Dầu thô và hầu hết cổ phiếu châu Á sáng 16-9 đều giảm trước thềm cuộc họp đánh giá lại lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) - sẽ diễn ra cùng ngày theo giờ Mỹ.
Giá vàng vẫn duy trì mức tăng hồi đầu tuần, nhưng giới đầu tư không giao dịch mạnh để chờ thông tin từ FED.
Hôm nay FED sẽ họp xem xét quyết định tăng lãi suất trong bối cảnh sản lượng ở các nhà máy Mỹ bất ngờ sụt giảm. Sản lượng ở các nhà máy Mỹ trong tháng 8-2014 giảm 0,1% trong khi tháng trước tăng 0,4%.
Trước đó, các nhà kinh tế tham gia khảo sát của Bloomberg dự đoán mức tăng 0,3%. Tuy nhiên, chỉ số sản xuất Empire State tháng 9-2014 tăng lên 27,54 từ mức 14,69 của tháng 8 và vượt qua mức dự báo 15,95.
Giám đốc nghiên cứu thị trường Stephen Halmarick tại Colonial First State Global Asset Management nhận định: "Vấn đề lớn là liệu FED có thay đổi thời điểm ra quyết định tăng lãi suất hay không. Quá trình chuyển tiếp sang giai đoạn thắt chặt tài chính của Mỹ đang làm khó cho khu vực châu Á. Tôi cho rằng thị trường sẽ phải chịu thêm một vài tháng bất ổn".
Cổ phiếu đồng loạt giảm
Lúc 9 giờ 59 phút ngày 16-9 (giờ Tokyo), chỉ số MSCI Asia Pacific Index dao động nhẹ khi có khoảng 260 cổ phiếu giảm và 200 cổ phiếu tăng.
Sàn Topix index của Nhật Bản giảm 0,1%, sàn Nikkei 225 Stock Average giảm 0,2% - kết thúc đợt tăng liên tiếp 5 ngày, trong khi chỉ số Kospi Hàn Quốc tăng 0,3%. Chỉ số S&P/ASX 200 Index của Úc giảm 0,1%.
Phiên giao dịch sáng nay trên sàn Hong Kong Stock Exchange sẽ bị hoãn do ảnh hưởng của cơn bão Kalmaegi. Sàn Malaysia đang đóng cửa nghỉ lễ.
Chỉ số tương lai trên sàn Hang Seng và Hang Seng China Enterprises ở Hongkong đều giảm 0,2%. Chỉ số Bloomberg China-US Equity Index đo các cổ phiếu Trung Quốc có khối lượng giao dịch lớn nhất ở New York trượt 1,8% trong ngày giảm thứ 6 liên tiếp - đánh dấu đợt suy thoái dài ngày nhất kể từ tháng 3-2014.
Lợi suất trái phiếu chính phủ Úc trong 10 năm giảm 2 điểm cơ bản, tương đương 0,02 điểm %, còn 3,63%, sau khi tăng 14 điểm cơ bản hồi tuần trước.
Chỉ số Nasdaq 100 giảm 1% xuống mức thấp nhất 1 tháng, Russell 2000 cũng trượt 1,2% - giảm mạnh nhất kể từ ngày 31/7 - và đẩy mức giảm tổng cộng trong năm nay lên 1,5%. Chỉ số Standard & Poor’s 500 Index đóng cửa thấp hơn 0,1%, với cổ phiếu công nghệ dẫn đầu mức giảm với 0,6%. Chỉ số Dow Jones Industrial Average tăng 0,3% nhờ chứng khoán năng lượng tăng trở lại.
Vàng tăng nhưng giới đầu tư vẫn thận trọng
Vàng đầu phiên giao dịch 16-9 vẫn duy trì mức tăng nhẹ của ngày trước đó, nhưng giới đầu tư hạn chế chọn các vị thế giao dịch lớn để chờ đợi cuộc họp chính sách của FED.
Reuters cho biết vàng giao ngay ngày 16-9 biến động nhẹ ở mức 1.233,20 USD/ounce. Trong phiên giao dịch trước đó, vàng đã chạm sàn 8 tháng với giá 1.225,30 trước khi tăng lại 0,4% vì thị trường chứng khoán trượt giảm.
Trong ngày 15/9, vàng giao tháng 12 tăng 3,60 USD và chốt ở mức 1.235,10 USD/ounce. Bạc kỳ hạn tháng 12 tăng 1 USD lên 18,56 USD/ounce. Palladium giao tháng 12 tăng 85 xu, khoảng 0,1%, lên 836,90 USD/ounce, trong khi platinum giao tháng 10 giảm 7 USD còn 1.363,50 USD/ounce. Đồng cao cấp kỳ hạn tháng 12 giảm 2 xu, khoảng 0,7%, còn 3,08 USD/pound.
Trong phiên giao dịch sáng 16/9, nickel kỳ hạn 3 tháng trên sàn London Metal Exchange đã kết thúc chuỗi giảm giá 5 ngày và tăng 0,5% lên 18,133 USD/tấn. Kẽm tăng 0,6% lên 2.261,75 USD/tấn, aluminum tăng 0,5% lên 2.001 USD/tấn.
Dầu WTI giảm còn 92,66 USD/thùng, sau khi kết thúc phiên giao dịch trước đó tăng 0,7%. Dữ liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ công bố trong ngày 16/9 có thể cho thấy kho dầu dự trữ hồi tuần trước đã giảm 1,5 triệu thùng còn 357,1 triệu thùng, theo dự báo của các nhà phân tích tham gia khảo sát của Bloomberg. Dầu Brent gần như không đổi ở mức 97,92 USD/thùng.
Theo Market Watch, Bloomberg, Reuters