Cụ thể, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk hiện ước có 11.076 doanh nghiệp đang hoạt động và 961 doanh nghiệp có trụ sở chính ở tỉnh ngoài đăng ký thành lập, hoạt động hình thức Chi nhánh tại tỉnh, nâng tổng số doanh nghiệp còn hoạt động trên địa bàn tỉnh là 12.037 doanh nghiệp.
Đồng thời, Đắc Lắc có 164 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh đã quay trở lại hoạt động cho thấy hoạt động của doanh nghiệp đã có sự phục hồi tích cực. Phát triển doanh nghiệp đã thu hút một lượng vốn đáng kể trong dân cư vào sản xuất kinh doanh và giải quyết việc làm cho nhiều lao động, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Bên cạnh đó, tình hình kinh tế tập thể, Đắc Lắc có 45 hợp tác xã thành lập mới, đạt 75% kế hoạch, cao gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2022. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 574 hợp tác xã đang hoạt động, 134 hợp tác xã ngừng hoạt động. Công tác phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh tiếp tục được quan tâm thực hiện.
Theo UBND tỉnh Đắk Lắk, mặc dù Chính phủ và địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tuy nhiên số lượng doanh nghiệp giải thể và tạm ngừng hoạt động trong quý tăng cao (có 37 doanh nghiệp giải thể, 395 doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động), cao hơn số doanh nghiệp thành lập mới (432/340 doanh nghiệp thành lập mới), đã phần nào ảnh hưởng đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Nền kinh tế thế giới và trong nước có nhiều biến động đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; chuỗi cung ứng sản phẩm bị đứt gãy; giá xăng dầu, nguyên vật liệu tăng cao làm tăng chi phí hoạt động và giá thành sản phẩm, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm thị trường; phần lớn các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, còn nhiều khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn do siết chặt quy mô tín dụng; thời gian thực hiện thủ tục giải thể doanh nghiệp thường kéo dài do phải thực hiện các thủ tục quyết toán thuế, các khoản nợ của doanh nghiệp, do đó các doanh nghiệp đăng ký giải thể trong quý IV/2022 phải kéo dài thời gian sang quý I/2023.
Trong quý II/2023, UBND tỉnh tập trung hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, triển khai công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Tỉnh tổ chức thực hiện các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năm 2023 theo kế hoạch đã được phê duyệt, đẩy mạnh thực hiện các giải pháp thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo gắn với tiến trình chuyển đổi số; tiếp tục phối hợp với Trường Đại học Tây Nguyên triển khai hoạt động của Trung tâm ĐMST tỉnh theo Thỏa thuận hợp tác đã ký; phê duyệt danh sách các hợp tác xã nông nghiệp thực hiện hỗ trợ đưa lao động trẻ về làm việc tại các tổ chức KTTT trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2023; triển khai xét duyệt hồ sơ hợp tác xã tham gia chương trình biểu dương hợp tác xã tiêu biểu năm 2023 và rà soát, đề xuất chủ trương đầu tư hỗ trợ kết cấu hạ tầng và chế biến sản phẩm cho 02 hợp tác xã trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột.
PV(t/h)