Tham gia góp ý, ĐBQH Phạm Thị Xuân, công chức Huyện ủy Quan Hóa, Đoàn ĐBQH Thanh Hóa cơ bản nhất trí với dự thảo Luật và tán thành với các nội dung tại Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Công chứng sửa đổi.
Để hoàn thiện hơn dự thảo Luật, đại biểu Phạm Thị Xuân đã tham gia góp ý một số ý kiến đó là: Về khái niệm công chứng viên (khoản 2 Điều 2) và chức năng của công chứng viên (Điều 3). Theo đó, dự thảo Luật tiếp tục kế thừa Luật Công chứng hiện hành về quy định chức năng xã hội của công chứng viên. Tuy nhiên, qua nghiên cứu, đại biểu Phạm Thị Xuân cho rằng chức năng xã hội này cũng chính là một trong những đặc điểm riêng có của công chứng viên, đó là cung cấp dịch vụ công do Nhà nước ủy nhiệm để bảo đảm an toàn pháp lý đối với các giao dịch.
Do đó, đề nghị cần gắn chức năng này tại giải thích khái niệm về công chứng viên theo hướng chuyển toàn bộ nội dung của Điều 3, ghép vào khoản 2 Điều 2 và chỉnh lý lại như sau: “2. Công chứng viên là người có đủ tiêu chuẩn theo quy định của Luật này, được Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm để hành nghề công chứng và thực hiện một số việc chứng thực theo quy định của pháp luật về chứng thực.
Công chứng viên cung cấp dịch vụ công do Nhà nước ủy nhiệm thực hiện nhằm bảo đảm an toàn pháp lý cho các bên tham gia giao dịch; phòng ngừa tranh chấp; góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức; ổn định và phát triển kinh tế - xã hội”.
Tại khoản 4 Điều 4 quy định một trong những nguyên tắc hành nghề công chứng là “4. Chịu trách nhiệm trước pháp luật và người yêu cầu công chứng về văn bản công chứng mà mình thực hiện”. Theo đại biểu Phạm Thị Xuân cho rằng, đây không phải là nguyên tắc hành nghề công chứng mà là nghĩa vụ của công chứng viên khi hành nghề công chứng. Và khi đối chiếu với nghĩa vụ của công chứng viên thì đại biểu thấy điểm k khoản 2 Điều 16 cũng quy định gần như tương tự khoản 4 Điều 4, đó là “k) Chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước người yêu cầu công chứng về văn bản công chứng mà mình thực hiện”.
Theo đại biểu, một quy định thì không nên xuất hiện ở 2 điều khoản khác nhau trong cùng một văn bản, vì như vậy là chồng chéo trong chính văn bản quy phạm pháp luật đó. Vì vậy, đề nghị lược bỏ quy định tại khoản 4, Điều 4 và giữ quy định này tại điểm k khoản 2 Điều 16.
Tại điểm l, khoản 2, Điều 16 quy định về trách nhiệm của công chứng viên đối với hoạt động của Văn phòng công chứng, hiện nay dự thảo đang dự kiến 2 phương án:
Phương án 1: Công chứng viên chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động của Văn phòng công chứng mà mình là thành viên hợp danh hoặc chủ doanh nghiệp tư nhân.
Phương án 2: Công chứng viên chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động của Văn phòng công chứng mà mình là thành viên hợp danh.
Theo đại biểu Phạm Thị Xuân cho rằng không cần thiết phải tính 2 phương án trong trường hợp này, vì ở đây công chứng viên chỉ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động của Văn phòng công chứng mà mình là thành viên hợp danh. Còn với trường hợp là chủ doanh nghiệp tư nhân thì đương nhiên chủ doanh nghiệp tư nhân phải chịu trách nhiệm về hoạt động của văn phòng/doanh nghiệp mà mình làm chủ và nội dung này thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp; pháp luật cũng đã có quy định đầy đủ về trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền hạn của chủ doanh nghiệp tư nhân. Như vậy, tại Luật này không cần phải quy trách nhiệm với trường hợp công chứng viên là chủ doanh nghiệp tư nhân.
Đối chiếu với tổng thể nghĩa vụ của công chứng viên tại khoản 2 Điều 16, đại biểu nhận thấy, có thể ghép điểm k và l để quy định vừa gọn, vừa thông suốt và thực sự gắn với trách nhiệm của công chứng viên. Do đó, đề nghị chỉnh lý lại như sau:
“k) Chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước người yêu cầu công chứng về văn bản công chứng mà mình thực hiện và về hoạt động của Văn phòng công chứng mà mình là thành viên hợp danh".
Khánh An