THCL Đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là công việc khó khăn, phức tạp, lâu dài, đòi hỏi sự quyết tâm của toàn xã hội.
Theo Cục QLTT (Bộ Công thương), trong 10 tháng đầu năm, lực lượng QLTT đã kiểm tra, xử lý 16.876 vụ, xử phạt 53,2 tỷ đồng, trị giá hàng vi phạm là 41,4 tỷ đồng.
Tuy nhiên, những kết quả đạt được vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu và mục tiêu Chính phủ đề ra. Thực tế, tình trạng hàng giả, hàng nhái vẫn diễn biến hết sức phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất trong nước, gây bức xúc trong dư luận... Đây cũng là thách thức rất lớn trong hội nhập.
Tại Lễ kỷ niệm Ngày phòng chống hàng giả, hàng nhái 29/11 vừa qua, rất nhiều ý kiến thiết thực đưa ra nhằm giải quyết dứt điểm thực trạng này. Thương hiệu & Công luận trích đăng một số ý kiến đó.
Ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công thương: Thực thi pháp luật
Cần đưa ra những giải pháp thiết thực nhằm hoàn thiện hơn nữa khuôn khổ pháp luật, nâng cao năng lực thực thi pháp luật với các hiệp hội, các DN, các cơ quan truyền thông trong công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của toàn xã hội đối với việc đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái, tiến tới triệt tiêu vấn nạn hàng giả, hàng nhái. Qua đó, bảo vệ DN, bảo vệ NTD, giúp Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn vào nền kinh tế khu vực và thế giới.
Ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công thương
Lực lượng QLTT trên toàn quốc cần thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, chú trọng nâng cao phẩm chất cán bộ công chức, nâng cao năng lực thực thi; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng và liên quan, các hiệp hội, cơ quan truyền thông, người tiêu dùng để công tác đấu tranh phòng chống hàng giả, xâm phạm quyền SHTT ngày càng hiệu quả.
Các DN, hiệp hội cần nhận thức rõ vai trò và trách nhiệm của mình trong công tác xây dựng, bảo vệ thương hiệu, bảo vệ quyền lợi NTD; cần chủ động tích cực phối hợp với cơ quan thực thi, nhất là việc giám sát thị trường, quản lý tốt hệ thống phân phối, thu thập, cung cấp thông tin… trong công tác phát hiện và xử lý vi phạm.
Ông Trịnh Văn Ngọc, Cục trưởng Cục QLTT (Bộ Công thương): Phối hợp chặt chẽ
Ông Trịnh Văn Ngọc, Cục trưởng Cục QLTT (Bộ Công thương)
Các lực lượng chức năng phải phối hợp và thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ về chống buôn lậu, gian lận thương mại. Lực lượng QLTT là nòng cốt trong công tác này, cần không ngừng nâng cao năng lực, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị. Các lực lượng chức năng liên quan như công an, hải quan, thanh tra… cần phối hợp tốt trong đấu tranh. Đặc biệt, DN cần phối hợp chặt chẽ với lực lượng QLTT trong công tác này.
Bên cạnh đó, cần tăng cường tuyên truyền tới người dân nhằm nâng cao ý thức của cộng đồng trong nhận biết hàng giả và tố giác đối tượng vi phạm với lực lượng QLTT và các lực lượng thực thi để bài trừ hàng giả.
Điều đặc biệt quan trọng, các DN phải xây dựng thương hiệu; nhãn hiệu phải được bảo hộ nên cần đăng ký với cơ quan SHTT để tự bảo vệ mình. Đồng thời, chủ động nắm bắt tình hình thị trường để cung cấp những thông tin kịp thời và phối hợp với lực lượng chức năng trong phát hiện, chống hàng giả. Bởi lẽ, chỉ DN mới biết rõ mặt hàng của mình bị xâm phạm như thế nào để phối hợp với lực lượng chức năng nhận diện, khi kiểm tra mới có đủ căn cứ xử lý.
Ông Lê Thế Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam: Chủ động từ DN
Ông Lê Thế Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam
Các DN phải tăng cường thực hiện đồng bộ các biện pháp chống hàng giả. Theo đó, cần chú trọng triển khai đăng ký bảo hộ quyền SHTT; công bố và thực hiện tiêu chuẩn hợp quy - hợp chuẩn sản phẩm; thực hiện ghi nhãn hàng hóa theo quy định; cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin tình hình hàng giả, hàng xâm phạm SHTT.
Chỉ những DN không sợ nói đến hàng giả, có quyết tâm bảo vệ thương hiệu, đồng thời chống lại hàng giả mới có thể phát triển bền vững. Chống hàng giả thực chất là bảo vệ thương hiệu. Nâng cao vai trò của thương hiệu, xây dựng, quảng bá thương hiệu mạnh lên, hàng giả sẽ không còn đất sống. Hai vấn đề này có mối quan hệ mật thiết với nhau. Vì vậy, ngoài cung cấp thông tin cho lực lượng chức năng chống hàng giả, DN cần đẩy mạnh xây dựng, bảo vệ thương hiệu là việc làm vô cùng ý nghĩa và hiệu quả trong đấu tranh đẩy lùi vấn nạn hàng giả, hàng nhái.
Chính phủ cần chỉ đạo xây dựng chương trình chiến lược chống hàng giả Việt Nam (bao gồm mục tiêu, nội dung, thời gian cụ thể, trách nhiệm các cơ quan…) để các cấp, các ngành triển khai thực hiện thống nhất. Đồng thời, cần chỉ đạo các cơ quan hữu quan xem xét sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật về hàng giả cho phù hợp yêu cầu hội nhập kinh tế theo các hiệp định (TPP, FTA…). Đặc biệt, Chính phủ cần chỉ đạo quyết liệt các lực lượng thực thi đẩy mạnh công tác phát hiện, xử lý kịp thời, đúng pháp luật các vụ vi phạm về hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền SHTT...
Thanh Hà (Ghi)