Các công ty dầu khí lớn nhất của khu vực châu Á đang rục rịch tham gia vào một cuộc đua cắt giảm đầu tư của ngành dầu lửa toàn cầu trong năm 2015 để ứng phó với giá dầu giảm. Tờ Wall Street Journal cho rằng, sự cắt giảm đầu tư này đặt ra nguy cơ đối với tăng trưởng sản lượng dầu tại châu Á - khu vực “đói” năng lượng của thế giới.
Ảnh minh họa
Theo các báo cáo, tập đoàn dầu khí quốc gia Pertamina của Indonesia cho biết có thể cắt giảm 50% vốn đầu tư trong năm nay. Tập đoàn PTT Exploration and Production của Thái Lan dự kiến cắt giảm vốn đầu tư trong 5 năm xuống còn 24,3 tỷ USD từ mức 27 tỷ USD ban đầu. Hãng dầu quốc doanh Petronas của Malaysia mới đây tuyên bố dự định cắt giảm vốn đầu tư cơ bản ở mức 15-20% trong năm nay.
Hai “gã khổng lồ” quốc doanh CNOOC và PetroChina của Trung Quốc cũng có dự định cắt giảm đầu tư ở 30%.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (EIA) ước tính, châu Á cần đầu tư 3,33 nghìn tỷ USD vào ngành dầu khí trong thời gian từ 2014-2035 để duy trì sản lượng dầu khí ở mức hiện tại. Tuy nhiên, với giá dầu dưới 50 USD/thùng, nhiều mỏ dầu sẽ chỉ đem lại thua lỗ nếu tiếp tục được rót vốn đầu tư. Chẳng hạn, theo ước tính của chuyên gia, một số mỏ dầu ở Malaysia, nước xuất khẩu ròng dầu lớn nhất châu Á, phải cần tới mức giá dầu 70 USD/thùng mới hòa vốn.
Theo nhiều chuyên gia, nhìn chung, các công ty dầu quốc doanh tại khu vực châu Á có thể cắt giảm đầu tư cơ bản từ 15-30% trong năm 2015. Những năm trước, các công ty này chi khoảng 120 tỷ USD để đầu tư mỗi năm, chiếm 1/5 tổng vốn đầu tư của ngành dầu khí toàn cầu. Bên cạnh đó, các dự án dầu khí lớn ở khu vực châu Á của các công ty dầu lửa đa quốc gia như Chevron có thể bị hoãn lại.
“Ba tháng tới đây sẽ là quãng thời gian quan trọng đối với các tập đoàn dầu khí lớn. Mức giá dầu trong khoảng thời gian đó sẽ quyết định họ cắt giảm đầu tư bao nhiêu”, ông Shun Ling Yap, nhà phân tích dầu khí thuộc Business Monitor International, đánh giá. Chuyên gia Yap ước tính, khi các công ty dầu khí giảm đầu tư vào cả hoạt động thăm dò và khai thác các mỏ hiện có, sản lượng dầu của khu vực châu Á-Thái Bình Dương có thể đạt đỉnh 8,5 triệu thùng/ngày vào năm 2016, chiếm gần 10% sản lượng dầu toàn cầu, rồi sau đó giảm dần.
Sự cắt giảm đầu tư vào ngành dầu khí ở châu Á là hệ quả tất yếu của làn sóng giảm đầu tư vào ngành dầu khí trên quy mô toàn cầu, sau khi giá dầu đã giảm hơn 50% giá trị trong nửa năm qua. Cho đến thời điểm hiện tại, các tập đoàn dầu khí đa quốc gia đã mạnh tay cắt giảm đầu tư như một phản ứng tất yếu trước việc giá dầu giảm dưới 50 USD/thùng. Các hãng dầu khí lớn bao gồm BP và Shell đã tuyên bố cắt giảm đầu tư tổng cộng hơn 40 tỷ USD và nói sẽ tiếp tục cắt giảm đầu tư nếu giá dầu không có sự phục hồi đáng kể. Riêng Tập đoàn Royal Dutch Shell tuyên bố giảm đầu tư 15 tỷ USD trong vòng 3 năm tới. ConocoPhillips nói sẽ giảm đầu tư cơ bản 15%, sau khi đã tuyên bố cắt giảm ngân sách 20% vào tháng 12. Cách đây ít ngày, tập đoàn Total của Pháp cũng tuyên bố sẽ cắt giảm 10% ngân sách đầu tư năm 2015. Tập đoàn Chevron của Mỹ tạm dừng vô thời hạn một dự án khí đốt nước sâu trị giá 12 tỷ USD ở Indonesia vào tháng 9 năm ngoái. Các công ty dầu lửa hoạt động ở vùng biển Bắc của Anh - nơi các dự án mới cần giá dầu trên mức 75 USD/thùng mới hòa vốn - đang đi đầu trong việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư.
Một hệ lụy tất yếu của sự cắt giảm đầu tư là việc sa thải lao động trong ngành khai thác dầu. Hiện nay, các đợt sa thải của ngành dầu khí mới chỉ tập trung chủ yếu ở Mỹ, nơi các mỏ dầu đá phiến được coi là một “thủ phạm” khiến thế giới thừa mứa dầu.
Tại khu vực biển Bắc, số việc làm bị cắt giảm trong ngành dầu khí hiện đã vượt con số 11.500. Theo dự báo, sẽ có thêm 30.000 người nữa mất việc. CEO Bob Dudley của BP mới đây đã đưa ra những cảnh báo u ám về tương lai khu vực này.
Tập đoàn dầu mỏ Total sẽ giảm khoảng 2.000 người, chủ yếu thông qua việc dừng tuyển dụng. Thông báo này đến sau thông báo của tập đoàn nhỏ hơn là Apache Corp về việc giảm số dàn khoan từ 91 xuống 27, một trong những cách để giảm đầu tư.
Petroleos Mexicanos, công ty dầu khí quốc doanh của Mexico với 153.000 nhân viên, đã hứa bảo vệ nhân viên trong cuộc khủng hoảng. Tuy vậy, công ty này đã bắt đầu cắt giảm các hợp đồng và hoạt động mua sắm trong năm nay nhằm tiết kiệm số tiền 2-3 tỷ USD. Hiện nay, đang có khoảng 8.000 công nhân viên của Petroleos Mexicanos không có việc làm.
Tại Australia, các công nhân và kỹ sư dầu khí đang lo không biết chừng nào thì đợt sa thải lớn này dừng lại. Nhân sự ngành dầu khí Australia chịu ảnh hưởng đặc biệt mạnh. Ngoài ra, lực lượng lao động trong ngành khai mỏ than của nước này cũng đang bị cắt giảm do tốc độ tăng trưởng của ngành đi xuống. Các công ty năng lượng gồm BG Group và Woodside Petroleum đã chi khoảng 70 tỷ USD để xây dựng nhà máy xuất khẩu khí hóa lỏng ở Australia. Giờ đây, các dự án này đang bị hoãn lại hoặc đóng cửa, khiến hàng loạt công nhân và kỹ sư bị sa thải.
Giới phân tích cho rằng các quyết định cắt giảm đầu tư của các tập đoàn dầu khí là yếu tố có tác động tích cực đến thị trường trong dài hạn, nhưng sẽ không góp phần đáng kể vào việc giải quyết tình trạng dư cung trong ngắn hạn./.
Theo Chinhphu.vn