Từ việc hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ, thanh toán không dùng tiền mặt ở các lĩnh vực, đến xây dựng các trang thương mại điện tử tiêu thụ nông sản… Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, thương mại điện tử càng được thúc đẩy mạnh mẽ để phát triển.

Trong 63 tỉnh, thành phố, Hà Nội được đánh giá là một trong các thị trường phát triển thương mại điện tử năng động nhất. Nhiều năm qua, Hà Nội luôn xếp thứ hai cả nước về Chỉ số thương mại điện tử. Một số giải pháp nổi bật có thể kể tới là Sở Công Thương phối hợp Bộ Công Thương thông tin, chuyển giao công nghệ, kết nối doanh nghiệp với các trang thương mại điện tử xuyên biên giới nhằm xuất khẩu hàng hóa. Để ứng phó với dịch bệnh và thông qua các chương trình kích cầu, các doanh nghiệp đã phát triển mạnh mẽ ứng dụng bán hàng, thanh toán trực tuyến. Ngoài ra, Sở Công Thương đã phối hợp với các sở, ngành đẩy nhanh tiến độ xây dựng các trung tâm logistics, trung tâm tiếp vận, hệ thống kho hàng hóa… để hỗ trợ thương mại điện tử phát triển.

Trong năm 2020, thương mại điện tử trên địa bàn thành phố tăng trưởng 30%, với 12.359 website/ứng dụng, đóng góp 8% trong tổng mức bán lẻ của thành phố; hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, góp phần phòng, chống dịch Covid-19.

Hà Nội đặt mục tiêu năm 2021 doanh số thương mại điện tử B2C (giao dịch giữa các doanh nghiệp với người tiêu dùng và tính cho cả hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng trực tuyến) chiếm 8% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn thành phố; tỷ lệ dân số Hà Nội tham gia mua sắm trực tuyến dự kiến đạt 45%; 60% các giao dịch mua hàng trên website/ứng dụng thương mại điện tử có hóa đơn điện tử; 85% các đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông và truyền thông triển khai hợp đồng điện tử với người tiêu dùng.

Thành phố cũng phấn đấu 70% website thương mại điện tử có tích hợp chức năng đặt hàng trực tuyến; 40% doanh nghiệp vừa và nhỏ tiến hành hoạt động kinh doanh trên các sàn giao dịch thương mại điện tử, bao gồm mạng xã hội có chức năng sàn giao dịch thương mại điện tử; 30% doanh nghiệp tham gia hoạt động thương mại điện tử trên các ứng dụng di động; đặc biệt 100% số chuỗi liên kết sản xuất, cung ứng nông sản thực phẩm an toàn tham gia Hệ thống thông tin điện tử sử dụng mã QRcode truy xuất nguồn gốc.

Hà Nội đặt mục tiêu năm 2021 sẽ có 45% người dân tham gia mua sắm trực tuyến
Hà Nội đặt mục tiêu năm 2021 sẽ có 45% người dân tham gia mua sắm trực tuyến

Theo Sở Công thương Hà Nội, đến nay, hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đã ứng dụng thương mại điện tử, coi thương mại điện tử là một phần không thể thiếu để phát triển sản xuất, kinh doanh.

Bà Trần Thị Phương Lan - Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho biết: Mặc dù hoạt động kinh doanh đang bị ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19 nhưng đây cũng là cơ hội ứng dụng TMĐT vào sản xuất, kinh doanh để vượt qua khó khăn. Xu hướng hiện nay và nhất là trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp thì TMĐT sẽ ngày càng phát triển mạnh mẽ và được coi là lĩnh vực sôi động nhất trong thị trường kinh tế số Việt Nam.

Việt Nam cũng như thế giới, cơ hội để Hà Nội phát triển mạnh mẽ, nhanh chóng và an toàn hơn nữa thị trường thương mại điện tử là hoàn toàn có cơ sở. Vấn đề còn lại chính là nhận ra những thách thức, giải quyết nó bằng những biện pháp cụ thể, chi tiết mà mang tính toàn diện lâu dài nhằm đảm bảo quyền lợi cho cả doanh nghiệp tham gia thị trường và đặc biệt là người tiêu dùng – thành phần cốt yếu của thị trường thương mại điện tử.

Đặc biệt, chúng tôi sẽ nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ cho lực lượng cán bộ chuyên trách về thương mại điện tử; đồng thời tổ chức các hoạt động kích cầu, hỗ trợ xuất khẩu thông qua thương mại điện tử và xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về thương mại điện tử.

Trần Mạnh