Đầu giờ chiều nay, 28/3, giá vàng miếng SJC tại Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn được cộng thêm 200.000 đồng mỗi lượng ở cả hai chiều mua – bán so với cuối ngày hôm qua, giao dịch ở mức 79,1 – 81,1 triệu đồng/lượng.
Tương tự, các công ty kinh doanh vàng lớn khác như Phú Nhuận, DOJI, Phú Quý, Bảo Tín Minh Châu, ngân hàng Eximbank, TPBank Gold… cũng có mức điều chỉnh tăng tương đương, neo giá mua vào của vàng miếng SJC trong ngưỡng 79 - 79,1 triệu đồng/lượng, giá bán ra dao động từ 80,95 – 81,12 triệu đồng/lượng.
Như vậy chỉ trong hai phiên gần đây, mỗi lượng vàng miếng SJC đã tăng từ 900.000 – 1.200.000 đồng/lượng tuỳ doanh nghiệp.
Các loại vàng nhẫn 9999 cũng ghi nhận xu hướng tăng giá, tuy nhiên tính chung cả hai ngày qua chỉ tăng khoảng 400.000 đồng/lượng, với mức giá mua – bán đang phổ biến ở mức 68,5 -69,75 triệu đồng/lượng.
Trên thị trường quốc tế, giá vàng giao dịch quanh ngưỡng 2.198 USD/ounce, tăng khoảng 11 USD/ounce so với giá thấp nhất trong phiên hôm qua. Quy đổi theo tỉ giá tại các ngân hàng thương mại, giá kim loại quý màu vàng trên thị trường thế giới tương đương 66,1 triệu đồng/lượng (chưa bao gồm các loại thuế, phí).
Theo đó, giá vàng thế giới đang thấp hơn so với giá bán vàng nhẫn 9999 tại thị trường trong nước khoảng 3,6 triệu đồng/lượng và thấp hơn vàng miếng SJC khoảng 15 triệu đồng/lượng. Đây được xem là mức chênh lệch khá thấp so với cách đây vài tuần.
Thị trường vàng thế giới biến động nhẹ trong bối cảnh nhà đầu tư vẫn đang chờ đợi dữ liệu lạm phát của Mỹ sẽ được công bố vào cuối tuần này để biết rõ thêm về thời điểm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ bắt đầu thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ trong năm nay. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng giá vàng trong thời gian tới sẽ tăng nhờ kỳ vọng Fed sẽ giảm lãi suất điều hành.
Hồng Nhung (t/h)