THCL Khi những con số mới nhất về tỷ lệ lao động thất nghiệp được Bộ LĐ-TB&XH công bố, nhiều ý kiến đổ lỗi cho nhà trường đã không trang bị đầy đủ kỹ năng cho sinh viên. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, Bộ GD&ĐT đã mở quá nhiều trường ĐH, CĐ khiến cung vượt cầu.

Thừa thầy, thiếu thợ

Tại nhiều trung tâm dịch vụ việc làm, nguồn cung lao động phổ thông, lao động qua đào tạo đến sàn giao dịch đang giảm bởi nhiều lao động tốt nghiệp trường nghề đã có việc làm. Còn số lao động trình độ ĐH, CĐ tìm việc làm qua trung tâm chiếm tới 60 - 70%, nhưng tỷ lệ người có cơ hội công việc chỉ chiếm rất nhỏ. Bởi, đa phần lao động mới ra trường, chưa có kinh nghiệm, thiếu kỹ năng nên chưa hội đủ các yếu tố để giới thiệu cho DN. Cùng với lao động tốt nghiệp ĐH, CĐ lại thường tìm việc tại văn phòng và yêu cầu lương cao, khi tư vấn giới thiệu trái ngành nghề thì không đồng ý.

Thống kê của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP. HCM cũng chỉ ra rằng, hàng năm trên địa bàn có trên 80.000 SV có trình độ ĐH và 50.000 SV có trình độ CĐ tốt nghiệp, kể cả số học viên trung cấp, công nhân kỹ thuật, đào tạo nghề ngắn hạn có khoảng 180.000 người có nghề có nhu cầu việc làm, trong đó các ngành nghề chuyên môn kỹ thuật, chiếm 40%, các ngành nghề chuyên môn quản lý nghiệp vụ chiếm 60% tổng số ngành nghề được đào tạo.

Tuy nhiên, phần lớn HS, SV tốt nghiệp đều không đáp ứng được ngay yêu cầu công việc, kỹ năng thực hành và còn yếu và thiếu những kiến thức kỹ năng mềm, khoảng cách giữa học lý thuyết và thực tế công việc còn lớn, đa phần DN phải đào tạo lại, đào tạo bổ sung.

Điển hình, ngành phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam đang thiếu hụt nguồn nhân lực cả về số lượng và chất lượng. Cụ thể, dự tính nhu cầu nhân lực của các DN giai đoạn 2016 - 2020 là khoảng 400.000 người, trong khi toàn bộ hệ thống 290 trường ĐH, CĐ và khoảng 150 cơ sở đào tạo về CNTT trên cả nước hiện chỉ có khả năng cung ứng khoảng 250.000 người…

Đối lập nhu cầu nhân lực

Từng được xem là một trong những ngành "hot”, thế nhưng ngành kế toán hiện tại đang phải đối mặt với vấn đề thừa nhân lực.

Ngành có nhiều người tìm việc nhất là kế toán - tài chính, hành chính văn phòng, kinh doanh - bán hàng, cơ khí - hàn… Bản tin thị trường lao động quý 2/2016 được Bộ LĐ-TB&XH công bố cũng cho thấy, nhóm nghề kế toán - kiểm toán có số lượt người tìm việc nhiều nhất (chiếm 16,9%); tiếp đó là quản trị kinh doanh (10,4%) và nhân sự (10%).

Bà Vũ Thị Thanh Liễu, PGĐ Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, cho biết: "Chỉ tiêu đăng ký quá nhiều trong khi tuyển dụng lại quá ít. Trung bình mỗi công ty tuyển một vị trí kế toán, có khoảng 5 - 6 hồ sơ đăng ký. Với những công ty có tên tuổi, thậm chí có tới 30 - 40 hồ sơ xin phỏng vấn”.

Mặc dù nhân lực đang dư thừa, song hiện cả nước vẫn có khoảng 200 trường ĐH, CĐ đào tạo ngành nghề kế toán. Nhiều trường không chuyên nhưng kế toán được xem là ngành chủ lực. Đơn cử như CĐ Kinh tế - CN Hà Nội chỉ tiêu tuyển sinh năm 2016 có 2.000 thì có tới 900 chỉ tiêu ngành kế toán…

Nguồn cung nhân lực cho ngành du lịch luôn thiếu bởi sản phẩm "đầu ra"chưa đáp ứng nhu cầu thực tế. Nguyên nhân là do các trường đang thiếu hụt đội ngũ giáo viên có trình độ chuyên môn cao và đúng chuyên ngành. Việc đào tạo nhân lực du lịch trình độ ĐH, CĐ đã hơn 20 năm, nhưng phần lớn giảng viên là người được đào tạo từ các ngành khác (văn hóa, xã hội, quản trị kinh doanh).

Ông Lưu Đức Kế, GĐ Công ty Lữ hành Hanoitourism cho hay, nguyên nhân của hạn chế trên còn do công tác tư vấn, hướng nghiệp, cung cấp thông tin nhu cầu tuyển dụng nghề du lịch chưa tốt, chưa sát với thực tế.

Thực tế ngày càng chứng minh sự khập khiễng giữa công tác đào tạo và nhu cầu việc làm hiện nay. Bởi vậy, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác dự báo và định hướng, hỗ trợ để giúp thế hệ trẻ có được sự lựa chọn phù hợp trước một quyết định lớn của tương lai: vào đại học hay chọn lối rẽ học nghề.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp thừa nhận: "Nhiều năm qua, do làm chưa tốt công tác dự báo nhu cầu thị trường lao động để đào tạo đúng hướng, giúp người học có định hướng rõ ràng, đã dẫn tới tình trạng khủng hoảng thừa ở một số ngành nghề. Vì vậy, rất cần sự khảo sát, đánh giá cụ thể, phải xem "kế hoạch hóa"để đào tạo đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, tránh tình trạng đào tạo tràn lan, lãng phí như hiện nay”.

Phan Chinh