Trung tâm dữ liệu (DC- Data Center) không chỉ là trung tâm của thông tin và dữ liệu của doanh nghiệp mà còn là nơi dữ liệu được bảo vệ, xử lý và lưu trữ một cách an toàn và ổn định. Điều này không chỉ giúp tăng cường tính bảo mật, mà còn tạo ra cơ hội để tổ chức tối ưu hóa hoạt động và phát triển mạnh mẽ trong thời đại số hóa.

Dư địa phát triển của Data Center tại Việt Nam rất lớn

Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, xu thế phát triển của các dịch vụ đám mây và công nghệ IoT (Internet vạn vật) dẫn đến sự tăng trưởng về lưu lượng dữ liệu và sức mạnh tính toán. Thị trường Data Center (DC) tại Việt Nam đã sẵn sàng cho giai đoạn tăng trưởng ổn định, dự kiến đạt mức 1,03 tỷ USD vào năm 2028, tăng đáng kể so với con số 561 triệu USD ghi nhận vào năm 2022 (Theo Research and Markets). Tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) của thị trường đạt 10,68% trong giai đoạn dự báo (2022-2028). Việt Nam hiện có 77,93 triệu người dùng Internet vào tháng 1 năm 2023, tăng 7,3% so với năm 2022.

Tuy nhiên, những con số kể trên chỉ nói lên một phần bức tranh toàn cảnh thị trường. Trong bối cảnh phát triển nhanh chóng của nền kinh tế số hiện nay, cuộc đua Data Center tại Việt Nam ngày càng sôi động, hấp dẫn nhờ những đòn bẩy ưu đãi từ Chính phủ và động lực số hóa dữ liệu được tạo ra bởi quá trình chuyển đổi số. Các quy định pháp lý gần đây nhấn mạnh tầm quan trọng của chủ quyền dữ liệu, bảo vệ thông tin cá nhân và tăng cường các biện pháp an ninh mạng, điển hình như Nghị định 53 của Chính phủ có hiệu lực từ 1/10/2022 quy định các dữ liệu internet phải được lưu trữ tại Việt Nam. Ngoài ra, chính phủ cũng ưu tiên các sáng kiến số hóa tạo điều kiện cho nền kinh tế số của đất nước phát triển, bao gồm ưu đãi thuế cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao, quản trị và điều hành điện tử, mở rộng kết nối cáp quang và triển khai 5G. Những chính sách hấp dẫn này đang đóng vai trò là chất xúc tác, thúc đẩy đầu tư cho lĩnh vực trung tâm dữ liệu ở Việt Nam tăng lên hàng năm.

Mặc dù dư địa phát triển của Data Center là rất lớn, tuy nhiên Việt Nam hiện mới chỉ có gần 30 trung tâm dữ liệu, chiếm chưa tới 1% số lượng Data Center trên toàn thế giới. Các nhà đầu tư đáng chú ý trong lĩnh vực Data Center tại Việt Nam bao gồm VNPT, Viettel, CMC... Trong chiến lược xây dựng Hạ tầng số quốc gia, Việt Nam đặt mục tiêu đến 2025 sẽ có 100% cơ quan chính phủ, 70% doanh nghiệp sử dụng điện toán đám mây của đơn vị trong nước. Điều này thúc đẩy mạnh mẽ các doanh nghiệp trong nước đầu tư nhiều hơn nữa cho lĩnh vực Data Center. Thực tế, hiện nay rất nhiều doanh nghiệp Việt đã dịch chuyển từ các hạ tầng Cloud nước ngoài sang các nhà cung cấp nội địa, bởi lợi thế về chi phí hợp lý, đội ngũ hỗ trợ khách hàng luôn thường trực, không gặp rào cản về ngôn ngữ, văn hóa.

VNPT - Nhà cung cấp giải pháp hạ tầng số hàng đầu Việt Nam

Là tập đoàn Viễn thông- CNTT hàng đầu, đồng hành cùng chuyển đổi số Quốc gia, Tập đoàn VNPT định hướng trở thành một digital hub của Châu Á với hệ sinh thái các giải pháp hạ tầng số đáp ứng đầy đủ hành lang pháp lý Việt Nam cũng như các tiêu chuẩn quốc tế. Để hiện thực hóa tham vọng này, trong những năm qua, VNPT đã đầu tư, xây dựng hệ thống Data Center phủ rộng khắp ba miền với 6 Data Center đạt tiêu chuẩn quốc tế, đáp ứng các nhu cầu chuyển đổi số của khách hàng tổ chức chính phủ, doanh nghiệp trong nước. Hơn 10 năm qua, VNPT đã đầu tư hệ thống hạ tầng kết nối quốc tế rộng khắp với 4 tuyến cáp biển quốc tế đang khai thác, một tuyến cáp mới đang xây dựng và chuẩn bị đưa vào sử dụng trong quý IV/2023, tổng dung lượng khai thác đạt 28Tbps. Bên cạnh kế hoạch nâng cao lưu lượng kết nối Interntet, VNPT dự kiến sẽ đầu tư hàng ngàn km cáp quang trục và liên tỉnh.

Chưa dừng lại ở đó, dự kiến ngày 25/10/2023, VNPT sẽ tiếp tục khai trương Data Center thứ 7 của Tập đoàn tại vị trí trung tâm Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, với diện tích sàn hơn 14.000 m², quy mô lên tới 2.000 tủ rack. Đây sẽ là data hiện đại bậc nhất tại Việt Nam, qua đó khẳng định vị thế của VNPT trong việc cung cấp hệ sinh thái các giải pháp hạ tầng số, cũng như vai trò đồng hành cùng chuyển đổi số của Quốc gia, trong việc xây dựng Chính phủ số, kinh tế số tại Việt Nam.

Minh Anh (T/h)