Trong đêm qua, lực lượng chức năng đã tiến hành phong tỏa 3 bệnh viện lớn là Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện C và Bệnh viện Chỉnh hình và phục hồi chức năng. Đây được xác định là các khu vực trọng điểm, tâm dịch của Đà Nẵng lúc này với sự bùng phát các ca nhiễm COVID-19.
Theo đó, thời gian bắt đầu phong tỏa thực hiện bắt đầu từ 0 giờ ngày 28/7 cho đến 11/8 và có thể gia hạn tuỳ vào tình hình thực tế.
Lực lượng chức năng thực hiện phong tỏa tại một tuyến đường trọng điểm vào bệnh viện
Trong sáng nay (28/7), lượng xe lưu thông trên các tuyến đường ở Đà Nẵng giảm mạnh. Các tuyến đường trung tâm như Lê Duẩn, Nguyễn Văn Linh, Trần Phú ngày thường xe cộ đông đúc nay đã thưa thớt đi nhiều. Các cửa hàng, quán karaoke tại Đà Nẵng đóng cửa, chỉ trừ những nơi cung cấp dịch vụ thiết yếu như ăn uống, thuốc men, tài chính, xăng dầu vẫn hoạt động để phục vụ những nhu cầu thiết yếu của người dân.
Lượng người tham gia giao thông trên các tuyến đường ở Đà Nẵng giảm mạnh
Người dân Đà Nẵng tuân thủ nghiêm việc giãn cách xã hội. Không xảy ra hiện tượng chen lấn mua sắm tại các siêu thị, chợ, tích trữ thực phẩm.Tại nhiều chốt chốt phong tỏa, nhiều người dân mang thực phẩm đến tiếp tế cho người thân trong khu vực bị phong tỏa.
Chị Nguyễn Thị Yến Nhi, trú tại phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng cho rằng việc các lực lượng chức năng tổ chức phong tỏa chốt chặn xung quanh bệnh viện là rất cần thiết để hạn chế phát tán dịch bệnh. “Người thân của tôi đang nằm trong bệnh viện. Tôi được các chiến sĩ hướng dẫn đặt thực phẩm và gọi người nhà ra nhận, tôi cảm thấy rất yên tâm", chị Nhi cho biết.
Người thân gửi đồ cho người dân sinh sống trong khu vực phong tỏa phải đứng giãn cách
Trung úy Võ Quang Vân, công tác tại đội an ninh khu vực Hải Châu, Công an TP. Đà Nẵng hiện đang túc trực tại chốt đường Nguyễn Thị Minh Khai- Quang Trung cho biết, người dân trong khu vực phong tỏa vẫn sinh hoạt bình thường và chấp hành nghiêm các quy định về giãn cách xã hội.
“Trong ca trực của tôi, chúng tôi hướng dẫn người dân đến tiếp tế lương thực đứng cách xa hàng rào 2 m, rồi đặt thực phẩm xuống và gọi người thân ra nhận chứ không cho tiếp xúc trực tiếp. Chúng tôi xác định dù số lượng người đến tiếp tế đông vẫn phải thực hiện nghiêm chế độ giãn cách xã hội”, Trung úy Võ Quang Vân cho biết.
Đại tá Trần Đình Chung, Phó Giám đốc CA TP. Đà Nẵng nhận định, việc phong tỏa dù đã được phổ biến cho người dân từ trước nhưng cũng gây ra ảnh hưởng ít nhiều đến sinh hoạt bình thường.
"Vì vậy, yêu cầu các đồng chí tại các điểm chốt chặn phải giải thích cho nhân dân rõ ràng về công tác triển khai phong tỏa, vì tinh thần chung là chống dịch như chống giặc. Đồng thời, các đồng chí chốt chặn tại đây phải có sổ ghi chép rõ ràng về nhân thân, đồ đạc, các trang thiết bị cần đưa vào, phải hỗ trợ người dân nhưng tuyệt đối không được để người dân đi vào.
Các trường hợp đặc biệt phải được ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo thành phố mới được phép ra/vào khu phong tỏa", Phó Giám đốc CA TP. Đà Nẵng cho biết.
PV