Đất nước ta vừa đi qua một năm Quý Mão khó khăn với nhiều biến động lớn, phức tạp, khó lường, bất trắc gia tăng, xung đột kéo dài, chiến tranh cục bộ diễn ra ở nhiều khu vực, thời tiết ngày càng trở nên cực đoan và thiên tai khốc liệt; kinh tế thế giới chậm phục hồi, tác động tiêu cực đến mọi quốc gia.
Trong bối cảnh đó, Việt Nam đã nỗ lực vượt khó, đạt kết quả quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực với những dấu ấn nổi bật, tăng trưởng GDP đạt 5,05%, chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng - an ninh được giữ vững; đối ngoại rộng mở; các lĩnh vực văn hóa, lao động, việc làm, an sinh xã hội và đời sống nhân dân tiếp tục được quan tâm, chú trọng và có nhiều tiến bộ.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Chính phủ, sự vào cuộc quyết liệt của Quốc hội, cùng sự đoàn kết, thống nhất và quyết tâm trong hành động của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân, chúng ta có thể tự hào khẳng định: Việt Nam đã có một năm vượt khó đáng ghi nhận. Càng trong khó khăn, thách thức, càng cho thấy đất nước vững vàng trong những cơn gió ngược.
Khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế
Năm qua là một năm mà vị thế Việt Nam tiếp tục được khẳng định. Ngoại giao và đối ngoại Việt Nam đã đạt được những thành tựu mang ý nghĩa lịch sử.
Cùng một năm, Việt Nam đã đón Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden - lãnh đạo cao nhất của 2 cường quốc đứng đầu thế giới.
Tuyên bố chung về xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc và việc nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ, Việt Nam - Nhật Bản cùng các hoạt động đối ngoại quan trọng khác cho thấy tính đúng đắn của đường lối đối ngoại Việt Nam nói chung, chính sách ngoại giao nước lớn nói riêng, đồng thời góp phần khẳng định cơ đồ, tiềm lực, uy tín và vị thế quốc tế của đất nước.
Hiện Việt Nam đã là Đối tác Chiến lược toàn diện của 3 trong 5 nước Ủy viên thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc. 6 Đối tác Chiến lược toàn diện của Việt Nam đến nay là Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Hàn Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản. Đây đều là các quốc gia có tiếng nói quan trọng trong cục diện thế giới.
Bên cạnh các điểm nhấn nổi bật trong tăng cường mạnh mẽ quan hệ với các nước lớn thì trong một năm đặc biệt sôi động của đối ngoại vừa qua. Vị thế vững vàng của Việt Nam cũng đã tiếp tục được khẳng định bằng việc củng cố quan hệ với bạn bè truyền thống, duy trì và phát triển mối quan hệ với tất cả các nước lớn và đối tác chủ chốt khác, thể hiện ngày càng rõ chính sách ngoại giao đa phương, linh hoạt, mềm dẻo nhưng cương quyết, bền bỉ và nhất quán.
Dấu ấn lập pháp với những kỷ lục
Trong năm 2023, Quốc hội đã tổ chức 2 kỳ họp thường lệ và 3 kỳ họp bất thường, thông qua 16 luật, 34 Nghị quyết và quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước.
Đặc biệt, tại Kỳ họp thứ 6 bế mạc cuối tháng 11/2023, Quốc hội đã xác lập kỷ lục về số lượng các dự thảo Luật, Nghị quyết được xem xét và thông qua. Trong đó, đã biểu quyết thông qua 7 luật, 9 nghị quyết; thảo luận cho ý kiến 8 dự án luật khác; thảo luận, quyết nghị nhiều nội dung quan trọng.
Đến Kỳ họp bất thường lần thứ 5 vào tháng 1/2024, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Trong đó, Luật Đất đai lần này được đánh giá tương đối toàn diện, tháo gỡ nhiều điểm nghẽn hiện nay. Điều đáng chú ý nhất là quan điểm về tiếp cận quản lý đất đai đã thay đổi. Không còn các biện pháp hành chính, mà sử dụng quan hệ thị trường để điều tiết, bảo vệ lợi ích của người dân và doanh nghiệp.
Những dấu ấn lập pháp đã tạo hành lang pháp lý vững chắc, giúp giải quyết kịp thời những vấn đề cấp bách, tháo gỡ những vướng mắc, phục vụ quá trình phát triển kinh tế - xã hội.
Kiên trì, quyết liệt trong phòng chống tham nhũng
2023 cũng là năm Trung ương Đảng tiếp tục kiên trì và đẩy mạnh công cuộc xây dựng chỉnh đốn Đảng, phòng chống tham nhũng, tiêu cực tạo thêm niềm tin của nhân dân với chế độ.
Công tác phòng chống tham nhũng có thêm nhiều chủ trương, cách làm mới, quyết liệt và hiệu quả hơn, tạo được sự lãnh đạo tập trung, thống nhất. Trong năm 2023 đã khởi tố mới hơn 730 vụ án với hơn 2.100 bị can phạm tội về tham nhũng. Trong đó, đại án Vạn Thịnh Phát được cho là vụ án có những sai phạm nghiêm trọng nhất về kinh tế trong lịch sử tố tụng của Việt Nam với số tiền bị chiếm đoạt hơn 1 triệu tỷ đồng.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhấn mạnh yêu cầu thực hiện "4 hơn" trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là: Làm tích cực hơn nữa, Mạnh mẽ hơn nữa, Quyết liệt hơn nữa và Hiệu quả hơn nữa.
Tổng Bí thư cũng nêu rõ, cuộc đấu tranh này còn lâu dài, thực tiễn luôn biến động không ngừng cho nên phải kiên trì đấu tranh, vừa làm vừa tổng kết thực tiễn để làm tốt hơn nữa. Từ Trung ương tới địa phương, trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt, tất cả đồng tâm, nhất trí làm cho cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngày càng đi vào chiều sâu và hiệu quả hơn.
Chính quyết tâm ấy của người đứng đầu Đảng ta cùng với cách làm bài bản, khoa học, đồng bộ, quyết liệt, đã giúp cho công tác này chưa bao giờ có hiệu quả rõ rệt như thời gian gần đây, để lại những dấu ấn nổi bật, toàn diện và có bước đột phá mới ở cả Trung ương và địa phương.
Kinh tế Việt Nam vượt qua thách thức với nhiều điểm sáng
Việt Nam trong năm 2023 đã trở thành nền kinh tế lớn thứ tư của ASEAN và thứ 40 của thế giới, với quy mô thương mại nằm trong Top 20 của thế giới. Đồng thời, giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam đạt 431 tỷ USD, tăng 1 bậc lên thứ 32/100 thương hiệu quốc gia mạnh trên thế giới.
Tăng trưởng GDP năm 2023 đạt 5,05% cao hơn gấp đôi mức tăng GDP trung bình thế giới và thuộc nhóm các nước có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới năm 2023. Giải ngân vốn đầu tư công tăng so với năm trước cả về số tuyệt đối và tương đối, góp phần khởi công và hoàn thành nhiều dự án hạ tầng quan trọng cho đất nước.
Những ngày cuối năm 2023, lần đầu tiên cùng lúc khánh thành và thông tuyến 4 hạ tầng giao thông quan trọng đó là: mở rộng Cảng Hàng không Điện Biên, Cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ, Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ và cầu Mỹ Thuận 2, có tổng số vốn đầu tư gần 18 nghìn tỷ đồng. Đây là kết quả của cả hệ thống chính trị trong đó đặc biệt là sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Lần đầu tiên, gần 1.000 km dự án đường bộ cao tốc được khởi công đồng loạt. Đưa vào khai thác mới 475km đường bộ cao tốc nâng tổng số hệ thống đường cao tốc khai thác của cả nước lên 1.900 km. Đây chính là những điều kiện tiên quyết để hoàn thành mục tiêu đưa 3.000km đường cao tốc vào năm 2025. Sân bay Long Thành cũng đang dần hình thành. Đường sắt cao tốc Bắc Nam cũng đã và đang được bàn bạc để xây dựng dự án.
Xuất khẩu nông sản đạt nhiều kỷ lục mới, đạt trên 53 tỷ USD trong năm 2023, đặc biệt thặng dư thương mại 12 tỷ USD cao nhất từ trước tới nay. Hơn 9.000 đồng/kg lúa là con số kỷ lục từ trước tới nay. Lần đầu tiên sau 34 năm, giá gạo xác lập mốc xuất khẩu kỷ lục 8,3 triệu tấn, đem về cho đất nước gần 5 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu rau quả cũng ghi dấu ấn kỷ lục gần 5,7 tỷ USD, tăng gần 70% so với năm trước.
Nông nghiệp tăng trưởng trên 3,8% cao nhất trong 10 năm qua gồm cả lúa gạo, thịt và thủy sản. Xuất khẩu nông sản là điểm sáng trong hoạt động xuất khẩu của cả nước.
COVID-19 không còn là nỗi lo nhưng cẩn trọng với dịch bệnh
Từ ngày 20/10/2023, bệnh COVID-19 được điều chỉnh chuyển phân loại từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B, phù hợp với nhận định của Tổ chức Y tế thế giới: COVID-19 không còn là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe gây quan ngại quốc tế. Đây là một thành công lớn của Việt Nam khi phải đối mặt với khó khăn chưa có tiền lệ.
Từ khi ghi nhận trường hợp mắc đầu tiên (23/1/2020), cả nước ghi nhận hơn 11 triệu trường hợp mắc, hơn 43.000 trường hợp tử vong. Việt Nam trải qua 2 giai đoạn chống dịch với 4 đợt bùng phát dịch.
Thực tiễn phòng, chống dịch COVID-19 để lại nhiều bài học kinh nghiệm hết sức quý báu về chỉ đạo, điều hành kinh tế - xã hội, nhất là cho công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân nói chung và công tác phòng, chống dịch nói riêng.
Trong năm 2023, số ca mắc ghi nhận thấp, rải rác tại một số địa phương và phần lớn có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng; số nhập viện và số bệnh nhân nặng tại các cơ sở điều trị thấp.
Tuy nhiên, Bộ Y tế khuyến cáo người dân không chủ quan mà cần tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch, bệnh truyền nhiễm, các bệnh lây truyền qua đường hô hấp. Đặc biệt cần cẩn trọng trong giai đoạn vào mùa Đông Xuân, thời tiết chuyển mùa thay đổi thất thường là nguyên nhân xuất hiện và lây lan các dịch bệnh truyền nhiễm, nhất là bệnh lây truyền qua đường hô hấp, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch bệnh truyền nhiễm.
Du lịch Việt Nam lấy lại "phong độ"
Năm 2023, Việt Nam đón 12,6 triệu lượt khách quốc tế, vượt 57% so mục tiêu ban đầu là 8 triệu dù một số thị trường truyền thống chưa phục hồi hoàn toàn.
Ngành du lịch Việt Nam đạt hơn 108 triệu lượt khách nội địa, vượt cả thời hoàng kim 2019. Tổng thu từ du lịch ước đạt 678.000 tỷ đồng, vượt 4,3% so kế hoạch năm 2023. Với những kết quả này cho thấy du lịch Việt Nam có một năm "bứt tốc" sau dịch COVID-19.
Ngoài ra, Việt Nam còn nhận 19 giải thưởng hàng đầu Thế giới và 54 giải thưởng hàng đầu châu Á do Tổ chức giải thưởng du lịch thế giới trao tặng. Trong đó, Việt Nam lần thứ 4 được vinh danh là "Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới", lần thứ 5 trở thành "Điểm đến hàng đầu châu Á".
Chính sách visa thông thoáng cùng các sản phẩm du lịch đêm gắn với công nghiệp văn hóa đã tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.
Trong bối cảnh các quốc gia trên thế giới đang tập trung nhiều giải pháp phát triển mạnh kinh tế đêm để nỗ lực lấy lại "phong độ" hậu COVID-19, Việt Nam cũng cần xác định đây là "chìa khóa" để giúp ngành du lịch "bứt tốc".
Với những nỗ lực phát triển các sản phẩm du lịch độc đáo, năm 2024, ngành du lịch đặt mục tiêu đón 17 - 18 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 110 triệu lượt khách du lịch nội địa. Tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 840.000 tỷ đồng.
Đổi mới sáng tạo hướng đến làm chủ công nghệ
Trung tâm đổi mới sáng tạo Việt Nam đã được khánh thành trong năm 2023. Đây có thể được coi là một điểm nhấn hiện hữu trong quyết tâm đổi mới sáng tạo của nước ta.
Trung tâm là hạt nhân với 8 mạng lưới đổi mới sáng tạo thành phần, mở ra cái bắt tay trên 1.600 chuyên gia, nhà sáng lập, kỹ sư, nhà khoa học công nghệ cao toàn cầu. Nơi đây sẽ tham gia đào tạo 50.000 kỹ sư, chuyên gia công nghệ cho ngành bán dẫn Việt Nam và thế giới.
Việc phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ở Việt Nam từng bước phát triển, nhiều kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ được ứng dụng nhanh hơn, hiệu quả hơn. Năm 2023, Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu GII (Global Innovation Index) của Việt Nam được xếp thứ 46/132 quốc gia, nền kinh tế, tăng 2 bậc so với năm 2022.
Báo cáo GII 2023 cho thấy, Việt Nam tiếp tục có sự cải thiện thứ hạng đầu vào đổi mới sáng tạo tăng 2 bậc so với năm 2022, từ vị trí 59 lên 57. Đầu ra đổi mới sáng tạo tăng 1 bậc so với năm 2022, từ vị trí 41 lên 40.
Việc đầu tư phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là cốt lõi trong hoạt động doanh nghiệp. Cơ chế chính sách ưu tiên phát triển, bảo hộ thị trường hàng hóa sản xuất trong nước, đặc biệt là bảo hộ công nghệ, sản phẩm khoa học, công nghệ Việt Nam sẽ là động lực thúc đẩy phát triển đổi mới sáng tạo, hướng đến làm chủ công nghệ với kỳ vọng làm chủ thị trường trong nước và quốc tế.
Theo vtv.vn