Kết thúc năm 2014, tổng thu nội địa trong cân đối ngân sách của Đà Nẵng là 9.188,47 tỷ đồng, đạt 108,4% dự toán trung ương. Tuy nhiên, nợ đọng và gian lận về thuế vẫn là một thách thức rất lớn đối với ngành thuế bởi không chỉ gây thất thu mà ảnh hưởng lớn đến nguồn thu ngân sách và các khoản chi cơ bản.

3/14 lĩnh vực chưa hoàn thành nộp ngân sách

Theo đánh giá của Cục Thuế Đà Nẵng, một số lĩnh vực có số thu tăng so với cùng kỳ đã đóng góp tích cực vào kết quả hoàn thành dự toán thu NSNN như DNNN địa phương, DN có vốn ĐTNN, tiền thuê đất, lệ phí trước bạ…đặc biệt, tiền thuê và bán nhà tăng đến 295,8% do các sở ban ngành di dời vào làm việc tại Trung tâm hành chính nên phát sinh khoản thu từ việc bán số nhà công sở trên địa bàn.

Số nộp NSNN tăng còn nhờ vào các DN hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, dịch vụ có quy mô lớn đã dần đi vào ổn định sau thời gian đi vào đầu tư chiều sâu, đầu tư mở rộng, thay đổi dây chuyền công nghệ hiện đại, lắp ráp máy móc thiết bị mới có công suất cao như: Công ty TNHH VBL nộp 1.071,9 tỷ đồng (2013 nộp 823,75 tỷ đồng), Công ty TNHH TCIE Việt Nam nộp 203,38 tỷ đồng (2013 nộp 89,54 tỷ đồng), Công ty CP khu du lịch biển Ngũ Hành Sơn nộp 40,83 tỷ đồng (2013 nộp 25,63 tỷ đồng), Công ty CP đầu tư Đà Nẵng – Miền Trung nộp 29,35 tỷ đồng (2013 nộp 9,15 tỷ đồng), XN xăng dầu hàng không Miền Trung nộp 101,34 tỷ đồng (2013 nộp 79,12 tỷ đồng)…

Bên cạnh đó, năm 2014, do nhiều nguyên nhân, Đà Nẵng có 3/14 lĩnh vực thu chưa hoàn thành dự toán. Thu từ doanh nghiệp nhà nước ngoài trung ương (DNNN TW) đạt 89,7%; Thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đạt 89%; Thuế công thương nghiệp (CTN) và dịch vụ ngoài quốc doanh (NQD) đạt 96,6%. Trong đó, nguyên nhân khiến thuế CTN và dịch vụ NQD đạt thấp là do DN NQD trên địa bàn chủ yếu là DNNVV, vốn ít, tình hình SXKD vẫn còn khó khăn, chủ yếu hoạt động cầm chừng…

Ở 3 lĩnh vực chưa hoàn thành, bên cạnh nguyên nhân là do chỉ tiêu thu thuế cao, nhiều DN còn chây ỳ không nộp thuế, trốn thuế lớn, gây khó khăn cho công tác thu thuê…Thêm vào đó, một số DN trung ương nay đã chuyển sang cổ phần hóa hoặc hoạt động khó khăn, cầm chừng. Đối với thuế bảo vệ môi trường, xăng dầu, khoáng sản chưa phân cấp thu hợp lý. Ông Võ Duy Khương, Phó chủ tịch UBND thành phố đề nghị ngành thuế cần thường xuyên đánh giá về các nguồn thu và có biện pháp xử lý để tránh thất thu thuế.

Băn khoăn nợ đọng

Năm 2014, chỉ tiêu nợ đọng được đưa ra với tỷ lệ không quá 5% tổng dự toán thu ngân sách trong năm, tuy nhiên, tình trạng nợ thuế trong những năm gần đây vẫn tiếp tục gia tăng khiến ngành thuế phải áp dụng các biện pháp quyết liệt để thu nợ. Ngay từ đầu năm, với quyết tâm giảm tỷ lệ nợ thuế, Cục thuế đã xây dựng và giao chỉ tiêu thu nợ theo từng thời điểm quý, 6 tháng, năm cho các đơn vị; Chỉ đạo  các đơn vị tăng cường rà  soát số liệu nợ thuế đến từng đối tượng, phân tích nguyên nhân và phân loại chi tiết đến từng người nợ thuế để triển khai các biện pháp thu nợ tích cực, hiệu quả.

Đáng chú ý, Cục Thuế Đà Nẵng đã phát hành đến 77.253 thông báo nợ thuế và tiền chậm nộp; 16.854 quyết định cưỡng chế tài khoản, lập 861 lện thu qua ngân hàng và ban hành 1.061 lượt quyết định cưỡng chế bằng biện pháp thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng. Năm 2013, toàn ngành đã thu 490,22 tỷ đồng tiền nợ thuế. Tính đến 31/12/2014, tổng nợ toàn ngành là 737,2 tỷ đồng, tăng 14,9 tỷ đồng so với nợ tại thời điểm 31/12/2013.

Theo đánh giá của ngành thuế, lĩnh vực xây dựng, bất động sản có nợ thuế lớn nhất. Trong hơn 1.404 DN vi phạm bỏ địa chỉ kinh doanh, giải thể không thực hiện nộp thuế, 1.848 DN bị xử lý vi phạm, 473 DN tạm ngưng hoạt động và 290 DN có thủ tục giải thể, thì số lượng DN trong ngành xây dựng và bất động sản chiếm gần 50%. Tính riêng tại văn phòng Cục thuế Đà Nẵng (chưa tính các Chi cục tại các quận, huyện) nợ trong lĩnh vực xây dựng cơ bản, bất động sản là 185 tỷ đồng chiếm 50%/ tổng số nợ. Đặc biệt, có 50 DN trong lĩnh vực này có giá trị nợ thuế hơn 1 tỷ đồng kéo dài năm này qua năm khác nhưng không thể thu hồi như Cty Tôn Liên Chiểu, Cty CP Xây dựng 595, Cty CP Xây dựng Điện VNECO 7, Cty Công nghiệp và Xây lắp tàu thủy...

Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Khê -  ông Nguyễn Thanh Xuân cho biết, quận đã tập trung nhiều cho việc thu nợ đọng nên năm 2014 tỉ lệ giảm nợ đọng 19,7 tỷ đồng (23,5%), đặc biệt là thay đổi phương pháp thu nợ. Đã có nhiều nét mới trong công tác thu nợ của Thanh Khê như Phó chủ tịch quận làm tổ trưởng tổ xử lý nợ đọng; Tổ chức họp DN hằng tuần để tìm hiểu nguyên nhân nợ thuế và bàn biện pháp thu thuế. Bên cạnh đó, để giảm nợ đọng và chống thất thu, quận Thanh Khê tăng cường kiểm tra, thanh tra, tập trung vào các nhóm lĩnh vực dễ xảy ra thất thu thuế như nhà hàng, khách sạn, karaoke …, không kiểm tra đại trà mà làm cuốn chiếu để không bỏ sót điểm kinh doanh. Thanh Khê cũng ấn định thu thuế khoán 3 tháng 1 lần thu, và đặc biệt tạo điều kiện cấp giấy phép kinh doanh cho các hộ cá nhân để có cơ sở thu thuế…

Chống thất thu gặp khó

Không chỉ nợ đọng thuế lớn, tình trạng gian lận thuế cũng là vấn đề nhức nhối với muôn kiểu gian lận. Trong năm 2014, ngành thuế đã xây dựng chuyên đề thanh tra kiểm tra ở các lĩnh vực kinh doanh nhà hàng, khách sạn, ăn uống, san lấp mặt bằng, bất động sản, xây dựng, tư vấn thiết kế, kiểm tra và đối chiếu xác minh hóa đơn của các DN để phát hiện xử lý kịp thời các trường hợp mua bán hóa đơn, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp. Qua kiểm tra 2.291 DN, các đơn vị thuế đã phát hiện 1.461 đơn vị có vi phạm với số truy thu, truy hoàn và phạt 126,64 tỷ đồng, số thuế không được hoàn 48,95 tỷ đồng, giảm lỗ 238,9 tỷ đồng…

Tuy vậy, việc chống thất thu thuế, đảm bảo số thu ở mỗi địa phương đang gặp phải những vướng mắc riêng. Bà Trần Thị Thanh Tâm, Phó chủ tịch quận Sơn Trà cho hay, quận thường xuyên phối hợp với các lực lượng thuế, công an, QLTT lập tổ thanh tra, kiểm tra và thực hiện kê khai thuế và thường gặp phải áp lực từ phía DN (chủ yếu lĩnh vực nhà hàng, dịch vụ ăn uống) kêu ca thuế cao, bị kiểm tra nhiều, đòi di chuyển sang địa bàn khác.

Khác với Sơn Trà, huyện Hòa Vang kiến nghị về những thất thoát ở lĩnh vực phí bảo vệ môi trường. Theo ông Nguyễn Thương Phó chủ tịch huyện Hòa Vang, ô tô tải chạy chở nguyên vật liệu xây dựng nườm nượp cả ngày, tàn phá đường xá và gây ô nhiễm môi trường nhưng huyện không được thu loại phí này để chi tu bổ, quản lý, bảo vệ các công trình giao thông vì các DN vận tải không nằm ở địa bàn của huyện. Ông Thương đề nghị cần phân cấp loại thu và giao cho địa phương chịu trách nhiệm, có thu mới có chi.

Ông Võ Duy Khương – Phó chủ tịch UBND TP nhận xét, năm 2014 Đà Nẵng chọn là Năm doanh nghiệp. Thành phố tạo ra môi trường và điều kiện để DN phát triển, DN cần phải đóng góp nghĩa vụ để xây dựng cộng đồng, nhà nước. Bên cạnh việc tạo cơ chế chính sách thông thoáng, thuận lợi, ông Khương đề nghị Cục thuế tiếp tục có những thay đổi về lượng và chất của cán bộ thuế và công tác kiểm tra, cũng như cần phải áp dụng các biện pháp mạnh như cưỡng chế, khởi kiện những DN chiếm dụng thuế, chiếm dụng ngân sách

Đôn đốc thu nợ đọng và chống gian lận trốn thuế, gây thất thu thuế, phải là nhiệm vụ hàng đầu của ngành thuế. Nợ đọng thuế nếu thu được đủ, sẽ có ý nghĩa lớn cho nguồn thu ngân sách. Điều đó không chỉ bảo đảm thu đúng, thu đủ thuế cho ngân sách, góp phần giảm bội chi, mà còn giúp các doanh nghiệp có môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng thực hiện nghĩa vụ thuế.

Thu Hằng