Từ đầu tháng 4 đến nay, giá xăng dầu thế giới giảm mạnh dẫn đến giá trong nước giảm theo. Lúc này, các đơn vị cung cấp xăng dầu đã cắt giảm tối đa hoa hồng, thậm chí giá xăng dầu mua vào cao hơn giá bán ra hàng trăm đồng/lít, khiến DN bán lẻ rơi vào cảnh thua lỗ.

Mới đây, ông Lê Văn Quý, chủ doanh nghiệp (DN) tư nhân Quý Điều (huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk), đại diện cho hàng chục DN bán lẻ xăng dầu ở Đắk Lắk, vừa gửi đơn lên cơ quan chức năng phản ánh những bất cập trong kinh doanh xăng dầu hiện nay.

Ông Quý cho biết thông thường thì khoảng 15 ngày là nhà nước điều chỉnh giá bán xăng dầu 1 lần và thương nhân phân phối xăng dầu cũng điều chỉnh giá cho phù hợp. Trước đây, cứ đầu mỗi kỳ điều chỉnh giá, thương nhân phân phối chiết khấu cho cửa hàng bán lẻ ở mức có lời và chỉ cắt giảm hoa hồng vào ít ngày cuối kỳ. Tuy nhiên, gần đây DN cung cấp xăng dầu đã cắt giảm hoa hồng suốt cả chu kỳ điều chỉnh giá, khiến đơn vị bán lẻ càng bán càng lỗ, rơi vào cảnh khó khăn.

Doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu lo lỗ nặngDoanh nghiệp bán lẻ xăng dầu lo lỗ nặng

Không chỉ giá mua vào cao hơn giá bán ra, nhiều cửa hàng xăng dầu cũng đang phản ánh việc các thương nhân phân phối không cung cấp đủ lượng xăng dầu theo đề nghị. Do đó, nhiều DN bán lẻ thiếu xăng dầu phải tạm dừng bán và lo lắng bị cơ quan chức năng xử lý.

Ông Trần Quốc Thái, Giám đốc Công ty TNHH Nhiên liệu xăng dầu miền Nam, cho biết công ty là thương nhân phân phối cho hơn 20 DN bán lẻ xăng dầu, nguồn hàng được lấy từ nhiều nhà nhập khẩu. Tuy nhiên, hiện nay Công ty CP Xăng dầu dầu khí Vũng Tàu (nhận hàng tại kho Vũng Rô) không có hàng. Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cũng không bán cho thương nhân phân phối mà chỉ bán cho hệ thống của họ. Hiện công ty lấy xăng dầu từ Tổng Công ty XNK Thanh Lễ Bình Dương nhưng cũng được cấp số lượng nhỏ giọt, nguồn hàng hạn chế nên không đủ hàng để cung cấp cho DN bán lẻ.

Ông Thái cũng cho biết tại kho xăng dầu ở Bình Dương, Thanh Lễ chiết khấu cho thương nhân phân phối 100 đồng/lít xăng và 200 đồng/lít dầu. Trong khi đó, chi phí vận chuyển từ Bình Dương lên Đắk Lắk mất 500 đồng/lít. Như vậy, 1 lít xăng dầu tới Đắk Lắk, thương nhân phân phối đã mất 300-400 đồng. Không còn cách nào khác là thương nhân phân phối cùng DN bán lẻ phải chia khó khăn.

Nhiều doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu đang lỗ nặng do ảnh hưởng giá dầu thế giới sụt giảm.Nhiều doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu đang lỗ nặng do ảnh hưởng giá dầu thế giới sụt giảm

Theo báo cáo kết quả kinh doanh quý1/2020 của CTCP Vật tư Xăng dầu (Comeco) chủ sở hữu 37 cửa hàng xăng dầu tại TP.HCM, trong 3 tháng đầu năm công ty này ghi nhận 859 tỷ đồng doanh thu, sụt giảm 8% so với cùng kỳ năm trước.

Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) vừa công bố báo cáo tài chính quý I với chỉ tiêu doanh thu giảm mạnh trong khi lợi nhuận sau thuế báo số âm.

Cụ thể, trong quý đầu tiên của năm, doanh nghiệp chiếm hơn 50% thị phần bán lẻ xăng dầu trong nước này ghi nhận gần 38.500 tỷ đồng doanh thu, giảm hơn 8% so với cùng kỳ năm trước. Ước tính, riêng quý I, mỗi ngày nhà bán lẻ xăng dầu này đã bị giảm doanh thu gần 39 tỷ so với cùng kỳ.

Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) nhà bán lẻ lớn thứ 2 thị trường với hơn 3.500 cửa hàng xăng dầu lại cho con số trái ngược.

Dù vẫn ghi nhận doanh thu tăng 4% trong quý 1 đạt 17.686 tỷ đồng, nhưng doanh nghiệp chiếm hơn 20% thị phần phân phối xăng dầu trong nước lại lỗ ròng 538 tỷ đồng. Đây là khoản lỗ quý cao nhất mà công ty này từng vướng phải. 

Nguyên nhân dẫn tới khoản thua lỗ kỷ lục nói trên chính là việc giá vốn xăng dầu tăng mạnh khiến biên lãi gộp của PV Oil giảm từ 3,54% kỳ trước xuống còn vỏn vẹn 0,36%. Kết quả, lợi nhuận gộp quý 1/2020 của công ty đã giảm 89%. Tính bình quân, mỗi ngày PV Oil thu về gần 200 tỷ đồng tiền bán xăng dầu nhưng lại lỗ gần 6 tỷ đồng/ngày.

Trong quý I hàng loạt “ông lớn” trong lĩnh vực xăng dầu đều hoạt động thua lỗ như Tổng công ty Thanh Lễ lỗ 67 tỷ; nhà sản xuất xăng đầu Lọc hóa dầu Bình Sơn cũng lỗ kỷ lục 2.300 tỷ đồng

Tâm An