Tham dự Hội thảo, có lãnh đạo Cục Công nghiệp Công nghệ thông tin và Truyền thông, Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Thành phố Hồ Chí Minh, cùng đại diện một số đơn vị doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin trên địa bàn.
Tháng 4/2023, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Quyết định thành lập Ban Soạn thảo Đề án xây dựng vùng động lực CN-CNTT, thu hút đầu tư sản xuất các sản phẩm điện, điện tử, các sản phẩm Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo tại các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu. Ông Nguyễn Thiện Nghĩa làm Trưởng ban.
Mục đích buổi Hội thảo lần này nhằm đánh giá thực trạng cũng như khảo sát, thu thập thông tin, số liệu để xây dựng đề án, cụ thể hóa Nghị quyết 24 –NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển KT-XH và đảm bảo quốc phòng an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết 154 của Chính phủ.
Tại Hội thảo, lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh đã báo cáo đánh giá thực trạng, lợi thế, tiềm năng phát triển của từng địa phương về lĩnh vực CN-CNTT và đề xuất giải pháp.
Theo đó, người đứng đầu sở thông tin và truyền thông 3 tỉnh đã phân tich, đánh giá vai trò của CN-CNTT trong phát triển KT-XH, gắn với định hướng phát triển của địa phương.
Trong đó, Bình Dương nhấn mạnh đến mô hình phát triển đô thị thông minh và mô hình 5 lớp đề án vùng đổi mới sáng tạo Bình Dương (quy hoạch đô thị và hạ tầng giao thông công cộng – xây dựng văn hóa đổi mới sáng tạo – phát triển kinh tế cân bằng – chuyển đổi số và phát triển công nghiệp 4.0 – phát triển nguồn nhân lực).
Đồng Nai sẽ phát huy lợi thế sân bay quốc tế Long Thành, và lợi thế gần kề siêu cảng Cái Mép (Bà Rịa – Vũng Tàu), mong muốn tập trung cung cấp các dịch vụ CNTT cho các mảng logistics, công nghiệp, sân bay, bến cảng, các hoạt động nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Bà Rịa – Vũng Tàu tập trung 4 trụ cột công nghiệp; cảng biển; du lịch; nông nghiệp công nghệ cao, là địa phương trong nhóm 14 địa phương dẫn đầu về “Thể chế số”; nhóm 10 địa phương đẫn đầu về “Hạ tầng số”.
Bên cạnh những lợi thế nêu trên, các đại biểu cũng chỉ ra hạn chế hiện nay của các tỉnh đó là chưa có các khu CN-CNTT tập trung. Hầu hết doanh nghiệp công nghệ số hoạt động mang tính nhỏ lẻ…
Tại Hội thảo, các tỉnh đề xuất cần phối hợp chia sẻ thông tin, chia sẻ dữ liệu với nhau, đào tạo nguồn nhân lực, thuê chuyên gia hỗ trợ trong đề án. Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu cần đẩy mạnh liên kết vùng, tận dụng lợi thế so sánh của nhau để phát triển đồng bộ.
Hiện nay, các tỉnh đã đề xuất đưa vào quy hoạch của tỉnh về khu vực phát triển trung tâm dữ liệu vùng (HUB) và hình thành vùng động lực CN-CNTT, công nghệ số. Trong đó, Đồng Nai đề xuất quy hoạch 50 ha gần sân bay Long Thành; Bà Rịa - Vũng Tàu mới đây, UBND tỉnh đã họp thống nhất ý tưởng quy hoạch chung thị xã Phú Mỹ đến năm 2040, tầm nhìn đến 2050, trong đó quy hoạch khu công nghiệp (công nghệ thông tin) - đô thị - dịch vụ 650 ha.
Với vai trò chủ trì Hội thảo, ông Nguyễn Thiện Nghĩa, Phó cục trưởng phụ trách Cục Công nghiệp Công nghệ thông tin và Truyền thông cho rằng, cần thiết phải hiểu sâu sắc về vùng, khảo sát thực tế địa phương, thu thập thông tin có giá trị. Từ các ý kiến tại Hội thảo, Cục sẽ phối hợp với các tỉnh và Thành phố Hồ Chí Minh xây dựng đề án bền vững, lâu dài và khả thi cho vùng Đông Nam Bộ về CN-CNTT.
“Từ trước đến nay, vẫn nói liên kết vùng nhưng chưa có động thái cụ thể thì Đề án này chính là động thái và có một hướng đi tổng thể cho vùng Đông Nam Bộ”, ông Nguyễn Thiện Nghĩa nói.
Thanh Huyền