Tại "Hội nghị sơ kết công tác chỉ đạo, điều hành 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2019" do Tổng cục Lâm nghiệp tổ chức, ông Phạm Văn Điển, Phó tổng cục Tổng cục Lâm nghiệp cho biết, tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp quý 1/2019 tăng 4,32%; quý 2/2019 tăng khoảng 4,53%, cao hơn 0,08% so với cùng kỳ năm 2018.
(Ảnh minh họa)
Trong nửa đầu năm, cả nước đã trồng rừng được 108.456 ha, đạt 51% kế hoạch năm, bằng 102% so với cùng kỳ năm ngoái; khai thác rừng trồng tập trung toàn quốc khoảng 105.000 ha, sản lượng đạt 9,7 triệu m3, tương đương 49,7% kế hoạch năm 2019, tăng 4,86% so với cùng kỳ năm 2018.
Đặc biệt, thành tích nổi trội nhất của ngành lâm nghiệp chính là kim ngạch xuất khẩu lâm sản 6 tháng đầu năm 2019 đạt khoảng 5,23 tỷ USD, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2018.
Ông Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, trong những tháng cuối năm, ngành lâm nghiệp cần tập trung để hoàn thiện thể chế chính sách pháp luật để giúp người dân và doanh nghiệp vận dụng tốt Luật Lâm nghiệp đã được ban hành; các đơn vị cần nghiên cứu và có những đề xuất, tham mưu để lãnh đạo bộ xem xét, đặc biệt là đối với Hiệp định Đối tác tự nguyện về Thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT). Bởi Hiệp định này được xem là một hướng hội nhập về thể chế và Việt Nam là quốc gia thứ hai của châu Á tham gia.
Cũng tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường giao nhiệm vụ cho ngành lâm nghiệp phải đảm bảo kim ngạch xuất khẩu lâm sản đạt 11 tỷ USD năm 2019, góp phần giải quyết việc làm, giảm bớt áp lực tăng trưởng cho lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng, xuất khẩu chung của cả ngành nông nghiệp.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhận định: "Trong bối cảnh các nhóm ngành hàng nông nghiệp vừa giảm về số lượng và giá trị kể cả trong nước và xuất khẩu thì lâm nghiệp tiếp tục đà tăng trưởng ổn định, là trụ đỡ cho nông sản Việt".
Theo Bộ trưởng, ngoài lợi thế với khoảng 4.500 doanh nghiệp sản xuất chế biến gỗ, Việt Nam cũng đang còn rất nhiều tiềm năng về dược liệu, có thể thu về tỉ đô nếu biết quản lý, khai thác, đây là hướng mà ngành lâm nghiệp cần xác định để chuyển trạng thái, tạo bước phát triển bền vững của ngành lâm nghiệp.
Bảo Lâm T/h