Cách mạng Việt Nam thắng lợi đều gắn liền với vai trò của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người tổ chức và lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Cùng với sự đồng lòng, đồng sức của toàn thể nhân dân, Việt Nam đã thực hiện thành công nhiều nhiệm vụ chiến lược cách mạng, từ cuộc cách mạng giải phóng dân tộc đến công cuộc xây dựng đất nước. Một trong những thành công đó chính là việc nhất quán lựa chọn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội (CNXH) ở Việt Nam. Quá độ lên chủ nghĩa xã hội là tất yếu, khách quan của lịch sử phát triển của dân tộc Việt Nam. Vì xã hội chủ nghĩa xã hội mà chúng ta đang xây dựng, đang hướng đến là xã hội tiến bộ. Tuy nhiên, nhằm hạ thấp sự lựa chọn này và phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, một số thế lực thù địch và phần tử cơ hội chính trị thường rêu rao rằng: sự lựa chọn con đường đi lên CNXH ở Việt Nam là “sai lầm”, là “đẻ non”, là “không đi theo quy luật”… Vậy sự thật là gì? Làm thế nào để đấu tranh, phản bác, chống lại những luận điệu sai trái, thù địch đó? Thông qua bài viết này, tác giả sẽ góp phần trả lời những câu hỏi trên dựa trên các cơ sở về lý luận và thực tiễn.
1. Nhận diện những quan điểm sai trái, thù địch về con đường đi lên CNXH ở Việt Nam
Quan điểm xuyên suốt của Đảng, quá độ lên CNXH được xác định là một thời kỳ lâu dài trong lịch sử và phải trải qua nhiều chặng đường bước đi. Mặc dù quá độ lên CNXH là con đường nhiều chông gai, khó khăn và thách thức nhưng Đảng và Nhân dân ta vẫn luôn vững tin và kiên trì với mục tiêu XHCN mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn.
Vì CNXH không chỉ là sức mạnh tinh thần, là triển vọng mà đã thật sự trở thành sức mạnh vật chất, sức mạnh tổ chức, sức mạnh của một chế độ xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh sự đồng tình, ủng hộ của đại đa số Nhân dân Việt Nam thì còn có một số người phủ nhận, chưa chấp nhận hoặc hoài nghi về con đường đi lên CNXH ở nước ta. Tựu trung lại ở một số quan điểm cơ bản sau: Cho rằng sự lựa chọn con đường quá độ bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa đi lên CNXH ở Việt Nam là sai lầm, đẻ non, không đi theo quy luật; Cho rằng nếu không đi theo con đường cách mạng vô sản thì vẫn giành được độc lập dân tộc mà không phải đổ máu, hy sinh hàng triệu con người trong chiến tranh; Đưa ra giả thuyết: nếu đi theo con đường tư bản chủ nghĩa, kinh tế Việt Nam sẽ phát triển như một số nước trong khu vực đã trở thành những “con rồng”, “con hổ” của châu Á…
Sở dĩ có sự phủ nhận, hoài nghi và xuyên tạc này có thể xuất phát từ một số nguyên nhân sau:
Thứ nhất, cuộc khủng hoảng và đi đến sụp đổ của hệ thống các nước XHCN ở các nước Liên Xô và Đông Âu đã tác động đến tình cảm và nhận thức của nhiều người về CNXH. Thành trì của chủ nghĩa xã hội (CNXH) đã sụp đổ, chỗ dựa vững chắc của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế đã không còn, các nước XHCN còn lại đứng trước thử thách khốc liệt do hệ quả của sự tổn thất đó để lại.
Thứ hai, trong mấy thập kỷ qua các nước tư bản chủ nghĩa đã có sự điều chỉnh về chính sách kinh tế, chính sách xã hội, phát minh và ứng dụng những thành tựu khoa học và công nghệ nâng cao năng suất lao động. Quá trình phát triển của chủ nghĩa tư bản (CNTB) đã làm cho lực lượng sản xuất phát triển mạnh mẽ với trình độ kỹ thuật và công nghệ ngày càng cao. Nhiều người chỉ thấy những thành tựu phát triển kinh tế của CNTB mà không thấy được những khó khăn, những mâu thuẫn, những vấn đề nan giải của CNTB.
Thứ ba, sau chiến tranh thế giới thứ hai, bên cạnh Việt Nam có một số nước phát triển nhanh nên nhiều người đặt ra câu hỏi: vì sao những nước đó lại phát triển nhanh hơn và cao hơn chúng ta? Mà không tự đặt ra câu hỏi: những nước đó có điểm xuất phát như thế nào? Có giống chúng ta hay không? Hay sự phát triến đó đem lại lợi ích cho ai? Những nước đó lệ thuộc như thế nào vào các nước lớn?…
Thứ tư, sau thống nhất, bản thân đất nước chúng ta lâm vào cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội (1975 - trước 1986). Cho đến hôm nay, sau chặng đường gần 40 năm đổi mới, Việt Nam vẫn còn phải đối mặt với vô vàn những khó khăn, thách thức, các tệ nạn xã hội vẫn còn rất nhiều, đặc biệt là vấn nạn tham nhũng đã làm mất lòng tin của Nhân dân về Đảng, về XHCN.
2. Khẳng định việc quá độ lên CNXH ở Việt Nam là một tất yếu khách quan
Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng (tháng 2/1930) Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định: đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam là “chủ trương làm cách mạng tư sản dân quyền và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản” . Như vậy, ngay từ khi mới ra đời, Đảng ta đã quán triệt quan điểm gắn độc lập dân tộc với CNXH. Quan điểm này đã được Đảng không ngừng quán triệt và phát triển xuyên suốt thông qua những Cương lĩnh chính trị của Đảng trong suốt 94 năm ra đời, tồn tại và phát triển của mình.
Vậy đi lên XHCN có phải là một tất yếu lịch sử hay không? Quá độ lên XHCN ở Việt Nam có phải là lựa chọn duy nhất đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam hay không?
Có thể khẳng định rằng: quá độ lên CNXH là một tất yếu khách quan trên con đường phát triển của Việt Nam. Đây là sự lựa chọn có căn cứ và phù hợp với xu thế chung của thời đại:
Trước hết, việc lựa chọn con đường cách mạng vô sản, từ cách mạng giải phóng dân tộc tiến tới mục tiêu XHCN của Đảng Cộng sản Việt Nam, của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tất yếu lịch sử. Sự lựa chọn ấy là có căn cứ: Một là, chỉ có XHCN mới giải phóng được nhân dân lao động khỏi mọi áp bức, bất công, mới đem lại cho họ cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc; hai là, với thắng lợi của cách mạng tháng 10 Nga năm 1917 đã tạo ra khả năng hiện thực cho những dân tộc lạc hậu tiến lên XHCN. Cùng với đó là những thắng lợi của các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm và thành tựu bước đầu trong công cuộc xây dựng và đổi mới ở nước ta càng chứng tỏ định hướng mục tiêu XHCN ở Việt Nam là đúng đắn, là tất yếu.
Thứ hai, quá độ lên XHCN ở Việt Nam là lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Nhiều người tỏ ra nghi ngờ: Liệu đó có phải là lựa chọn duy nhất đúng đắn? Liệu có con đường nào khác nữa hay không? Nếu đi theo con đường TBCN hoặc dựa hẳn vào CNTB thì liệu Việt Nam có thể thực hiện được mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh hay không?...
Hiện nay, nhiều học giả nhận định, CNTB không phải là tương lai của xã hội loài người, không phải là giải pháp có thể giải quyết được những vấn đề lớn của xã hội loài người (Ví dụ: đại dịch Covid-19 vừa qua và sự bất lực, lúng túng của CNTB). Không thể phủ nhận trong những năm qua, CNTB đã điều chỉnh, thích ứng, tận dụng được các thành tựu khoa học công nghệ để tồn tại, tiếp tục phát triển, có những yếu tố mới, đặc điểm mới, trong đó, có những yếu tố có thể xem là những mầm mống của CNXH hình thành trong lòng xã hội tư bản… Nhưng những mâu thuẫn cơ bản vốn có của CNTB, nhất là mâu thuẫn giữa tính chất xã hội hóa ngày càng cao của lực lượng sản xuất với chế độ chiếm hữu tư nhân về tư liệu sản xuất không những không được giải quyết mà ngày càng trở nên sâu sắc hơn. CNTB hiện đại cũng không xóa bỏ được tình trạng phân hóa giàu nghèo trong xã hội, mà sự phân hóa còn tiếp tục gia tăng, vẫn là chế độ bất công. Hơn nữa, trong tất cả các nước TBCN không phải đất nước nào cũng phát triển, mà còn nhiều nước chưa phát triển thậm chí còn có những nước sống trong đói khổ.
Vì vậy, xét cả về mặt lý luận và thực tiễn, có thể mạnh dạn xác định: muốn thay đổi căn bản cuộc sống của nhân dân lao động không còn con đường nào khác ngoài con đường đi lên CNXH. Muốn thay đổi địa vị của nhân dân lao động từ thân phận nô lệ, làm thuê thành những người làm chủ không còn con đường nào khác là phải đi lên CNXH. Việc lựa chọn đi theo con đường CNXH được xem là một trong những đóng góp to lớn của Đảng Cộng sản Việt Nam và của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên con đường cách mạng của nước ta.
3. Quan điểm của Đảng ta về CNXH ở Việt Nam trong tình hình mới
Vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin, tổng kết thực tiễn quá trình cách mạng Việt Nam, nhất là gần 40 năm đổi mới, Đảng Cộng sản Việt Nam đã hình thành một quan niệm tổng quát về xã hội XHCN. …. Phân tích quan điểm của Đảng về con đường XHCN mà chúng ta đang xây dựng để một lần nữa thấy được sự lựa chọn con đường này của Đảng là đúng đắn, là phù hợp. Những quan điểm lớn của Đảng về CNXH ở Việt Nam bao gồm:
Một là, mục tiêu đầu tiên, cao nhất của CNXH mà chúng ta xây dựng là xã hội do nhân dân lao động làm chủ. Điều này thể hiện sự khác biệt về chất giữa XHCN với các chế độ xã hội khác. Vì vậy, toàn bộ hoạt động của xã hội đều hướng vào việc đảm bảo và phát huy vai trò là chủ của nhân dân.
Hai là, XHCN mà chúng ta xây dựng “có nền kinh tế phát triển cao, dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất”.
Ba là, xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát triển toàn diện, thống nhất trong đa dạng, thấm nhuần sâu sắc tinh thần nhân văn, dân chủ, tiến bộ.
Bốn là, con người được giải phóng khỏi những áp bức, bóc lột, bất công có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ. CNXH là xã hội vì con người và từ con người, là chế độ xã hội tôn trọng và không ngừng phát huy vai trò làm chủ của con người.
Năm là, XHCN ở Việt Nam là xã hội có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản.
Sáu là, thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hợp tác và phát triển, đa phương hoá, đa dạng hoá quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, nâng cao vị thế của đất nước, vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa giàu mạnh, là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, góp phần vào sự nghiệp hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới.
Mặc dù những quan điểm của Đảng ta về CNXH vẫn còn nhiều vấn đề cần được tiếp tục nghiên cứu sâu và cụ thể hoá. Nhưng nhìn vào những quan điểm trên, chúng ta có thể tin tưởng rằng CNXH mà Đảng Cộng sản Việt Nam đã lựa chọn và dân tộc Việt Nam đang xây dựng là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với xu thế phát triển của thời đại và nguyện vọng của đại đa số quần chúng nhân dân. CNXH mà chúng ta đang xây dựng là xã hội mang tính nhân văn và mục tiêu bao quát vẫn là vì nhân dân lao động.
Với những quan điểm nhân văn như trên, một lần nữa có thể khẳng định: Đi lên CNXH ở Việt Nam là lựa chọn đúng đắn và tất yếu. Thực tiễn đổi mới và xây dựng CNXH cũng làm rõ hơn khả năng bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa để tiến lên CNXH. “Con đường đi lên của nước ta là sự phát triển quá độ lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa, tức là bỏ qua việc xác lập vị trí thống trị của quan hệ sản xuất và kiến trúc thượng tầng tư bản chủ nghĩa, nhưng tiếp thu, kế thừa những thành tựu mà nhân loại đã đạt được dưới chế độ tư bản chủ nghĩa, đặc biệt về khoa học và công nghệ, để phát triển mạnh mẽ lực lượng sản xuất, xây dựng nền kinh tế hiện đại” .
Có thể thấy, trong hoàn cảnh lịch sử mới, tuy gặp nhiều khó khăn nhưng chúng ta vẫn tin tưởng xây dựng thành công CNXH trên tinh thần và tâm thế của một dân tộc tự lực, tự cường, không ỷ lại vào bên ngoài. Trong bối cảnh của toàn cầu hóa và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Đảng và nhân dân ta vẫn thể hiện được sự trưởng thành vượt bậc về chính trị, tư tưởng và giành được nhiều thành tựu trong việc xây dựng đất nước, tiếp tục trụ vững và tiến lên phía trước. Mục tiêu và lý tưởng về CNXH vẫn sáng ngời chân lý. CNXH vẫn là ngọn cờ, là động lực mạnh mẽ của cách mạng Việt Nam trong thời kì mới, đặc biệt là trong gian đoạn triển khai và thực hiện theo tinh thần của Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng trong thời gian tới./.
Nguyễn Văn Bé (Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam – Chi nhánh Bạc Liêu)