Nhân dịp kỷ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ 08/03, chiều 07/03, thay mặt lãnh đạo Chính phủ, đồng chí Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ đã gặp mặt đại diện nữ trí thức tiêu biểu và trao giải thưởng Kovalevskaia năm 2023.
Tham dự buổi gặp mặt có: GS.TS. Nguyễn Thị Doan, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban Giải thưởng Kovalevskaia; bà Phạm Thị Thanh Trà, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ; bà Hà Thị Nga, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, cùng các đại biểu là lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và đại diện các nữ trí thức tiêu biểu.
Đồng chí Lê Minh Khái bày tỏ: Trong bầu không khí thân tình, ấm áp và đầy ý nghĩa của nhưng ngày đầu năm mới Giáp Thìn 2024, kỷ niệm 114 năm ngày Quốc tế phụ nữ 8/3, đã trở thành thông lệ, chúng ta tổ chức gặp mặt để ghi nhận, trân trọng, tôn vinh những nỗ lực cố gắng, phấn đấu và tiến bộ, cùng sự đóng góp to lớn của phụ nữ trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng, bảo vệ đất nước và trao giải thưởng Kovalevskaia năm 2023.
Các đồng chí nữ lãnh đạo, quản lý, trí thức và các nữ giáo sư, phó giáo sư tiêu biểu có mặt hôm nay đều là những người phụ nữ tài năng, trí tuệ, bản lĩnh, giỏi việc nước, đảm việc nhà và vô cùng tâm huyết, tận tụy với sự nghiệp chung của Đảng, của dân tộc, của đất nước; là đại diện của vẻ đẹp, trí tuệ và sức mạnh của người phụ nữ Việt Nam Anh hùng.
Đồng chí Lê Minh Khái nhấn mạnh: Trong lịch sử dựng nước và giữ nước, phụ nữ nước ta là hiện thân cho tinh thần yêu nước, bất khuất chống giặc ngoại xâm của con người Việt Nam, tiêu biểu là Bà Trưng, Bà Triệu, nữ tướng Lê Chân và nhiều bậc tiền bối khác.
Trong các cuộc chiến tranh ái quốc vĩ đại của dân tộc, những tấm gương luôn tỏa sáng về phẩm chất anh hùng cách mạng của nữ anh hùng Nguyễn Thị Minh Khai, Võ Thị Sáu, Nguyễn Thị Định, chị Út Tịch… cùng sự hy sinh cao cả của các Mẹ Việt Nam Anh hùng, các nữ chiến sĩ cách mạng đã trở thành "huyền thoại sức mạnh Việt Nam", là biểu tượng cao đẹp của Chủ nghĩa Anh hùng cách mạng của nhân dân và dân tộc ta.
Theo đồng chí Lê Minh Khái: Ngày hôm nay, dù ở bất kỳ hoàn cảnh và vị trí công tác nào, phụ nữ Việt Nam luôn phát huy cao độ giá trị truyền thống và phẩm chất tốt đẹp đó, đoàn kết, năng động, sáng tạo, có nhiều đóng góp to lớn vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Đồng chí Lê Minh Khái nhấn mạnh: Đảng và Nhà nước ta luôn dành sự quan tâm sâu sắc đến đội ngũ nữ trí thức nói riêng và công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ nói chung.
Điều đó được thể hiện xuyên suốt qua các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, nhất là Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 16 của Trung ương, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chỉ thị số 37, Chỉ thị số 21 của Ban Bí thư,… Hiến pháp năm 2013, Luật Bình đẳng giới… và mới đây là Nghị quyết số 45-NQ/TW, ngày 24/11/2023 của Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng, phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới.
Theo đồng chí Lê Minh Khái, mặc dù năm qua, trong bối cảnh với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự đồng hành của Quốc hội, sự nỗ lực, quyết liệt, hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự cố gắng của chính các chị em, công tác cán bộ nữ và bình đẳng giới đã đạt được nhiều kết quả rất tích cực.
Cụ thể, về xây dựng, hoàn thiện thể chế: đã ban hành nhiều cơ chế tạo điều kiện để phụ nữ khởi nghiệp; tạo công ăn, việc làm, tạo sinh kế, thu nhập, thúc đẩy xóa đói, giảm nghèo, phát huy vai trò của phụ nữ...
Bên cạnh đó,công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bình đẳng giới được thực hiện thường xuyên, đi vào nề nếp và có nhiều đổi mới, sáng kiến; tăng cường chuyển đổi số để đưa thông tin đến vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số,…
Nguồn kinh phí hỗ trợ công tác bình đẳng giới tiếp tục được quan tâm đầu tư, bố trí trong kinh phí thường xuyên của các cơ quan. Đặc biệt, cả 3 Chương trình mục tiêu quốc gia đều có cấu phần hoạt động, ngân sách phục vụ cho công tác bình đẳng giới.
Công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế được quan tâm, đẩy mạnh, chủ động trao đổi, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm của Việt Nam về bình đẳng giới tại các diễn đàn quốc tế; tham gia tích cực vào Hội nghị Thượng đỉnh phụ nữ toàn cầu năm 2023, là thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2023-2025. Việt Nam luôn hướng tới triển khai đồng bộ, hiệu quả nhiều sáng kiến quan trọng trong tăng cường hợp tác thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ.
Cụ thể, về phụ nữ tham chính: Tỷ lệ nữ cán bộ lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan Đảng và Nhà nước được nâng cao về số lượng và chất lượng.
Theo Báo cáo khoảng cách giới toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế thế giới (tháng 06/2023), Việt Nam đã tăng 11 bậc về bình đẳng giới so với năm 2022. Đặc biệt, trong lĩnh vực chính trị, Việt Nam xếp từ thứ hạng 106 năm 2022 lên thứ hạng 89 năm 2023 (tăng 27 bậc), trong đó tỷ lệ nữ trong nghị viện xếp hạng 53.
Về đội ngũ nữ trí thức: có bước phát triển cả về số lượng và chất lượng. Số lượng cán bộ nữ trí thức tham gia nghiên cứu khoa học ngày càng tăng; có nhiều thành công trong nước và quốc tế, đạt nhiều kết quả tốt về mặt khoa học cũng như triển khai ứng dụng thực tế, được xã hội ghi nhận.
PV (t/h)