Ngày 12/10 tại Việt Nam, Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, Việt Nam (UEH) và Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore (NTU Singapore) phối hợp triển khai Chương trình Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh Quốc tế (IMBA).
Chương trình IMBA dự kiến sẽ chính thức bắt đầu vào tháng 8 năm 2024, nhằm mục đích cung cấp một nền giáo dục kinh doanh toàn diện, kết hợp chuyên môn chung của cả hai trường đại học để trang bị cho học viên những kỹ năng và kiến thức quan trọng để phát triển trong nền kinh tế xanh và công nghệ tiên tiến.
Hoàn thành chương trình, học viên sẽ được trao bằng NTU MBA được cấp bởi NTU Singapore. Ngoài ra, học viên tốt nghiệp sẽ nhận được Chứng chỉ hoàn thành chương trình Quản trị Kinh doanhtừ UEH. Chứng chỉ kép này nhấn mạnh cam kết của chương trình trong việc mang lại trải nghiệm giáo dục toàn diện.
Tham gia sự kiện ra mắt chương trình có Đại sứ Singapore tại Việt Nam Ngài Jaya Ratnam, Ông Lê Thắng Lợi, Phó Giám Đốc Trung tâm Phát triển Giáo dục và Đào tạo phía Nam thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo; Chủ tịch Hội đồng Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh,GS. TS. Nguyễn Đông Phong; Giám đốc Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, GS. TS. Sử Đình Thành; TS. Đinh Công Khải, Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh; Viện Trưởng Viện Nghiên cứu Kinh doanh, GS. TS. Võ Xuân Vinh; TS. Ngô Quang Huân,Trưởng Khoa Quản Trị Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh và Hiệu trưởng Trường Kinh doanh Nanyang (NBS) của NTU, Giáo sư Christina Soh.Sự kiện còn có sự tham gia của các đối tác doanh nghiệp và cựu sinh viên từ hai trường NTU và UEH.
Thực tế cho thấy việc tăng trưởng kinh tế bền vững trong thế kỷ XXI phải được thúc đẩy thông qua khoa học, công nghệ, đổi mới và chuyển đổi kỹ thuật số. Trong chuyến thăm Singapore của Thủ tướng Phạm Minh Chính vào tháng Ba vừa qua, giáo dục và đào tạo cũng đã được nhấn mạnh là lĩnh vực hợp tác trọng điểm. Nhân dịp hai nước kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao, chương trình hợp tác này giúp tạo thêm điều kiện thuận lợi cho việc trao đổi chuyên môn, công nghệ và cơ hội đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển chung cho cả hai quốc gia.
Hiệu trưởng UEH, Giáo sư Sử Đình Thànhcho biết: “Sự hợp tác giữa UEH và NTU Singapore kết hợp chuyên môn của hai trường đại học thúc đẩy trao đổi kiến thức toàn cầu, phát triển khả năng lãnh đạo và bồi dưỡng nhân tài nhằm đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của cả hai quốc gia. Chương trình hợp tác này sẽ mang đến cho học viện những trải nghiệm học tập toàn diện. Với sự tham gia của các giảng viên đến từ hai trường, chương trình được kết hợp giữa tư duy toàn cầu với sự hiểu biết sâu sắc về bối cảnh địa phương ở Việt Nam”. Tại UEH, chương trình được vận hành bởi Viện Nghiên cứu Kinh doanh - Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh và Khoa Quản trị - Trường Kinh doanh UEH ở Việt Nam.
Lợi ích của Chương trình IMBA
Giáo trình giảng dạy liên ngành của chương trình IMBA đặc biệt chú trọng đến công nghệ và đổi mới. Trước hết, chương trình nhằm mục đích cung cấp cho học viên một nền tảng vững chắc về các nguyên tắc kinh doanh đồng thời đảm bảo sự hiểu biết toàn diện về các công nghệ và đổi mới trong hiện tại và tương lai. Điển hình, môn học “Chiến lược công nghệ và đổi mới” sẽ giới thiệu về những tiến bộ công nghệ tiên tiến, bao gồm học máy (machine learning), trí tuệ nhân tạo (AI), hệ thống không gian mạng thực-ảo, hệ thống tích hợp ngang và dọc. Điều này cho phép học viên nắm bắt được tác động tiềm tàng của những tiến bộ này đối với doanh nghiệp và khuyến khích tư duy đổi mới để đẩy mạnh năng suất, nâng cao hiệu quả và tăng cường khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp họ.
Bên cạnh đó, với tư cách là trường kinh doanh hàng đầu trực thuộc trường đại học công nghệ danh tiếng, Trường Kinh Doanh Nanyang (Nanyang Business School) là lựa chọn hoàn hảo để triển khai chương trình MBA Quốc tế NTU-UEH. Giáo sư Christina Soh, Hiệu trưởng trường Kinh doanh Nanyang của Đại học NTU Singapore, khẳng định: “Các môn học toàn diện của chương trình được thiết kế để giải quyết các khía cạnh riêng biệt của kinh doanh và quản lý, sẽ trang bị cho các nhà lãnh đạo đầy tham vọng khả năng thích ứng và tầm nhìn xa cần thiết để phát triển trong bối cảnh kinh doanh đang thay đổi nhanh chóng. Giảng viên của UEH có hiểu biết sâu sắc và kinh nghiệm thực tiễn về môi trường kinh doanh địa phương của Việt Nam, bao gồm các góc độ về văn hóa, kinh tế và chính trị. Để làm phong phú thêm chương trình các giảng viên của NTU sẽ đóng góp kiến thức dựa trên bằng chứng và những hiểu biết mang tính toàn cầu. Thông qua chương trình hợp tác này, chúng tôi đạt được sự cân bằng hài hòa giữa hành động theo đặc trưng địa phương và tư duy theo quy mô toàn cầu”.
Hơn nữa, cả hai trường đại học đều nhận thấy nhu cầu vừa học vừa làm của học viên và đáp ứng bằng cách áp dụng mô hình giảng dạy kết hợp. Cách tiếp cận này kết hợp 60% lớp học trực tiếp với 40% hội thảo đồng bộ trực tuyến, cho phép các học viên tương tác trực tiếp, trải nghiệm mô hình học tập hợp tác, cũng như tương tác theo thời gian thực thông qua các hội thảo trực tuyến. Cách tiếp cận linh hoạt này giúp các học viên, những người đang đi làm vẫn có thể tiếp tục đóng góp cho sự nghiệp của mình đồng thời được tham gia chương trình giáo dục mang tính chuyển đổi phù hợp với lịch trình bận rộn của họ.
Tiếng Anh sẽ là ngôn ngữ giảng dạy cho chương trình này. Ứng viên phải có bằng cử nhân từ một trường đại học hoặc tổ chức giáo dục được công nhận và có ít nhất hai năm kinh nghiệm làm việc toàn thời gian. Ngoài ra, ứng viên sẽ trải qua một bài đánh giá khả năng nhận thức và kỹ năng phân tích của họ. Quá trình này sẽ đánh giá năng lực của ứng viên để phù hợp với chương trình và tiềm năng thành công của họ trong môi trường học tập nghiêm túc.
Khánh Yên