỏi các công nghệ, kỹ thuật tiên tiến của Nhật Bản để các cơ sở định hướng, đầu tư, ứng dụng vào điều kiện của địa phương trong thời gian đến.

Tại Hội thảo, Ông Imai Takashi, cố vấn cao cấp công ty tổ chức cơ bản các DN vừa và nhỏ đã chia sẻ những kinh nghiệm và phương pháp trong quản lý chất lượng thủy sản đang được áp dụng tại Nhật Bản nhằm tạo ra giá trị gia tăng bằng cách cải thiện quản lý vệ sinh môi trường và nâng cao kỹ thuật quản lý chất lượng. Những cách thức đã được Nhật Bản ứng dụng như: cách sử dụng đá cho cá sau khi đánh bắt; cách xử lý cá sau khi đánh bắt cho tới lúc xuất hàng; Cách thức phân phối các sản phẩm thủy sản của Nhật Bản; Cách xử lý các vi khuẩn gây viêm ruột Vibrio có trong nước biển… Bên cạnh đó, các chuyên gia áp dụng thiết bị sản xuất đá Nitơ với tác dụng duy trì độ tươi ở mức cao, hệ thống làm đá bào mịn liên hợp với nguyên liệu là nước biển… Đặc biệt là thiết bị sát khuẩn bằng phương pháp điện ly nước biển có đặc trưng có thể diệt khuẩn trong lượng nước biển lớn trong thời gian ngắn mà không cần thuốc diệt khuẩn.

Các chuyên gia Nhật Bản cũng đề nghị các doanh nghiệp chế biến thủy sản, cơ sở sản xuất nước đá, đóng và sửa chữa tàu thuyền, cơ sở thu mua, sơ chế và các chủ tàu cá cũng như các cơ quan quản lý tại Đà Nẵng theo dõi, tiếp cận được các công nghệ, kỹ thuật mà các chuyên gia Nhật Bản mang đến hội thảo. Tùy theo điều kiện, đặc điểm của từng cơ sở để có định hướng đầu tư, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong thời gian đến.

Tại hội thảo, các chuyên gia Nhật Bản đã giới thiệu về tiềm năng phát triển thủy sản của thành phố Kushiro (Nhật Bản) cũng như các kỹ thuật quản lý chất lượng sản phẩm và quản lý vệ sinh; Tiềm năng của thị trường châu Á.

Thu Hằng