Thiếu công khai với dân
Người dân cho rằng, dự án này không có quy định mức thu cụ thể cho một đơn vị diện tích đất. Thu theo kiểu bình quân/hộ, nhưng không quyết toán, không công khai minh bạch để người dân biết.
Hằng ngày người dân vẫn sống chung với con đường “đau khổ” (Ảnh: Nguyễn Lánh)
“Sở Công thương thu tiền của dân, nhưng không làm hoàn chỉnh hạ tầng, lấy tiền của dân gửi ngân hàng lấy lãi nhiền năm. Dân kêu nhiều, đến tháng 7/2016, mới chịu công khai còn khoảng 1 tỷ đồng”, bà Nguyễn Thị Bưởi, khu phố 6, phường Tân Biên (Biên Hòa) cho biết.
Theo các hộ dân, Sở Công Thương không thực hiện báo cáo quyết toán vốn và sử dụng vốn cho dân biết theo quy định của pháp luật tại Quyết định số 192/2004/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 19/2005/TT-BTC của Bộ Tài chính.
Hơn nữa, dự án có quy mô lớn, nhưng sở này lại không có báo cáo quyết toán hoàn công dự án theo luật định. Từ năm 2007 đến nay, cũng không công khai báo lại với dân.
“Ngày 22/7/2016, Sở công thương cử cán bộ (ông Phan văn Dân, ông Võ văn Tỉnh) đến UBND phường Tân Biên, công bố báo cáo tài chính. Nhưng các yêu cầu kiến nghị của chúng tôi thì các cán bộ của Sở Công thương giải thích, trả lời không thuyết phục, không rõ ràng, bản báo cáo thiếu chứng cứ. Chủ yếu 2 cán bộ sở giải thích và lấy lý do "dự án đã quá lâu, trải qua nhiều thời kỳ, cho nên tài liệu không đầy đủ" và hứa sẽ trả lời sau”, bà Ninh Thị Lan thông tin.
Tiền đã chi vào đâu?
Trong báo cáo công khai quyết toán các khoản thu từ các hộ dân và các khoản chi xây dựng hạ tầng, Sở Công thương cũng khẳng định, tổng chi phí xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật là 721 triệu đồng và đã chi thực tế hơn 742 triệu đồng.
Khoản chi “quan hệ địa phương” được hiểu như thế nào? (Ảnh: Nguyễn Lánh)
Nhưng 115 hộ dân ở đây cho biết, họ đã huy động, đóng gấp đôi khoản tiền này. Tổng cộng là khoảng 1,4 tỷ đồng, bao gồm: Lần 1, thu tiền xây dựng hạ tầng từ năm 1996 - 2007, mức huy động là 1,5 triệu đồng/hộ dân, thu tiền 22 căn tập thể là 87 triệu đồng; lần 2, thu tiền lệ phí trước bạ, tiền sử dụng đất hơn 1,1 tỷ đồng.
Tổng chi phí thực hiện dự án 721 triệu đồng, đã chi thực tế hơn 742 triệu đồng. Nhưng người dân vẫn tự bỏ tiền túi để kéo điện về dùng, tự khoan giếng để có nước sinh hoạt, vẫn đi lại trên con đường “đau khổ”...?
Phải chăng, số tiền hơn 1,4 tỷ đồng mà người dân đóng góp không đủ để thực hiện dự án?
Câu hỏi đã có từ hơn 15 năm trước mà bây giờ vẫn chưa có câu trả lời!
Nguyễn Lánh