Trong chuyến công tác một số tỉnh Tây Nguyên, phóng viên rất bất ngờ vì chỉ có con đường duy nhất đi Gia Lai nhưng lại có quá nhiều trạm thu phí. Chỉ tính riêng Quốc lộ 14 sẽ phải qua 6 trạm thu phí tại Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông với mức phí của trạm từ 15.000 đồng – 35.000 đồng đối với xe 7 chỗ. Chưa hết, khi qua 2 tỉnh Bình Dương, Bình Phước (đường ĐT 741, quốc lộ 13 và một phần của quốc lộ 14) tài xế còn phải đóng thêm năm trạm thu phí trên tuyến đường này.
Sấp vé sau chuyến đi từ TP. HCM đi Tây Nguyên (Ảnh: Nguyễn Lánh)
“Mỗi năm tôi phải đóng hơn 1,5 triệu đồng phí bảo trì đường bộ cho chiếc ô tô 7 chỗ, tưởng sẽ giảm các khoản phí khác, ai ngờ trạm vé thì dày đặc, giá vé nhiều lúc cao hơn tiền xăng”, ông Lê Hải Dương, tài xế xe khách cho biết.
Dày đặc trạm thu phí trên quốc lộ 14 (Ảnh: Nguyễn Lánh)
Cũng theo ông Dương từ đầu tỉnh Đắk Nông đến Bến xe Miền Đông – TP. HCM (Quốc lộ 14 và Quốc lộ 13) chỉ khoảng 330 km nhưng có tới 7 trạm thu phí ở Đắk Nông (2), Bình Phước (2) và Bình Dương (3). Như vậy, trung bình chỉ hơn 40 km có một trạm thu phí. Đặc biệt, một số trạm thu phí ở khoảng cách giữa 2 trạm chưa đến 20 km.
Từ TP. HCM đi Tây Nguyên (đến Gia Lai) phải qua 11 trạm thu phí (Ảnh: Nguyễn Lánh)
Người dân nơi đây cho rằng Quốc lộ 14 bố trí nhiều trạm thu phí BOT là chưa hợp lý so với điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn của Tây Nguyên. “Nhà nước nên cân nhắc, giảm bớt các trạm thu phí, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng” chị Hồ Thị Hoài Thu (thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê, Gia Lai) cho biết.
Quốc lộ 14, tuyến đường quan trọng nhất của Tây Nguyên, nhưng lại có tới 6 trạm thu phí, với tần suất trạm thu phí dày đặc như vậy, liệu có ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của toàn vùng.
Dự án bị điều chỉnh thời gian thu phí nhiều nhất là công trình mở rộng Quốc lộ 1 đoạn km1488 - km1525 tỉnh Khánh Hòa (giảm 13 năm 1 tháng 12 ngày). Kế đến là dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh (QL14) đoạn km1793+600 (km734+600) đến km1824+00 (km1765+00), tỉnh Đắk Nông giảm 12 năm 3 tháng 22 ngày; dự án xây dựng đường nối từ đường Nguyễn Duy Trinh vào Khu công nghiệp Phú Hữu, Q.9 (TPHCM) giảm 11 năm... Một số dự án lớn BOT tăng tổng vốn lên 100%, như dự án cải tạo nâng cấp Quốc lộ 18 Uông Bí - Hạ Long, điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư từ 1.318 tỷ lên 2.838 tỷ đồng; dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, tăng từ 24.567 tỷ đồng lên 45.522 tỷ đồng. Các dự án đều tồn tại, sai sót về khối lượng, định mức, đơn giá. KTNN kiến nghị xử lý tài chính hơn 1.358 tỷ đồng.
Nguyễn Lánh - Hải Dương