Sáng nay 27/09, Phóng viên Thương hiệu & Công Luận đã đi thực địa tại một số chợ ở TP. Đà Nẵng, dòng người đông đúc từ tờ mờ sáng, sau khi chính quyền thành phố này ra thông báo chính thức sẽ đóng cửa các chợ truyền thống từ 12h ngày 27/09.
Qua ghi nhận của PV, nhiều quầy bán cá, thịt lợn, thịt bò ở Chợ Cồn đã hết hàng sau một thời gian ngắn. Người đi chợ đành chấp nhận "còn gì mua nấy". Một số công nhân, sinh viên… tìm đến các chợ nhỏ để mua những nhu yếu phẩm cần thiết để dùng trong những ngày bão đến.
Tại chợ Đống Đa, quận Hải Châu; chợ Hòa Khánh, quận Liên Chiểu, nhiều quầy hàng cũng hết hàng sớm. Người đến chợ muộn đành quay về, tìm các chợ họp đột xuất bên lề đường với hy vọng sẽ có những thực phẩm như: Thịt heo, bò… bán đột xuất.
Tại chợ Nam Ô, thuộc phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, rất nhiều người dân, công nhân tại các khu công nghiệp được cho nghỉ sớm về nhà để phòng, chống bão, họ tranh thủ thời gian trước giờ cấm chợ, tất bật, tìm mua những thực phẩm đang thiếu, tại các điểm bán bên lề đường để về nhà sớm chuẩn bị phòng, chống bão đến.
Sở Công Thương TP. Đà Nẵng đã đề nghị các quận, huyện chỉ đạo Ban quản lý chợ tuyên truyền, vận động các hộ kinh doanh, tiểu thương chủ động dự trữ hàng hoá bán cho đến khi chợ đóng; không được lợi dụng để găm hàng, tăng giá.
Sở Công thương TP. Đà Nẵng đã yêu cầu các trung tâm thương mại, chuỗi cửa hàng tiện lợi tăng cường dự trữ hàng hoá, nhất là nhu yếu phẩm, lương thực, thực phẩm theo kế hoạch dự trữ hàng hoá phòng chống thiên tai năm nay.
Các cửa hàng bán vật liệu xây dựng đông khách mua dây cáp, dây thép về gia cố nhà; các túi nylon cỡ lớn để chứa nước che chắn các vị trí xung yếu trên mái tôn...
Noru là cơn bão thứ tư vào Biển Đông trong năm nay. Bão dự kiến đổ bộ từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định ngày 28/09, mạnh cấp 12-13, giật cấp 14, là một trong những cơn bão mạnh nhất trong 02 thập niên trở lại đây.
-Một số hình ảnh Phóng viên Thương hiệu & Công luận ghi lại tại TP. Đà Nẵng:
Hoàng Hữu Quyết