Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra hàng hóa dịp sát tết nguyên đánLực lượng quản lý thị trường kiểm tra hàng hóa dịp sát tết nguyên đán

Cuối năm và dịp Tết nguyên đán là thời điểm nhu cầu mua sắm của người dân trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk tăng cao, thị trường hàng hóa từ đó có nhiều biến động và diễn biến phức tạp. Đây cũng là thời điểm các đối tượng xấu lợi dụng cơ hội để trà trộn hàng kém chất lượng, hàng giả, hàng cấm với những phương thức, thủ đoạn hết sức tinh vi để trục lợi.

Ông Mai Mạnh Toàn – Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk cho biết: “Chúng tôi xác định vai trò là lực lượng nòng cốt, chuyên trách trong công tác đấu tranh phòng, chống, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong sản xuất, vận chuyển, kinh doanh hàng hóa, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; đồng thời chủ động kiểm soát tình hình, phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật, đảm bảo ổn định thị trường để nhân dân tỉnh Đắk Lắk yên tâm mua sắm, đón Tết an toàn, đầm ấm, Cục Quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk sẽ mở đợt cao điểm kiểm tra, kiểm soát thị trường dịp trước, trong và sau Tết nguyên đán Tân Sửu năm 2021. Trên cơ sở bám sát sự chỉ đạo của Bộ Công thương, Tổng cục Quản lý thị trường, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đắk Lắk, Cục Quản lý thị trường sẽ chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ tập trung vào các nhóm nhiệm vụ chủ yếu nhằm bảo vệ người tiêu dùng”.

Để đạt hiệu quả trong công tác nghiệp vụ, Cục Quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk đã đưa ra những nhiệm vụ cụ thể. Thứ nhất, tăng cường kiểm tra, kiểm soát các mặt hàng trọng điểm. Cục Quản lý thị trường sẽ chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường trực thuộc tăng cường kiểm tra, kiểm soát đối với những mặt hàng thiết yếu, có nhu cầu tiêu dùng lớn trong dịp cuối năm và Tết nguyên đán Tân Sửu như: Hàng điện tử, điện lạnh, quần áo, giày dép, lương thực, thực phẩm, bánh kẹo, đường, hoa quả, rượu bia, thuốc lá, nước giải khát, xăng dầu, động vật và sản phẩm chế biến từ động vật, một số mặt hàng đồ chơi trẻ em, các ấn phẩm (tranh, ảnh, sách báo…). Đơn vị kiên quyết không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tung tin đồn thất thiệt để tăng giá bất hợp lý gây bất ổn thị trường.

Bên cạnh các mặt hàng thiết yếu có nhu cầu cao, đơn vị cũng sẽ tập trung vào các kế hoạch chuyên đề như chống buôn lậu thuốc lá; phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng; xăng dầu kém chất lượng, thiếu số lượng; nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thuốc y học cổ truyền… Đồng thời, Quản lý thị trường tỉnh chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng khác trên địa bàn tỉnh như: Công an, Bộ đội biên phòng, Y tế, Hải quan… tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành để triệt phá các đường dây buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới và tại các tuyến Quốc lộ huyết mạch trên địa bàn tỉnh như Quốc lộ 14, 26, 27…

Đặc biệt, Đắk Lắk là tỉnh có địa bàn rộng, đặc thù có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Đời sống của bà con ở các vùng sâu, vùng xa còn gặp rất nhiều khó khăn. Thời gian qua, lợi dụng việc tiếp cận thông tin của bà con còn hạn chế, các đối tượng xấu đã có nhiều hành vi lừa đảo, gian lận thương mại thông qua việc đưa hàng hóa kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái về mời chào người dân, đặc biệt là các mặt hàng tiêu dùng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe như: Nồi, chảo, dầu gội đầu, bột giặt, dầu ăn… Thời gian tới, Cục Quản lý thị trường sẽ phối hợp với các lực lượng chức năng kiên quyết đấu tranh với loại hình thức vi phạm này.

Đắk Lắk: Triển khai nhiều giải pháp bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dịp cao điểm Tết Nguyên đánĐắk Lắk triển khai nhiều giải pháp bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dịp cao điểm Tết Nguyên đán

Thứ hai, kiểm soát chặt chẽ công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và việc chấp hành các quy định của pháp luật về giá, đo lường. Cục Quản lý thị trường sẽ phối hợp với các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ công tác đảm bảo an toàn thực phẩm, đặc biệt tập trung vào các khu chợ đầu mối, siêu thị, kho chứa hàng đông lạnh, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm đường phố… Đồng thời, để phát hiện các thủ đoạn gian lận về giá hoặc lợi dụng đo lường, đóng gói để tăng giá, đơn vị sẽ tăng cường kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về giá, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết; đo lường hàng hóa (cân, đong, đóng gói hàng hóa), công bố chất lượng, ghi nhãn hàng hóa của các cơ sở sản xuất, kinh doanh bán buôn, bán lẻ.

Thứ ba, tiếp tục kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các mặt hàng phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Dịch bệnh Covid-19 hiện vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, nhu cầu sử dụng trang thiết bị y tế như mặt hàng khẩu trang, thuốc sát trùng, găng tay y tế của người dân sẽ còn tăng cao. Do đó Cục Quản lý thị trường sẽ tiếp tục theo dõi, giám sát, kiểm tra, xử lý quyết liệt, nghiêm cấm các hành vi đầu cơ, găm hàng, tự tăng giá bất hợp lý để thu lợi nhuận cao đối với các mặt hàng phục vụ công tác phòng, chống dịch.

Thứ tư, tăng cường đấu tranh với các hành vi lợi dụng thương mại điện tử để thực gian lận thương mại. Bên cạnh các thị trường kinh doanh, buôn bán truyền thống, cuối năm và Tết nguyên đán cũng sẽ là thời điểm các đối tượng xấu lợi dụng thương mại điện tử (thông qua các website bán hàng trực tuyến, livestream bán hàng trên Facebook, Zalo…) để trục lợi, thực hiện các hành vi kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, quảng cáo sai sự thật về bản chất, công dụng của hàng hóa, giả mạo nhãn hiệu, thương hiệu nổi tiếng… Trong thời gian tới, Cục Quản lý thị trường sẽ chỉ đạo Tổ công tác Thương mại - Điện tử truyền thông của đơn vị thu thập thông tin, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị nghiệp vụ kiểm tra, xử lý các vụ việc hoặc chuyển hồ sơ đến các lực lượng chức năng có thẩm quyền xử lý các vụ việc, hành vi vi phạm trên nền tảng thương mại điện tử.

Hữu Văn