Phương thức tinh vi, thủ đoạn phức tạp
Thời gian qua, lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý nhiều vụ việc làm hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ của các nhãn hiệu nổi tiếng. Thế nhưng hiện nay, tình trạng này vẫn đang xảy ra ngày càng phức tạp, tinh vi hơn, với phương thức, thủ đoạn luôn thay đổi.
Ông Hồng Văn Hoàng, Cục phó Cục Quản lý thị trường tỉnh Tây Ninh cho biết, khó khăn hiện nay là các vụ việc vi phạm thường có tính chất, mức độ lớn, đối tượng vi phạm thường hoạt động liên tỉnh, có nhận thức, hiểu biết pháp luật, do đó thường xuyên thay đổi phương thức, thủ đoạn để đối phó với cơ quan chức năng.
Cũng theo ông Hoàng, hiện nay, hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số đang phát triển nhanh chóng, mạnh mẽ, từ thành thị tới nông thôn. Đây là hình thức kinh doanh hiện đại. Tuy nhiên, công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực này chưa thật sự chặt chẽ, chưa theo kịp thực tiễn, do đó các đối tượng lợi dung để kinh doanh hàng cấm, nhập lậu, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng hóa không có nguồ gốc hợp pháp, hàng kém chất lượng rất khó phát hiện, xử lý.
“Công tác đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí thuệ là một nhiệm vụ quan trọng, khó khăn và lâu dài trong việc bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp và người tiêu dùng, thu hút đầu tư, khuyến khích sáng tạo, lành mạnh hóa thị trường, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, thúc đẩy sự nghiệp phát triển kinh tế đất nước” – ông Hoàng nhấn mạnh
Mặt khác, nhiều doanh nghiệp cho rằng, sản phẩm và thương hiệu của doanh nghiệp được dày công nghiên cứu, đầu tư và phát triển, chú trọng về chất lượng, giá thành phù hợp, nhưng lại bị các đối tượng ngang nhiên làm giả, nhái thương hiệu và bán với giá thành thấp hơn nhiều so với sản phẩm của doanh nghiệp. Điều này, gây thiệt hại rất lớn cho doanh nghiệp chân chính, còn làm tổn hại đến chi phí và niềm tin của người tiêu dùng.
Doanh nghiệp khuyến cáo, người tiêu dùng cần xem xét kỹ sản phẩm, chất lượng, đơn vị sản xuất, cửa hàng phân phối chính hãng. Hạn chế tình trạng mua nhầm hàng nhái, hàng giả, bên cạnh đó cũng cần cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra, đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng cũng như các đơn vị sản xuất kinh doanh uy tín.
Tập trung cao độ phòng, chống buôn lậu
Dịp Tết Nguyên đán hằng năm là cao điểm mua sắm, thị trường hàng hóa sôi động hơn bao giờ hết với những mặt hàng chủ yếu như: thực phẩm chế biến, bánh kẹo, rượu, bia, thuốc lá, nước giải khát, hàng gia dụng, quần áo, giày dép… Đây cũng là thời điểm hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ len lỏi vào thị trường, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh và sức khỏe của người tiêu dùng.
Điều đáng nói là các mặt hàng này ngày càng được sản xuất tinh vi, với nhiều chủng loại và có mặt ở khắp nơi từ thành thị đến nông thôn, khiến cho người tiêu dùng dính “bẫy" khi mua sắm, vì không phân biệt được đâu là thật, đâu là giả.
Lực lượng chức năng nhận định, dù liên tục phát hiện, kiểm tra, bắt giữ số lượng lớn các loại hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc nhưng tình trạng này vẫn diễn biến phức tạp, nhất là thời điểm giáp Tết. Đáng lo ngại, bên cạnh phương thức, thủ đoạn cũ, các đối tượng sử dụng phương thức, thủ đoạn mới, khó lường như: không khai báo, khai không đúng với thực tế hàng hóa, che giấu nguồn gốc, tuyến đường của lô hàng…
Trước tình hình trên, ông Hồng Văn Hoàng, Cục phó Cục Quản lý thị trường tỉnh Tây Ninh cho biết, trong 03 tháng cuối năm, Cục Quản lý thị trường tỉnh Tây Ninh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu, nghị quyết đề ra. Trong đó, tập trung chỉ đạo thực hiện hoàn thành kế hoạch kiểm tra định kỳ và các kế hoạch kiểm tra chuyên đề của Cục đã ban hành (kế hoạch kiểm tra chuyên đề về mặt hàng vật tư nông nghiệp, kế hoạch kiểm tra chuyên đề mặt hàng xăng dầu), phấn đầu hoàn thành các chỉ tiêu Tổng cục giao.
Bên cạnh việc triển khai, thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ được giao, Cục Quản lý thị trường chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường trực thuộc tăng cường phối kết hợp với các lực lượng chức năng trên địa bàn nhằm kiểm soát, ngăn chặn hiệu quả hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả 3 tháng cuối năm, không để hình thành, phát sinh các điểm nóng về buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng.
Đồng thời, với vai trò là cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, Cục Quản lý thị trường tỉnh Tây Ninh cũng tham mưu, trình UBND tỉnh triển khai cao điểm đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trên địa bàn tỉnh 03 tháng cuối năm.
Hoàng Bách – Lê Thanh