Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số Lê Hoàng Oanh
Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số Lê Hoàng Oanh.

Xin bà cho biết về công tác đồng hành, hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, địa phương… đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số thời gian qua?

Tại QĐ số 645/2020/QĐ-TTg ngày 15/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, DN được xác định rõ là lực lượng nòng cốt triển khai ứng dụng TMĐT. Công tác đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, địa phương trong việc ứng dụng TMĐT và công nghệ số là rất quan trọng trong việc “Hỗ trợ, thúc đẩy việc ứng dụng rộng rãi TMĐT trong DN và cộng đồng” và “Thu hẹp khoảng cách giữa các thành phố lớn và các địa phương về mức độ phát triển TMĐT”.

Thời gian qua, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã tích cực, chủ động triển khai một loạt các nhóm hoạt động để hoàn thành các mục tiêu trên.

Theo đó, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã tổ chức hàng trăm lớp tập huấn, hội nghị, hội thảo về pháp luật TMĐT cho doanh nghiệp và sinh viên các địa phương. Riêng năm 2022, Cục đã tổ chức 63 lớp đào tạo cho khoảng 10.000 học viên; phối hợp với nhiều đơn vị đào tạo trong cả nước như ĐH Thủy Lợi, ĐH Hoa Sen, ĐH Thương mại… triển khai các lớp đào tạo kỹ năng TMĐT với sự tham dự của hơn 1.000 đại biểu là giảng viên, sinh viên.

Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số tăng cường phổ biến thông tin, nâng cao nhận thức, khuyến khích người dân sử dụng TMĐT thông qua Chương trình Ngày mua sắm trực tuyến - Online Friday thường niên (Ngày Online Friday 2022 thu hút 250 triệu lượt tương tác trên các mạng xã hội, trên 5 triệu đơn hàng được thực hiện thành công trong 60h diễn ra sự kiện).

Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã phát triển các giải pháp về thanh toán điện tử, thẻ thông minh, Trục phát triển hợp đồng điện tử Việt Nam, truy xuất nguồn gốc xuất xứ sản phẩm... Các giải pháp này, đóng vai trò thiết lập hạ tầng, tạo môi trường giúp các DN ứng dụng TMĐT và công nghệ số. Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số triển khai Chương trình hỗ trợ DNNVV ứng dụng TMĐT quốc gia - GoOnline.gov.vn giai đoạn 2021 - 2025 với mục tiêu hỗ trợ được 200.000 doanh nghiệp ứng dụng TMĐT. Chương trình cung cấp 8 nhóm giải pháp giúp DNNVV chuyển đổi số như: Tối ưu quy trình vận hành nâng cao năng suất (các giải pháp quản lý nhân sự, quản lý công việc, thư điện tử...); tiết kiệm chi phí quản lý và sản xuất (quản lý dây chuyển sản xuất, quản lý đơn hàng, quản lý kênh bán hàng); thúc đẩy doanh số bán hàng (quảng cáo trực tuyến, bán hàng đa kênh, phát triển thương hiệu số,...).

Công tác thúc đẩy phát triển TMĐT tại địa phương, đẩy mạnh kết nối theo vùng, thúc đẩy liên kết vùng để tiêu thụ nông sản, thực phẩm, đặc sản địa phương qua phương thức TMĐT, nổi bật như các chương trình kết nối TMĐT cho các tỉnh, thành phố tiêu thụ sản phẩm “Tuần lễ Nông sản Việt”, “Ngày đặc sản Sơn La”, “Ngày hội xứ Dừa - Đặc sản Bến Tre”, Lễ hội vải thiều Hải Dương, Bắc Giang… Thông qua các hoạt động này, Cục TMĐT và kinh tế số đã góp phần đưa hàng trăm sản phẩm đặc sản địa phương, sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu lên Gian hàng Việt trực tuyến.

Gian hàng của “Tuần lễ Nông sản Việt” với nhiều loại nông sản của các tỉnh, thành
Gian hàng của “Tuần lễ Nông sản Việt” với nhiều loại nông sản của các tỉnh, thành.

Cục TMĐT và KTS cũng triển khai các chương trình hợp tác về TMĐT xuyên biên giới với các đối tác/Sàn TMĐT quốc tế lớn để hỗ trợ DN Việt xuất khẩu. Thông qua các chương trình hợp tác, các sản phẩm đặc sản Việt Nam, do DN sản xuất có thể xuất khẩu qua TMĐT với các hình thức B2B, B2B2C đến với nhiều quốc gia.

Bên cạnh đó, Cục TMĐT và KTS sẽ đẩy mạnh thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động TMĐT; công tác phòng chống hàng giả, hàng nhái, phòng chống thất thu thuế trong TMĐT nhằm tạo môi trường công bằng, bình đẳng cho các DN khi kinh doanh trực tuyến.

Kết quả công tác này đạt được đến đâu và còn có những khó khăn, vướng mắc, tồn tại gì?

Năm 2022, theo điều tra, khảo sát của Bộ Công Thương, doanh thu TMĐT bán lẻ tại Việt Nam tăng trưởng 20% so 2021, đạt 16,4 tỷ USD, chiếm 7,5% doanh thu bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng cả nước. Mặc dù tỷ lệ tăng trưởng hằng năm nhanh; song dư địa và tiềm năng để TMĐT tại Việt Nam phát triển còn nhiều bởi các lý do sau.

Thứ nhất, tỷ lệ dân số trẻ cao, thu nhập và mức sống của người dân ngày càng được cải thiện. 78% người dùng Internet tại Việt tham gia mua sắm trực tuyến (tương đương khoảng 57 triệu người) tập trung ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP. HCM, Đà Nẵng.

Thứ hai, 93% DN nhận thức được tầm quan trọng của TMĐT; 58% DN ứng dụng TMĐT trong hoạt động SXKD; 44% DN sở hữu website nhằm xây dựng uy tín, quảng bá thương hiệu, quảng cáo, tiếp thị, giới thiệu sản phẩm, dịch vụ và mở rộng khả năng tương tác, phản hồi từ khách hàng.

Với tiềm năng và dư địa để phát triển lớn như vậy, cùng với khuôn khổ pháp lý ngày càng hoàn thiện, dự báo TMĐT Việt Nam có thể đạt quy mô 49 tỷ USD vào năm 2025.

Tuy nhiên, theo Báo cáo chỉ số TMĐT năm 2022 của Hiệp hội TMĐT Việt Nam, TP. HCM và Hà Nội có Chỉ số TMĐT dẫn đầu cả nước (với 90,6 và 85,4 điểm), cách biệt khá xa so Chỉ số TMĐT của các địa phương khác. Trung bình tổng giao dịch TMĐT của cả 2 thành phố trên chiếm khoảng 70% tổng giao dịch TMĐT B2C cả nước. Nguyên nhân của việc TMĐT giữa các địa phương phát triển chưa đồng đều, đến từ nhiều yếu tố: Trình độ ứng dụng công nghệ thông tin của DN, hạ tầng logistics, hạ tầng thanh toán, quy mô dân số...

Bên cạnh đó, việc phát triển TMĐT nhanh chóng, cũng đặt ra một số khó khăn trong công tác quản lý hoạt động TMĐT.

Trước hết, khó khăn trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên môi trường TMĐT. Hiện nay, tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ vẫn tồn tại; vi phạm trên môi trường TMĐT dễ thực hiện và khó phát hiện, khó xử lý hơn so trước đây. Người tiêu dùng không được tiếp xúc với sản phẩm trực tiếp trước khi mua hàng, do vậy quyết định mua hàng phụ thuộc vào thông tin đưa đăng tải trên mạng dẫn đến bị hạn chế trong việc đánh giá sản phẩm, dễ bị lừa đảo, hoặc là thông tin hàng hóa mặc dù đúng, nhưng giao hàng không đúng... Trong khi đó, việc phát hiện, xử lý hành vi vi phạm, cần sự phối hợp của nhiều cơ quan chức năng.

Khó khăn về nhận thức của người tiêu dùng về TMĐT. Người tiêu dùng nhiều nơi, còn chưa quen với việc mua sắm qua kênh TMĐT. Nhận thức của người tiêu dùng về TMĐT có sự khác biệt lớn giữa khu vực nông thôn và các thành phố; nguồn nhân lực triển khai TMĐT chất lượng tại địa phương còn hạn chế, cũng ảnh hưởng đến kết quả của công tác phát triển TMĐT tại địa phương.

Khó khăn về đổi mới quy trình công nghệ quản lý. Quản lý kho và hàng hóa của các nhà sản xuất thường theo mô hình phân phối bán buôn truyền thống. Để ứng dụng TMĐT hướng đến các mô hình bán trực tiếp cho khách hàng lẻ, hoặc quản lý luồng đại lý đưa hàng đến khách hàng cuối, DN phải đầu tư, chuyển đổi quy trình, ứng dụng công nghệ và các quy trình hợp tác mới. Việc chuyển đổi mô hình quản lý là rất khó khăn đối với các DNNVV, nhất là các hộ nông dân, hộ kinh doanh cá thể phân phối nông sản.

Phương thức cạnh tranh trên thị trường, chủ yếu dựa vào khuyến mại, giảm giá. Cạnh tranh bằng tín nhiệm người bán hàng, chất lượng sản phẩm còn chưa phổ biến. Tình trạng này, về lâu dài, sẽ khiến thị trường phát triển không lành mạnh, thiếu bền vững, hạn chế sự lớn mạnh của các nhà sản xuất uy tín.

Theo bà, để công tác này đạt được hiệu quả cao hơn, Nhà nước, cũng như các ban, ngành chức năng liên quan cần có những chính sách gì?

Để giải quyết những khó khăn về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên môi trường TMĐT, kiểm soát hàng giả hàng nhái, hàng kém chất lượng, Cục TMĐT và KTS tiếp tục thực hiện:

Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật các quy định mới theo NĐ số 85/2021/NĐ-CP ngày 25/9/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều NĐ số 52/2013/NĐ-CP ngày 16/5/2013 của Chính phủ về TMĐT; làm tốt công tác quản lý, giám sát, thực thi pháp luật TMĐT; đẩy mạnh công tác phối hợp thanh tra, kiểm tra nhằm loại bỏ các DN, nhà bán hàng TMĐT không uy tín.

Để đạt được hiệu quả cao nhất trong công tác này, Cục TMĐT và KTS cần sự phối hợp của các ban, ngành chức năng liên quan như BCĐ389/QG, Tổng cục Thuế...

Cùng với đó, các DN, cơ sở sản xuất, địa phương cần liên tục cập nhật các chính sách, pháp luật, nâng cao kiến thức về TMĐT thông qua các chương trình đào tạo; sử dụng tối đa các lợi ích mà các chương trình phát triển và giải pháp, hạ tầng công nghệ ứng dụng TMĐT mang lại. Ngoài ra, với sự phát triển nhanh chóng, mạnh mẽ của công nghệ số, DN cần thường xuyên cải tiến quy trình vận hành, mở rộng các mô hình kinh doanh mới, các hình thức mua sắm mới của người tiêu dùng (ví dụ như mua sắm trên mạng xã hội, mua sắm qua thực tế ảo…) để không bị tụt hậu so với thị trường.

Trân trọng cảm ơn bà!

Hà Thu (Thực hiện)