Anh Mai Quốc Nam, quê ở huyện Thanh Ba (Phú Thọ) là công nhân làm việc tại Công ty TNHH Hoàn Mỹ (KCN Khai Quang, thành phố Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) cho biết: "Vợ chồng tôi đều làm công nhân và 2 con nhỏ (cháu lớn học lớp 3, cháu nhỏ hơn 3 tuổi). Sau kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5, các cháu nghỉ học ở nhà tránh dịch, nên vợ chồng tôi thay nhau nghỉ việc ở nhà trông con.

Cảnh đi thuê nhà trọ, cuộc sống vốn vất vả nay lại càng thêm khó khăn. Vợ chồng tôi cũng tính gửi các con về quê nhờ ông bà chăm sóc giúp nhưng thành phố Vĩnh Yên đang thực hiện cách ly xã hội nên chưa về quê được.

Công ty TNHH Young Poong Electronics Vina, KCN Bình Xuyên II, huyện Bình Xuyên duy trì sản xuất và đảm bảo công tác phòng, chống dịch. Ảnh: Trà Hương
Công ty TNHH Young Poong Electronics Vina, KCN Bình Xuyên II, huyện Bình Xuyên duy trì sản xuất và đảm bảo công tác phòng, chống dịch (Ảnh: Trà Hương).

Đợt dịch năm ngoái, vợ tôi làm công nhân may đã phải nghỉ việc luân phiên một thời gian. Thu nhập giảm, gia đình tôi phải chi tiêu tiết kiệm. Năm nay, dịch Covid-19 quay trở lại, một lần nữa, vợ chồng tôi đối diện với nguy cơ dừng việc".

Vợ chồng chị Ngô Thị Duyên ở huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) đều làm công nhân Công ty TNHH Partron Vina (KCN Khai Quang, thành phố Vĩnh Yên) đang rất lo lắng về tình hình kinh tế của gia đình. "Tôi vừa mới đi làm lại sau khi sinh bé thứ 2 chưa lâu thì dịch Covid-19 bùng phát trở lại. Vợ chồng tôi có thể phải nghỉ việc nếu trong KCN có người mắc Covid-19. Nếu một người phải dừng việc, khó khăn đã nhân đôi; nếu cả 2 vợ chồng phải dừng việc thì không biết chúng tôi xoay xở ra sao khi quê ở xa, con còn nhỏ”, chị Duyên ngậm ngùi.

Chủ tịch Công đoàn các KCN tỉnh Phùng Thị Hà cho biết: "Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, đang có nguy cơ tấn công vào các KCN, thực hiện chỉ đạo của tỉnh, các doanh nghiệp đã nâng cấp độ phòng, chống dịch bệnh lên mức cao nhất.

Cán bộ Công đoàn cơ sở đã tích cực tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch, đồng thời, động viên công nhân yên tâm lao động sản xuất. Công đoàn các KCN đã chủ động phối hợp với chính quyền và người sử dụng lao động trong các doanh nghiệp để khi có trường hợp mắc bệnh sẽ làm tốt công tác truy vết, khoanh vùng, cách ly đảm bảo nguyên tắc "4 tại chỗ" và thực hiện "nhiệm vụ kép", vừa chống dịch, vừa phát triển sản xuất kinh doanh.

Hiện các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn hoạt động sản xuất, kinh doanh bình thường, 100% công nhân lao động đi làm đeo khẩu trang, được đo thân nhiệt 3 lần/ca, làm việc và đảm bảo giãn cách trong giờ giải lao.

Tuy nhiên, nếu để dịch Covid-19 lây lan vào doanh nghiệp có từ vài trăm đến vài nghìn lao động, tùy từng mức độ, doanh nghiệp đó có thể phải tạm dừng sản xuất; điều đó đồng nghĩa với việc người lao động có thể phải tạm thời nghỉ việc để dập dịch.

Để đảm bảo việc làm ổn định, người lao động trong các doanh nghiệp cần nâng cao ý thức phòng, chống dịch Covid-19 để bảo vệ bản thân, gia đình, tránh hoang mang, lo sợ, tích cực lao động sản xuất và tin tưởng vào chính sách phòng, chống dịch của Chính phủ và của tỉnh".

Vĩnh Phúc hiện có hơn 88.000 lao động trong nước, hơn 1.300 cán bộ kỹ thuật, chuyên gia, người quản lý nước ngoài đang làm việc tại các doanh nghiệp. Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, UBND tỉnh đã có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp trên địa bàn kích hoạt lại toàn bộ hệ thống, các hoạt động phòng, chống dịch.

Đồng thời, giao LĐLĐ tỉnh, Công đoàn các KCN thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở các doanh nghiệp thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch; nắm chắc tình hình lao động, việc làm trong các doanh nghiệp, thống kê và quản lý lao động nước ngoài đang làm việc tại tỉnh, nhất là lao động đến từ vùng dịch hoặc di chuyển qua vùng dịch; rà soát, phân loại, thực hiện cách ly người có nguy cơ nhiễm bệnh, người trở về từ vùng dịch theo đúng quy định.

Hoàng Hà