Phụ huynh, học sinh loay hoay với "học online"
Thành phố Đà Nẵng sau thời gian thực hiện nghiêm ngặt lệnh giới nghiêm “Ai ở đâu thì ở đó”, kéo dài thành 3 đợt, gồm 20 ngày. Đến ngày 5/9, chính quyền sở tại nới lỏng một số địa phương thuộc vùng xanh, vùng vàng… đồng thời thực hiện một số biện pháp mới hợp với tình hình hiện tại. Thời điểm này đúng ngày mà cả nước đi vào khai giảng năm học mới 2020-2021, khi học sinh cả nước đã đến trường thì hơn 250.000 học sinh các cấp tại thành phố Đà Nẵng phải tiếp tục học online tại nhà.
Mặc dù, phương án này đã nằm trong kế hoạch của Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố cũng như các trường, nhưng hiện nay, nhiều phụ huynh học sinh cho biết, đang bị động với lịch học và cách học này.
Anh Nguyễn Tùng Lâm, một phụ huynh có con trai theo học tại trường tiểu học Trưng Nữ Vương, thuộc phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu cho biết: “Đường link của cô chủ nhiệm thay đổi liên tục, anh là người thành thạo vi tính, nhưng cũng lung túng trong việc này. Trong khi đó, lúc nhận được bài giảng do thầy cô soạn trước bằng 1 video, chúng tôi bất ngờ vì cả khối học chung một bài, hoàn toàn không có tương tác. Việc này khiến gia đình khá bị động trong việc giúp con tiếp thu học tập đầu năm”.
Tương tự chị Nguyễn T. L , phụ huynh có con theo học trường cấp Tiểu học tại quận Thanh Khê, Đà Nẵng cho biết: “Mặc dù thầy cô giáo chủ nhiệm có chủ động kết nối với phụ huynh học sinh nhưng dường như mọi thứ làm quá gấp gáp, không có sự chuẩn bị bài bản từ trước.
Đặc biệt, các em học tiểu học còn khá lạ lẫm với việc học online, việc tiếp xúc với giáo viên còn hạn chế, luôn cần có ba mẹ hỗ trợ. Ngay cả tôi còn cảm thấy việc học của con khá mù mờ, phụ huynh không biết phải hỗ trợ theo cách nào, chỉ biết đợi cô nhắn tin thông báo rồi làm theo”.
Trong khi đó, việc học online đang khiến nhiều phụ huynh khác tại thành phố Đà Nẵng “nan giải” vì phải lo trang thiết bị cho con mình mới được học như bạn bè cùng lớp.
Chị Nguyễn T. H, một phụ huynh có con học THCS quận Ngũ Hành Sơn cho biết: “Mặc dù nhà trường có nói là tùy vào điều kiện các gia đình, không bắt buộc 100% học sinh phải có thiết bị học online nhưng làm cha, mẹ nào cũng có tâm lý do dịch kéo dài, việc học qua mạng sẽ còn dài, nếu không có máy vi tính thì sẽ khó khăn cho con cái mình không nắm bắt kịp với bạn bè cùng lớp.
Nhiều phụ huynh trong lớp con tôi phải chạy đôn chạy đáo đi mua máy tính xách tay để con học online. Giá của chiếc máy cũ có giá chỉ gần 2 triệu đồng thì không thể đảm bảo máy chạy tốt hoàn toàn nhưng hoàn cảnh họ khó khăn chỉ lo được đến vậy. Việc học online tại Đà Nẵng hiện chưa biết hiệu quả đến đâu, chỉ thấy các thầy, cô giáo thì vất vả soạn giáo án thể loại mới, mỗi buổi học thì cô trò nghe tiếng có, tiếng không! Vì đường truyền bất thường”. Chị H chia sẻ.
Nói "học trực tuyến" là chưa đúng
Chia sẻ về việc này, Anh H- Hiệu trưởng một trường THCS tại thành phố Đà Nẵng nhìn nhận và chia sẻ với phóng viên Thương hiệu & Công luân: “Cách học của chúng ta hiện nay không thể nói là học trực tuyến online mà chính xác hơn là thông qua mạng Internet để chuyển tải bài học đến cho học sinh trên hình thức bài giảng được soạn sẵn. Người học chỉ tiếp thu 1 chiều. Sau đó, thầy cô giáo chủ động kết nối 1 hoặc vài buổi để thảo luận, tương tác với học sinh.
Cách học này còn nhiều hạn chế, nhưng để học online thực sự thì hệ thống giáo dục của ta hiện nay chưa có đủ cơ sở vật chất, thầy, cô giáo chưa được tập huấn kỹ năng dạy online, chính học sinh và phụ huynh chưa được chuẩn bị tinh thần cho việc học online….
Vậy nên, ở thời điểm hiện tại, đây là hình thức dạy và học tối ưu nhất. Chúng tôi hiểu rõ những điểm hạn chế đó nên trong kế hoạch, những tuần học qua mạng Internet thế này chỉ tập trung cho học sinh ôn bài cũ, dạy bài theo hệ thống chung của trường. Khi đi học lại, các thầy cô sẽ giúp các em ôn tập lại những bài cũ”.Thầy H chia sẻ.
Hy vọng chính quyền Thành phố Đà Nẵng sớm bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng, trả lại trạng thái bình thường, để các em học sinh, sinh viên… trở lại với trường, lớp và được gặp mặt thầy, cô giáo…
Hoàng Hữu