THCL - Có thể thấy, ngay từ đầu năm, hàng loạt tín hiệu vui đã dồn dập đến với ngành ngân hàng như lợi nhuận có phần khởi sắc hơn trong năm qua - sẽ là tiền đề thuận lợi cho các ngân hàng xử lý nợ xấu và hé mở cơ hội giảm lãi suất...

Việc nhiều ngân hàng niêm yết trong năm tới được xem là tích cực, bởi sẽ giúp minh bạch hóa hệ thống ngân hàng Việt Nam nói chung.

Đầu năm, nhiều tín hiệu vui đối với ngành ngân hàng - Hình 1

Ảnh minh họa

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Việt Nam sẽ nâng tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài tại các ngân hàng sớm nhất trong năm nay nhằm đẩy nhanh tiến trình cải tổ hệ thống ngân hàng và thu hút thêm các khoản đầu tư nước ngoài, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Việt Nam đang giới hạn tỷ lệ sở hữu của khối ngoại tại các ngân hàng là 30% và đang tìm cách thu hút thêm đầu tư để củng cố hệ thống tài chính - vốn đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi khối nợ xấu khổng lồ tại các doanh nghiệp nhà nước.

Thủ tướng không đề cập đến tỷ lệ sở hữu nước ngoài mới song cho biết, Chính phủ có thể bán toàn bộ cổ phần tại các ngân hàng đang gặp khó khăn nếu có nhà đầu tư nước ngoài nào quan tâm. Trong đó, Thủ tướng đã đề cập đến trường hợp OceanBank - một trong những ngân hàng bị mua lại bắt buộc toàn bộ cổ phần giá 0 đồng và chuyển sang mô hình NHNN sở hữu 100% hồi năm 2015.

Theo các chuyên gia, động thái trên được đánh giá là một bước tiến quan trọng, góp phần thu hút thêm đầu tư, củng cố hệ thống tài chính, vốn đang ở trạng thái yếu kém do sự gia tăng nợ xấu tại các DNNN.

Việc nâng tỷ lệ sở hữu tối đa của khối ngoại ở các ngân hàng là cần thiết, vì các ngân hàng cần thu hút vốn ngoại do nguồn lực vốn trong nước và phương án tăng vốn khá hạn chế. Sự tái khẳng định của Thủ tướng đã khiến cổ phiếu ngân hàng tăng điểm mạnh mẽ trong ngày hôm qua.

Ngân hàng sẽ được nới “room” sớm nhất trong năm nay - Đó là thông điệp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra trong cuộc phỏng vấn với Bloomberg Television ngày 13/1. Mặc dù không đưa ra tỷ lệ sở hữu mới, nhưng Thủ tướng cho biết, sẽ nâng tỷ lệ sở hữu và mở rộng cánh cửa vào thị trường chứng khoán cho các nhà đầu tư nước ngoài trong tương lai gần.

"Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc không cho biết rõ mức trần mới, nhưng nếu tỷ lệ sở hữu tối đa của khối ngoại được nới trong ngành ngân hàng, CTGACB và MBB sẽ được hưởng lợi nhiều nhất từ sự thay đổi này", chuyên viên phân tích của CTCK VCSC dự đoán.

Theo chuyên gia kinh tế cao cấp Trinh Nguyen của Natixis SA (Hồng Kông), quyết định nới "room" tại các ngân hàng - sẽ thu hút thêm các khoản đầu tư vào Việt Nam và giúp Chính phủ giải quyết các khoản nợ xấu. Bà Trinh đánh giá đây là một bước tiến tích cực nếu trở thành hiện thực.

Ngoài ra, NHNN vừa qua đã ban hành Thông tư số 41/2016/TT-NHNN quy định tỷ lệ an toàn vốn (CAR) đối với ngân hàng, giảm từ mức 9% hiện tại xuống mức 8%. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 1/1/2020, tuy nhiên, các ngân hàng có khả năng thực hiện tỷ lệ an toàn vốn trước thời hạn này có thể gửi văn bản đăng ký áp dụng trước.

Theo một báo cáo mới đây của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu của toàn hệ thống năm nay ước tính là 11,3%. Toàn hệ thống có 4/92 NHTM có tỷ lệ CAR dưới 9% và 10/118 TCTD âm vốn tự có. Nếu loại trừ các TCTD bị âm vốn tự có thì CAR của toàn hệ thống là 12,6%.

Tuy nhiên, nếu áp dụng chuẩn an toàn vốn theo Basel II tại 10 TCTD thí điểm cho thấy hệ số CAR giảm mạnh so với số báo cáo hiện tại, chủ yếu do tài sản có quy đổi rủi ro tăng. Song dù hệ số CAR được giảm, nhưng thực tế, các ngân hàng không dễ để đáp ứng được yêu cầu. 

Đây được cho là động thái của NHNN để mở đường cho việc áp dụng chuẩn Basel II vào hệ thống các ngân hàng, bởi theo quy định của chuẩn Basel II, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu là 8%.

Nhiều chuyên gia phân tích tin rằng trong năm nay, nhiều ngân hàng sẽ tiến hành tái cấu trúc. Trong vòng M&A trước, người mua là các ngân hàng trong nước. Tuy nhiên, nguồn lực này gần như đã cạn kiệt và hiện chỉ còn rất ít ngân hàng trong nước còn khả năng thực hiện các thương vụ sáp nhập khác.

Bên cạnh việc nới "room" tại các ngân hàng, Chính phủ đang đẩy mạnh việc thoái vốn khỏi các DNNN không thuộc lĩnh vực tài chính như Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) hay Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco). Hồi tháng 12/2016, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) tiến hành bán 78,4 triệu cổ phiếu tại Vinamilk – công ty sữa lớn nhất Việt Nam.

Cũng theo phần trả lời phỏng vấn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết muốn đưa Việt Nam trở thành một trong 4 nền kinh tế thân thiện với nhà đầu tư nhất tại Đông Nam Á trong năm nay. Chính phủ đang phát triển các sáng kiến cải thiện môi trường đầu tư, trong đó bao gồm các vấn đề về quyền sở hữu trí tuệ, thuế và khả năng tiếp cận, sử dụng điện, đất.

Các khoản đầu tư nước ngoài chiếm khoảng 70% xuất khẩu và đang giúp nền kinh tế Việt Nam chuyển đổi thành một trung tâm sản xuất chế tạo của khu vực Đông Nam Á. Giải ngân vốn FDI tăng lên mức kỷ lục 15,8 tỷ USD trong năm 2016 – một trong những yếu tố giữ GDP tăng trưởng vững chắc trên 6%.

Ngọc Linh