Cơ quan Trung ương của Hiệp hội Chống hàng giả & Bảo vệ thương hiệu Việt Nam
  • Click để copy

Đại thắng mùa Xuân 1975: Sức mạnh của niềm tin chiến thắng và ý chí thống nhất Tổ quốc

Đại thắng mùa Xuân 1975 là thắng lợi vĩ đại của sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Thắng lợi đó mở ra kỷ nguyên: Độc lập, thống nhất Tổ quốc! Tròn 45 năm chiến tranh đi qua, Đại thắng mùa Xuân sẽ mãi mãi là bản Anh hùng ca về những năm tháng đấu tranh hào hùng cho sự nghiệp giải phóng dân tộc...

Kỳ I: Thắt chặt vòng vây

Chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu từ 6 giờ ngày 27/4/1975 (cánh đông từ 15 giờ ngày 26/4), kết thúc thắng lợi lúc 11 giờ 30 ngày 30/4/1975.

Giành thế chủ động

Theo kế hoạch của chiến dịch, 2 ngày đầu, các binh đoàn chủ lực của ta hợp đồng cùng lực lượng vũ trang và nhân dân tại chỗ nhanh chóng tiến công tuyến phòng thủ trực tiếp Sài Gòn - Gia Định, tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch. Ta đánh chiếm một số mục tiêu, cắt giao thông thủy bộ, kiên quyết không cho địch co về cố thủ Sài Gòn.

Mặt khác, triệt đường rút lui ra biển và xuống đồng bằng sông Cửu Long của địch, thực hiện bao vây cô lập hoàn toàn Sài Gòn, tạo thế có lợi để đúng ngày 29/4 thực hành tổng tiến công trên toàn mặt trận, tiêu diệt các sư đoàn chủ lực địch ở vùng ngoài. Đồng thời, bộ đội chủ lực thọc sâu, cùng các lực lượng tại chỗ đánh chiếm các địa bàn quan trọng ở vùng ven, đồng loạt tấn công vào nội đô, tiêu diệt và chiếm lĩnh các mục tiêu chiến lược quan trọng, hoàn thành nhiệm vụ chiến dịch.

 Niềm vui trong ngày đại thắng
Niềm vui trong ngày đại thắng
Niềm vui trong ngày đại thắngNiềm vui trong ngày đại thắng (Ảnh Vietnam+)

Đến hết ngày 29/4, tình hình đã diễn ra theo đúng kế hoạch dự kiến. Các hướng, các mũi tiến công đã tiêu diệt địch, đánh chiếm các mục tiêu trọng yếu. Nhiều hướng phát triển nhanh đã chặn được địch ở vòng ngoài. Ta tiêu diệt và làm tan dã đại bộ phận khối chủ lực địch. Lực lượng thọc sâu trên hướng tây bắc, tây nam đã đến địa bàn quy định.

Địch đối phó quyết liệt trên tất cả các hướng: Đồng Dù, Tân Uyên (tây và tây bắc); tuyến Vàm Cỏ Đông, Tân An, Bến Lức (tây và tây nam); Hố Nai, Biên Hoà, căn cứ Nước Trong (đông và đông nam). Nhưng trước sức tấn công mãnh liệt của bộ đội ta, địch rất hoang mang, có hiện tượng tan rã, rút chạy, đầu hàng từng bộ phận, chỉ huy rối loạn từ trên xuống dưới.

Dưới sự lãnh đạo của đảng bộ ở cơ sở, khi bộ đội chủ lực tràn qua, được lực lượng vũ trang tại chỗ hỗ trợ, quần chúng nổi dậy cùng bộ đội truy lùng địch, phá các đồn bốt, trụ sở, bắt tề diệt ác ôn, giành quyền ở cơ sở. Hướng tây bắc, Quân đoàn 3 tiêu diệt căn cứ Đồng Dù, cơ bản tiêu diệt Sư đoàn 25 ngụy, bắt sống Tư lệnh Sư đoàn Lý Tòng Bá.

Đơn vị thọc sâu (Sư đoàn 10) đã đến khu vực Bà Quẹo  lúc 21 giờ. Hướng bắc, Quân đoàn 1 đánh chiếm thị trấn Tân Uyên, bao vây Phú Lợi, tiến xuống Thái Lái Thiên. Lực lượng vùng ven trên 2 hướng, gồm Trung đoàn 1 Gia Định, Trung đoàn 115 Đặc công, Tiểu đoàn 18 Biệt động, Đại đội địa phương Củ Chi phối hợp nhịp nhàng, đã đánh chiếm nhiều đồn bốt một số chi khu, diệt bọn tàn quân của các sư đoàn 25 và 5 địch tháo chạy.

Bộ đội đánh lui nhiều đợt tập kích của địch, giữ vững cầu Bông, cầu Xáng, bảo đảm cho các sư đoàn thọc sâu phát triển nhanh. Hướng tây và tây nam, Đoàn 232 chiếm thị xã Hậu Nghĩa, Chi khu Quân sự Đức Hòa, bức rút Chi khu Đức Huệ và Căn cứ Trà Cú. Đơn vị thọc sâu, Sư đoàn 9 đã triển khai tại bắc Bà Hoan 2 km. Sư đoàn 5 cùng 1 sư đoàn của Quân khu 8 tiếp tục cắt lộ 4, đánh lui nhiều đợt tiêm kích của địch.

Lực lượng vùng ven, Trung đoàn Đặc công 429 tiêu diệt Tiểu đoàn 8 Biệt động địch tại khu Tân Tạo, Bà Hom, khu ra-đa Phú Lâm. Trung đoàn 117 đã bắn 200 viên đạn ĐKB vào sân bay Tân Sơn Nhất. Tại hướng đông và đông nam, Quân đoàn 4 đánh mạnh địch, tổ chức tiêu diệt Tiểu đoàn Thủy quân lục chiến và Trung đoàn 82 (Sư đoàn 18) địch. Quân đoàn 2 đánh chiếm Căn cứ Thiết giáp, Nước Trong và Tổng kho Long Bình, Chi khu Nhơn Trạch của địch; bố trí pháo tầm xa ở Nhơn Trạch, lã vào sân bay Tân Sơn Nhất, làm chủ thành Tuy Hạ, phát triển tới Cát Lái.

Đơn vị thọc sâu gồm Trung đoàn 66, Lữ đoàn Tăng 203, bắt liên lạc với Đoàn 116 Đặc công đang giữ cầu Đồng Nai, chuẩn bị đột phá vào nội đô. Lực lượng vùng ven gồm 3 đoàn đặc công, sử dụng một bộ phận tiến công tiêu diệt Bộ chỉ huy tiếp vận Long Bình và Kho xăng Long Bình của địch.

Một bộ phận giữ vững cầu Đồng Nai, bắt liên lạc với bộ đội thọc sâu là Đoàn 116 của Quân đoàn 2. Đoàn 115 tiến công tiêu diệt Sở chỉ huy Trung đoàn thiết giáp 15 địch ở Biên Hòa, chiếm giữ cầu Ghềnh. Đoàn 10 chiếm Phước Khánh, ngã ba Đồng Tranh, trong 2 ngày đã bắn cháy 10 tàu địch trên sông Sài Gòn.

"Thâu đêm suốt sáng"

Tin chiến thắng liên tục dội về. Cơ quan Tổng Hành dinh vui hẳn lên như ngày hội. Đúng là ngày hội lớn của dân tộc. Chỉ tính từng giờ, Tổ quốc sẽ thống nhất, giang sơn thu về một mối, chấm dứt trên 100 năm đô hộ, nô dịch và chia cắt.

Điểm hội tụ của ngày hội lớn là Cục Tác chiến - nơi "tay hòm chìa khoá" - chuyển đi mọi kế hoạch, mệnh lệnh, chỉ thị của Bộ Thống soái Tối cao; nhận về mọi tin chiến thắng, những đề nghị cấp thiết của các chiến trường, quân khu, quân đoàn.

Nếu nói 55 ngày đêm thức trắng để phục vụ Bộ Chính trị và Thường vụ Quân uỷ Trung ương chỉ đạo toàn quân, toàn dân quyết giành thắng lợi cuối cùng trọn vẹn nhất, vĩ đại nhất cho Tổ quốc, thì ngày 29 và 30/4 mới thực sự là "thâu đêm suốt sáng". Không ai có thể ngủ được và cũng không một ai muốn ngủ, mặc dù ai cũng mệt lả. Ai cũng muốn được chứng kiến giây phút huy hoàng nhất, chia vui cùng cán bộ, chiến sỹ ở phía trước.

Diễu hành mừng chiến thắng trên đường phố Paris ngày 1/5/1975 (Ảnh: Lê Tấn Xuân/Vietnam+)Diễu hành mừng chiến thắng trên đường phố Paris ngày 1/5/1975 (Ảnh: Lê Tấn Xuân/Vietnam+)

Khác với các hội nghị trước đây, đúng sáng 29/4, các đồng chí trong Bộ Chính trị và Thường vụ Quân uỷ Trung ương cùng đến sớm hơn, về chậm hơn, cả buổi chiều cũng vậy. Tất cả các đồng chí lãnh đạo đều chăm chú theo dõi những mũi tên tiến công của từng hướng trên tấm bản đồ lớn. Niềm vui thể hiện rõ trên từng ánh mắt, nụ cười của từng người.

Tấm bản đồ Sài Gòn - Gia Định trải rộng trên bàn.

Tấm bản đồ miền Đông Nam Bộ cùng các sơ đồ, bảng kẻ ghi rõ các địa bàn xuất phát, các đồn bốt bị ta tiêu diệt; các trận quân ta tiêu diệt nhanh gọn từng đơn vị địch; các vùng nhân dân nổi dậy... được treo đầy tường phòng họp. Cục trưởng Cục Tác chiến Lê Hữu Đức luôn vẽ lên những mũi tên tiến công của ta trên các hướng.

Thường thì trước đây, có đồng chí Trung tá Lê Phi Long - Trưởng phòng Chiến trường miền Nam (Chiến trường B) mang theo đầy đủ các bản đồ, những tin mới nhất ngồi chờ sẵn ở buồng bên cạnh phòng họp lớn để kịp thời báo cáo lãnh đạo. Nay đồng chí Long ở cánh đông phụ trách Cơ quan Tác chiến của đồng chí Lê Trọng Tấn. Thay thế có các đồng chí Phó phòng Vũ Long và Trần Chí Cường.

Cứ mỗi lần có tin tức mới, lại thay đổi bản đồ và sơ đồ phục vụ lãnh đạo kịp thời và chính xác nhất. Và cũng mỗi lần như vậy, các đồng chí lãnh đạo đều vui, tươi cười và nhất trí: “Thuận lợi lên! Tốt quá! Anh em ta trong đó cố gắng lắm...”.

Cũng vì tình hình dồn dập nên ngoài giờ giao ban buổi sáng và 3 lần hội ý của Tổ Chỉ huy Tác chiến, Cơ quan Tổng Hành dinh tổ chức giao ban lần thứ hai vào lúc 19 giờ. Thành phần dự Hội nghị đầy đủ hơn, mở rộng thêm các đồng chí thủ trưởng các cục của các tổng cục.

Sau đó, Cục trưởng Cục Tác chiến Lê Hữu Đức tới báo cáo đồng chí Bí thư Thứ nhất Lê Duẩn. Thường chỉ báo cáo anh Ba (đồng chí Lê Duẩn); khi cần thiết thì báo cáo các anh Thận (đồng chí Văn Tiến Dũng), anh Tô (đồng chí Phạm Hùng) và anh Sáu Thọ. Nhưng hôm nay, tình hình khẩn trương, đồng chí Lê Hữu Đức báo cáo “đủ ba anh”.

“Cũng vì đã giành chiến thắng, anh nào cũng hỏi kỹ hơn hoặc dặn dò kỹ hơn. Mọi người đều tâm sự về ý nghĩa thắng lợi, công lao đồng bào và chiến sỹ cả nước, đồng bào, những chiến sỹ miền Nam trực tiếp chịu đựng và anh dũng hy sinh”, cố Cục trưởng Cục Tác chiến Lê Hữu Đức.

“Đánh, đánh, đánh!”

Nguyên Cục trưởng Cục Tác chiến trong những năm 1972 – 1979 - cố Trung tướng Lê Hữu Đức:

“Tôi trở lại cơ quan, lúc đó đã 22 giờ. Đồng chí Thiếu tá Nguyễn Đồng Thoại, Trợ lý Bộ phận tình hình chung, Trực ban Tác chiến đưa tôi bức điện của anh Lê Trọng Tấn - Tư lệnh phó Chiến dịch Hồ Chí Minh, trực tiếp chỉ huy cánh đông: “Vì Quân đoàn 2 có bộ phận phải vượt sông Cát Lái và Quân đoàn cần phải dứt điểm tiêu diệt bọn địch co cụm ở Hố Nai nên Tư lệnh cánh đông đề nghị cho 2 quân đoàn được tổng tiến công vào nội đô từ 16 giờ ngày 29/4, thay vì lúc 6 giờ ngày 30/4”.

Chúng tôi nghiên cứu thấy ý kiến của Tư lệnh cánh đông là hợp lý, nhưng đánh hợp đồng binh chủng quy mô lớn phải chấp hành nghiêm kế hoạch đề ra. Tôi quay điện báo cáo anh Văn (Đại tướng Võ Nguyên Giáp) và được anh Văn nhất trí.

Đúng 23 giờ, anh Văn và tôi có mặt tại phòng làm việc của anh Ba. Tôi đọc điện của anh Lê Trọng Tấn và chỉ vào bản đồ. Anh Văn nói: “Đề nghị anh cho đánh theo đề nghị của Tấn”.

Anh Ba trả lời ngay: “Đánh, đánh, đánh! Lúc này, cách nào phát triển thắng lợi - sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho toàn bộ chiến dịch”.

“Đề nghị điện ký tên anh” - anh Văn nói.

“Không, anh là Tổng Tư lệnh, điện ký tên anh” - Anh Ba trả lời.

Một thoáng sau, anh Ba nói tiếp: “Hoặc ký thêm tên tôi, hoặc nói đã bàn với anh Ba và anh Ba nhất trí”…

Về lại phòng làm việc, anh Văn đọc cho tôi viết điện trả lời anh Tấn: “… Đồng ý đánh thẳng vào nội đô với thời gian nhanh nhất. Thường trực đã bàn thống nhất với anh Ba và đã có điện cho anh Tuấn. Ký tên Văn”.

Đồng thời, anh Văn đọc điện gửi anh Tuấn, Tổ anh Văn Tiến Dũng: “… Vừa nhận được điện của anh Tấn - đã ra lệnh cho 2 quân đoàn đánh vào nội đô hồi 16 giờ ngày 29/4… Chắc anh Tấn đã có điện cho anh.

Anh Ba và chúng tôi nhất trí trong tình hình các hướng phát triển thuận lợi, hướng anh Tấn phát triển càng nhanh càng tốt. Ký tên Văn”.

Lúc này đã gần 12 giờ đêm. Tôi và anh Lê Duy Mật, Phó cục trưởng cùng các đồng chí Phòng Chiến trường B, Phòng Kế hoạch, Bộ phận Tổng hợp tình hình chung và cán bộ trực ban đang sôi nổi trao đổi nội dung chuẩn bị cho cuộc hội nghị của Bộ Chính trị, Thường trực Quân ủy Trung ương vào sáng 30/4.

Bỗng chuông điện thoại vang lên, tiếng anh Văn rất rõ: “Đức đấy à, có tình hình gì mới không? Các cậu đã chuẩn bị kỹ cho hội nghị ngày mai chưa?...”.

Tôi liếc nhìn đồng hồ, mới 3 giờ 30. Anh Văn nói tiếp: “Chú ý hướng đồng bằng sông Cửu Long. Phải suy nghĩ chờ tin tức tác chiến phía Quân khu 9 sau khi Sài gòn giải phóng”.

Ngày thường, anh Văn kiểm tra cơ quan vào lúc 5 giờ. Trước hết là Cục Quân báo, đến Cục Tác chiến. Như vậy là hôm nay, anh Văn cũng không ngủ.

Tôi mạnh dạn hỏi: “Báo cáo, anh cũng không ngủ?”…

“Từ khi ở nhà anh Ba về, tôi suy nghĩ mãi, mới chợp mặt một chút… Còn cậu và anh em, chắc là suốt đêm… Cảm ơn cậu và anh em”…”…

Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử Xuân 1975, Cục Tác chiến (Bộ TTM) là nơi "tay hòm chìa khoá" - chuyển đi mọi kế hoạch, mệnh lệnh, chỉ thị của Bộ Thống soái Tối cao; nhận về mọi tin chiến thắng, những đề nghị cấp thiết của các chiến trường, quân khu, quân đoàn.

Xuân Phong

Bài liên quan

Tin mới

Chiến dịch Điện Biên Phủ, ta tăng cường bắn tỉa, đoạt dù tiếp tế của địch
Chiến dịch Điện Biên Phủ, ta tăng cường bắn tỉa, đoạt dù tiếp tế của địch

Đại đoàn 308, Đại đoàn 312 quyết tâm đào hào chia cắt sân bay địch xong trước kế hoạch; đồng thời tiến hành đẩy mạnh các hoạt động nhỏ, tăng cường bắn tỉa, đoạt dù tiếp tế của địch.

Ưu tiên nguồn lực giám sát các hệ thống thông tin dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5
Ưu tiên nguồn lực giám sát các hệ thống thông tin dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long ký văn bản đôn đốc, đảm bảo an toàn thông tin mạng dịp lễ 30/4 - 1/5 và 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ gửi tới các bộ, ngành, địa phương; các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet, nền tảng số cùng những tổ chức tài chính, ngân hàng thương mại trên toàn quốc.

Giá vé máy bay nội địa dịp lễ 30/4 - 1/5 cao ngất ngưởng, nhiều hãng tăng thời gian hoạt động
Giá vé máy bay nội địa dịp lễ 30/4 - 1/5 cao ngất ngưởng, nhiều hãng tăng thời gian hoạt động

Nhằm đối phó với tình trạng thiếu máy bay trong khi nhu cầu đi lại trong dịp lễ 30/4 - 1/5 và mùa hè này tăng mạnh, các hãng hàng không đã xoay xở bằng cách tăng thời gian hoạt động của máy bay, rút ngắn thời gian quay đầu... Tuy nhiên, giá vé bay vẫn cao.

Khi nào được sử dụng căn cước công dân thay hộ chiếu đi du lịch nước ngoài?
Khi nào được sử dụng căn cước công dân thay hộ chiếu đi du lịch nước ngoài?

Việc sử dụng căn cước công dân thay hộ chiếu đi du lịch nước ngoài chỉ được thực hiện khi Việt Nam và nước ngoài ký kết thỏa thuận quốc tế cho phép người dân.

Thời tiết ngày 20/4: Nền nhiệt cả nước tăng
Thời tiết ngày 20/4: Nền nhiệt cả nước tăng

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, ngày 20/4 Bắc Bộ đêm mưa dông, ngày nắng nóng. Khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ nắng nóng gay gắt.

Brand Finance: Thương hiệu quốc gia Việt Nam tăng trưởng 102%, đạt 498,13 tỷ USD
Brand Finance: Thương hiệu quốc gia Việt Nam tăng trưởng 102%, đạt 498,13 tỷ USD

Theo đánh giá của Tổ chức tư vấn định giá thương hiệu hàng đầu thế giới - Brand Finance, thương hiệu quốc gia Việt Nam có tốc độ tăng trưởng 102% trong giai đoạn 2019-2023.