THCL Theo công bố mới đây của một công ty nghiên cứu thị trường của Đức thì, năm 2015, thị trường bán lẻ Việt Nam đạt doanh thu trên 100 tỷ USD và dự kiến năm 2016, sẽ cao hơn nhiều. Điều này được chứng minh bởi sự xuất hiện ồ ạt của các đại gia bán lẻ đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan tại Việt Nam.

Vượt lên chính mình

Phát biểu tại Tọa đàm thị trường bán lẻ Việt Nam “Hướng đi nào cho DN nội địa?”, TS. Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam cho biết, với làn sóng mua bán, sáp nhập (M&A) dồn dập cùng sự hiện diện của rất nhiều đại gia bán lẻ nước ngoài, chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường, cũng như các nhà bán lẻ Việt Nam.

Trước lo ngại nguy cơ thôn tính, mất thị trường “về tay” DN ngoại, bà Loan cho rằng, DN bán lẻ nước ngoài được ví như “cú hích” bắt buộc DN Việt phải đứng lên, vượt qua chính mình, để cạnh tranh ngang bằng.

"Trong số 250 DN bán lẻ hàng đầu thế giới, có đến 40 tên tuổi đang hoạt động ở Úc. Vậy các nhà bán lẻ Úc có cảm thấy bị chèn ép không? Họ thấy và họ phải làm cách nào để vươn lên? Chúng ta phải chấp nhận sự có mặt của DN bán lẻ nước ngoài bên cạnh. Rõ ràng, họ buộc ta phải làm ăn hiệu quả hơn để cùng phát triển, mang lại lợi ích cho nền kinh tế và người tiêu dùng", bà Loan nói.

Theo khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), có hơn 50% số DN Việt Nam đánh giá các nhà bán lẻ nước ngoài sẽ làm cho cạnh tranh khó khăn hơn. Tuy nhiên, theo nhận xét thì các DN bán lẻ nước ngoài sẽ tác động tích cực đến thị trường bán lẻ Việt Nam.

Chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong cho rằng, cuộc “đổ bộ” của DN ngoại sẽ kéo theo nhiều thương vụ M&A trên thị trường bán lẻ, điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến 4 nhóm gồm DN bán lẻ, người tiêu dùng, Nhà nước và xã hội, hệ thống sản xuất.

TS. Phong nhận định, bên cạnh sự “uy hiếp” về thị trường, DN ngoại sẽ là chất xúc tác tăng thêm áp lực cạnh tranh buộc DN nội phải học hỏi kinh nghiệm, công nghệ hiện đại, nhân lực giỏi... Nếu công ty làm ăn tốt, người tiêu dùng sẽ có thêm việc làm, thêm thu nhập, bằng không họ sẽ bị thanh loại. Người tiêu dùng cũng được hưởng lợi từ sự cạnh tranh trực tiếp này. Bởi rất có thể các DN ngoại sẽ loại dần hàng Việt, đưa hàng ngoại vào. Qua đó, hàng Việt sẽ khó khăn, thậm chí phải hạ giá thành để hút khách.

Đi tìm giải pháp

Trước làn sóng M&A, theo TS. Đinh Thị Mỹ Loan, các DN nội có 2 sự lựa chọn: Có thể cân nhắc và đắn đo lựa chọn xem có tham gia vào M&A hay không (như Hapro) hoặc tham gia tích cực (như Saigon Co.op).

“Phía Hiệp hội nhìn nhận, trước hết DN cần tìm chỗ đứng cho mình, xác định mình là ai? Mình làm được gì? Bởi có thể thấy, thị trường bán lẻ đã không còn giống như trước đây, các thị trường bán lẻ trên thế giới với nhiều hình thức đang thay đổi một cách chóng mặt. Điều này dẫn đến yêu cầu DN phải tìm hướng đi thích hợp. Bên cạnh đó, DN cũng không thể đơn độc mà chiến thắng được, nhưng cũng không nên chạy theo phong trào và chỉ nói liên kết theo khẩu hiệu. DN cần liên kết thông minh và cụ thể. DN cần xác định rõ, không liên kết thì không thể thành công”, TS. Loan chia sẻ.

TS. Nguyễn Minh Phong lưu ý: “Một siêu thị hay một chuỗi bán lẻ chỉ thành công khi làm chủ nguồn cung với chất lượng đảm bảo. Số lượng cung phải ổn định và lớn. Đây là tiêu chí quan trọng để DN thắng lợi”.

Ông Võ Hoàng Anh, Giám đốc Marketing Co.op Mart nhận định: “Yếu tố giá chưa đủ để quyết định thành công của DN, mà còn là vấn đề chất lượng, dịch vụ, thái độ phục vụ của nhân viên... Tùy vào đặc điểm của loại hình DN mà lựa chọn hình thức tiếp cận khách hàng phù hợp đáp ứng được nhu cầu của thị trường để tạo nên lợi nhuận cho mình”.

Ông Nguyễn Ngọc Hưng, Tổng giám đốc Công ty CP Dịch vụ đi siêu thị (Disieuthi.vn) đưa ra chiến lược đó là tập trung vào thế mạnh cốt lõi của DN mình, tăng cường hợp tác - chia sẻ với các đối tác có nguồn lực mạnh mà mình còn thiếu để gia tăng sức mạnh cạnh tranh. Giải pháp thì tùy vào từng ngành nghề, từng sản phẩm DN, nhưng theo ông Hưng, có một cách đi chung nhanh nhất: Ứng dụng công nghệ vào quản lý và kinh doanh; mở rộng thêm các kênh phân phối hiện đại như thương mại điện tử hay tiếp thị liên kết…

Dưới góc độ quản lý nhà nước, bà Trần Phương Lan, Trưởng ban Giám sát và Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công thương) cho biết, sẽ tăng cường giám sát hoạt động dưới góc độ chính sách để đảm bảo thực hiện tốt các chính sách có liên quan trên thị trường bán lẻ. Từ đó, đưa ra những đề xuất nhằm tạo thuận lợi cho các DN Việt Nam trong cuộc cạnh tranh bán lẻ với các DN nước ngoài.

Đức Thế