Cần biện pháp mạnh ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, hàng giả
Hôm nay, Quốc hội thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2018 (trong đó có kết hợp thảo luận cùng Báo cáo về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2017).
Mở đầu phiên thảo luận, nhiều đại biểu đánh giá cao những kết quả đã đạt được về KT-XH năm 2017 và những tháng đầu năm, qua đó khẳng định những nỗ lực của Chính phủ trong chỉ đạo, điều hành, thực hiện các mục tiêu được Quốc hội giao.
Đại biểu Nguyễn Thanh Xuân (Cần Thơ) đánh giá cao báo cáo của Chính phủ về KT-XH, cho rằng báo cáo có chiều sâu, số liệu đầy đủ, thuyết phục; khẳng định bức tranh KT-XH năm qua rất sáng, mang lại niềm tin cho cử tri và nhân dân. Bên cạnh đó, đại biểu góp ý một số nội dung nhằm phát huy những kết quả đạt được, bảo đảm tăng trưởng bền vững của nền kinh tế; các giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, giải quyết việc làm...
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) đã góp ý một số nội dung về thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn; một số địa phương vẫn còn phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản; một số vấn đề liên quan đến chuyển nguồn vốn đầu tư công; nhiều dự án vẫn còn vượt tổng mức đầu tư; huy động nguồn lực ODA; vấn đề tiếp dân và xử lý đơn thư...
Đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) khẳng định kinh tế đất nước năm 2017 có sự tăng trưởng ngoạn mục, với nhiều điểm sáng, những thành tựu toàn diện đã đạt được khẳng định quyết tâm rất cao của Chính phủ, lãnh đạo Chính phủ và cả hệ thống chính trị... Tuy nhiên, đại biểu cũng chỉ ra những khoảng lặng, những khó khăn, thách thức và góp ý một số giải pháp nhằm bảo đảm tăng trưởng bền vững; nâng cao mức tích lũy của nền kinh tế...
Tiếp đó, các đại biểu đã phát biểu một số vấn đề góp phần cùng Chính phủ xây dựng các giải pháp điều hành cho năm 2018 và những năm tiếp theo như: Đảm bảo tăng trưởng bền vững; thúc đẩy chuyển giao khoa học, công nghệ, nâng cao năng suất lao động; tối giản hóa thủ tục hành chính; khắc phục những hạn chế đầu tư công trong nông nghiệp; sửa đổi mức hạn điền, đẩy mạnh tích tụ ruộng đất để phát triển các vùng chuyên canh lớn trong nông nghiệp;
Đẩy mạnh triển khai các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu; tái cơ cấu nông nghiệp; chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng; phát triển cơ sở hạ tầng vùng ĐBSCL; các giải pháp bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội; xây dựng hình ảnh con người Việt Nam thời hội nhập; xử lý các dự án thua lỗ; chống khai thác cát trái phép; ngăn chặn nạn phá rừng; giải pháp căn cơ để không còn câu chuyện "nông nghiệp giải cứu", "nông nghiệp từ thiện"; phát huy tiềm năng, thế mạnh từng vùng, bảo đảm phát triển đồng đều và phát triển những khu kinh tế động lực của đất nước...
Ghi nhận kết quả đạt được, song đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) cũng thẳng thắn: Cử tri đòi hỏi Chính phủ cần làm nhiều hơn, nhanh hơn, quyết liệt hơn những vấn đề bức xúc đang đặt ra. Trước hết, là suy thoái về đạo đức, kỷ cương chưa nghiêm: Thời gian qua đã xảy ra những chuyện động trời, khó tin, hành vi mất nhân tính như dùng than tre làm thuốc chữa ung thư, cà phê trộn pin, cô giáo bắt trẻ uống nước giặt giẻ lau bảng, hiện tượng bạo hành dã man trẻ em trong các trường mầm non…
ĐBQH Nguyễn Hữu Cầu đề nghị Chính phủ cần làm rõ tăng trưởng cao nhưng thu cân đối ngân sách thiếu hụt
Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu cho rằng,do đạo đức xuống cấp, kỷ cương, kỷ luật không nghiêm nên xảy ra tình trạng trên. Cử tri kiến nghị Quốc hội, Chính phủ cần có giải pháp cứng rắn, mạnh tay trừng trị ngăn chặn, đẩy lùi hành vi mất nhân tính càng sớm càng tốt.
Hậu kiểm của các cơ quan chức năng còn quá ít
Cũng theo đại biểu Nguyễn Hữu Cầu, cử tri phấn khởi kết quả phòng, chống tham nhũng trong thời gian gần đây, nhưng vẫn còn tâm tư với những việc làm thất thoát NSNN, nhất là trong lĩnh vực đất đai, xây dựng cơ bản.
Tình thực hiện sử dụng đất gây thất thoát cho ngân sách, đất để qua nhiều năm không sử dụng, trong khi nhân dân không có đất để sản xuất. Tình trạng dự án treo vẫn xảy ra nhiều, xuất hiện tình trạng đầu cơ, chọn đất vàng để chuyển nhượng làm lợi cá nhân nhưng lại thất thoát tài sản nhà nước. Trong xây dựng cơ bản, cử tri so sánh, nếu xây dựng ngôi nhà mất 650 triệu đồng, trong khi nhà nước xây khoảng 1 tỷ đồng mà chất lượng không bằng của người dân.
Cử tri kiến nghị Nhà nước cần tính toán lại định mức, bù giá, trượt giá, đội giá nếu không sẽ thất thoát hơn. Kiểm toán nhà nước tại các dự án BOT, BT, cổ phần hóa doanh nghiệp, cá biệt như dự án kè sông Kê Sào ở Ninh Bình, điều chỉnh tăng đến 36 lần...
Từ thực tế nêu trên, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu đề nghị Chính phủ giải trình làm rõ thêm 3 vấn đề:
Thứ nhất, tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2017 và những tháng đầu năm 2018 là cao, nhưng thu cân đối ngân sách Trung ương lại thiếu hụt. Theo quy định khoản 2, Điều 56 của Hiến pháp 2013, ngân sách Trung ương giữ vai trò chủ đạo. “Đây là mâu thuẫn, cần có câu trả lời sớm và thỏa đáng”, đại biểu nhấn mạnh.
Ngoài nguyên nhân khách quan là tăng trưởng nước ta phụ thuộc vào doanh nghiệp FDI thì nguyên nhân chủ quan là các luật thuế của chúng ta đang có vấn đề, cơ quan chức năng có vấn đề, hoặc do chúng ta chưa làm hết trách nhiệm. Theo báo cáo kiểm toán năm 2017, tình trạng nộp thuế, kê khai thuế thiếu doanh doanh thu, xác định sai chi phí từ đó tính thiếu thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp khá phổ biến và gây thất thoát cho ngân sách... Việc hậu kiểm của các cơ quan chức năng còn quá ít. “Tôi kiến nghị Chính phủ tập trung chỉ đạo giải quyết tình trạng này”, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu nói.
Thứ hai, tốc độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản còn chậm vốn trái phiếu Chính phủ chậm. Điều này cho thấy, khâu tổ chức thực hiện còn yếu kém tồn tại nhiều năm chưa được khắc phục. Cử tri lo ngại vốn đầu tư ít, nếu kéo dài tình trạng này thì trách nhiệm bộ ngành như thế nào điều này cần làm rõ và xử lý nghiêm.
Thứ ba, đề nghị Chính phủ tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính, phải làm thường xuyên quyết liệt hơn nữa, không để nợ công, nợ thuế, nợ xấu gia tăng gây áp lực cho nền kinh tế.
Với mong muốn tạo thế lực mới cho nền kinh tế đi lên, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu đề nghị, Chính phủ xem xét giải quyết một cách căn bản những vấn đề trên.
GDP tăng cao nhất 10 năm qua:
Báo cáo Chính phủ đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2018 nêu rõ: Thời gian qua kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định; lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4 tháng tăng 2,8%; lạm phát cơ bản tăng 1,34%.
Mặt bằng lãi suất ổn định; tín dụng tập trung cho sản xuất kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên với lãi suất giảm 0,5 - 1%. Tỷ giá, thị trường ngoại hối ổn định; dự trữ ngoại hối nhà nước đạt 63,5 tỷ USD...
Một trong những ”điểm sáng” của nền kinh tế đất nước là tăng trưởng kinh tế (GDP) quý I/2018 đạt 7,38%, cao nhất 10 năm qua.
Điểm nổi bật là cả 3 khu vực đều tăng cao hơn cùng kỳ: Nông nghiệp được mùa, tăng 4,05% (cùng kỳ 2,08%); công nghiệp và xây dựng tăng 9,7% (cùng kỳ 4,48%), trong đó ngành chế biến, chế tạo tăng mạnh 13,56%; dịch vụ tăng 6,7% (cùng kỳ 6,36%)…
Tuy nhiên, Báo cáo của Chính phủ cũng chỉ ra những hạn chế, khó khăn và thách thức: Kinh tế vĩ mô ổn định chưa thật vững chắc. Mặc dù chỉ số giá tiêu dùng tăng thấp nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ lạm phát do nhiều nguyên nhân. Giải ngân vốn đầu tư từ NSNN 4 tháng mới đạt 16,4% dự toán. Cân đối ngân sách trung ương khó khăn; kỷ luật tài chính - NSNN có nơi chưa nghiêm. Một số công trình trọng điểm chậm tiến độ và đội vốn.
Công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch có nơi còn bất cập. Thị trường bất động sản phát triển chưa bền vững. Quản lý tài sản công nhiều nơi còn lỏng lẻo, thất thoát, lãng phí; phát hiện một số vụ việc vi phạm pháp luật nghiêm trọng về quản lý nhà, đất, phải xử lý hình sự. Việc quản lý, kiểm soát các hoạt động thanh toán qua mạng, chuyển tiền còn bất cập.
Quyết liệt thực hiện các đột phá chiến lược
Báo cáo của Chính phủ nhấn mạnh: Tiếp tục thực hiện quyết liệt, hiệu quả các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Chủ động chuẩn bị các điều kiện cần thiết, tận dụng tốt cơ hội của Cách mạng công nghiệp 4.0…
Cơ cấu lại NSNN theo hướng tăng dần tỷ trọng thu nội địa, tỉ trọng chi đầu tư phát triển, giảm tỷ trọng chi thường xuyên; bảo đảm chi an sinh xã hội, phúc lợi xã hội và quốc phòng, an ninh theo dự toán. Tập trung vốn đầu tư công cho các công trình kết cấu hạ tầng trọng điểm…
Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía đông, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Phấn đấu tỉ lệ tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 33-34% GDP; trong đó tỉ trọng vốn đầu tư tư nhân khoảng 41%.
Thu hút có chọn lọc các dự án FDI công nghệ cao, thân thiện môi trường. Đồng thời thực hiện đồng bộ các giải pháp cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Phấn đấu năm 2018 tốc độ tăng trưởng GDP của khu vực nông nghiệp đạt khoảng 3,05%, kim ngạch xuất khẩu vượt 40 tỷ USD; có ít nhất 54 huyện và 39,8% xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Phấn đấu thu hút 15-16 triệu lượt khách quốc tế và tốc độ tăng trưởng GDP của khu vực dịch vụ đạt khoảng 7,4%.
Tập trung triển khai thực hiện các Nghị quyết Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội. Tiếp tục thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công, hoàn thành hỗ trợ nhà ở cho các hộ gia đình người có công, các chính sách an sinh xã hội, các giải pháp giảm nghèo bền vững, nhất là đối với vùng sâu, vùng xa, vùng bị thiên tai, đồng bào dân tộc thiểu số với tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng, miền…
Cùng với đó là tập trung củng cố y tế dự phòng, phát triển y tế cơ sở, y học gia đình. Khẩn trương đưa các bệnh viện trung ương, tuyến cuối vào hoạt động. Đẩy mạnh triển khai tự chủ bệnh viện, chuyển về địa phương theo tinh thần Nghị quyết Trung ương.
Đồng thời, thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ đào tạo, thu hút nhân tài, phát triển giáo dục đào tạo vùng khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số và đối tượng chính sách. Khuyến khích hợp tác giữa cơ sở đào tạo, nghiên cứu và doanh nghiệp. Hỗ trợ phát triển khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Tổ chức thực hiện hiệu quả các chính sách phát triển văn học nghệ thuật, đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức và phát triển công nghiệp văn hóa. Bảo tồn, phát huy các giá trị, di sản văn hóa dân tộc, truyền thống tốt đẹp. Đẩy mạnh xã hội hoá hoạt động văn hoá, khuyến khích sáng tạo nghệ thuật.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp, đa dạng hóa các hình thức truyền thông, giáo dục để ngăn chặn suy thoái đạo đức, lối sống.
Hoan Nguyễn