Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ngành có liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố (UBND cấp huyện) và các đơn vị chủ rừng tổ chức, triển khai các nhiệm vụ như:
Tổ chức chỉ đạo và thực hiện các hoạt động lâm nghiệp theo Luật Lâm nghiệp 2017 và các quy định của pháp luật, chính sách, chế độ nhà nước về quản lý, bảo vệ rừng, phát triển rừng, sử dụng rừng và đất lâm nghiệp; tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về lâm nghiệp tại địa phương; chủ động cân đối, bố trí các nguồn lực cho công tác quản lý, bảo vệ rừng, phát triển rừng phù hợp theo tình hình, điều kiện của địa phương.
Xây dựng Kế hoạch giao rừng, cho thuê rừng hàng năm phù hợp, thống nhất với kế hoạch giao đất, cho thuê đất trên địa bàn, đúng theo quy định tại Luật Lâm nghiệp.
Thực hiện biện pháp kiểm tra, xử lý, ngăn chặn tình trạng phá rừng, lấn, chiếm đất lâm nghiệp trái phép; đồng thời, tổ chức rà soát, thống kê toàn bộ diện tích rừng bị phá và đất lâm nghiệp bị lấn, chiếm trái phép để xử lý theo quy định của pháp luật.
Kiểm tra, quản lý chặt chẽ diện tích đất lâm nghiệp đã có quyết định của cấp có thẩm quyền thu hồi, giao cho địa phương quản lý, sử dụng theo đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và phương án được duyệt.
Kiểm tra, khảo sát, nắm chắc đối tượng di dân tự do đang cư trú và tham gia các hoạt động phá rừng, lấn, chiếm đất lâm nghiệp trái phép để tham mưu đề xuất UBND tỉnh phương án tuyên truyền, vận động người dân trở về nơi cư trú cũ, hoặc giải quyết đất sản xuất, đất ở phù hợp với tình hình thực tế và quỹ đất của địa phương, tạo điều kiện cho người dân ổn định cuộc sống, thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ công dân.
Chủ trì tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật đối với các chủ rừng: Chủ rừng là các công ty, doanh nghiệp tư nhân thuê rừng, đất lâm nghiệp thực hiện dự án; rừng do UBND xã quản lý; rừng giao cho hộ gia đình... để rừng, đất rừng bị xâm hại trái pháp luật.
Yến Linh (t/h)