Thiếu nước sạch ngay vùng sông nước.
Tại Hậu Giang, toàn thị trấn Mái Dầm (H. Châu Thành) có khoảng 2.000 hộ dân thì chỉ có 200 hộ được dùng nước máy, 1.800 hộ khác còn phải dùng nước giếng khoan. Muốn có nước sử dụng phải lọc qua nhiều thứ lọc qua nhiều lớp, vẫn có màu vàng đục. Bà Huỳnh Kim Tỏa, một người dân địa phương cho biết: “Nhiều lúc xài, nước nó vàng như nghệ, hứng chừng 15 - 20 phút mới trong lại. Ngày nào cũng thế, lâu lâu có cả trùng chỉ và vẩn đục, cố gắng xài chứ biết làm sao”.
Nhiều hộ dân vẫn còn sử dụng nước khoan giếng tại Hậu Giang.
Còn ở Bến Tre, hồ chứa nước mưa tại huyện Ba Tri với trữ lượng hơn 700.000 m3 nhưng vẫn chưa triển khai được nhà máy để lắp đặt hệ thống dẫn nước đến phục vụ người dân. Mùa khô năm nay, toàn huyện có trên 40% trong tổng số hơn 200.000 dân thiếu nước sạch. Đây cũng là tình hình chung tại nhiều địa phương ven biển vùng ĐBSCL khi mà tình hình hạn hán, xâm nhập mặn vẫn còn diễn biến phức tạp.
Còn tại Bạc Liêu, điểm nóng nhất có lẽ là thị trấn Gành Hào, là thị trấn huyện lị của huyện Đông Hải nhưng thực tế đến nay, người dân vẫn chờ đợi một nhà máy nước. Gần 20.000 người dân của thị trấn này vẫn trong tình trạng sử dụng nước khoan giếng và nước mưa. Đã từng có một công ty đầu tư nước sạch nhưng đành “bỏ chạy” vì thu không đủ chi. UBND tỉnh này đã có nhiều kêu gọi nhưng thực tế đến nay vẫn chưa có trạm cấp nước đúng nghĩa và các hộ dân đang trong cảnh “khát” nước sạch.
Nhà máy nước Đông Hải tại trị trấn Gành Hào (Bạc Liêu) đã dừng hoạt động do thu không đủ chi.
Ngay cả ở Cần Thơ, nước sạch vẫn còn là điều xa xỉ với nhiều người. Theo báo cáo của Sở Xây dựng thành phố này, hiện tại trên toàn địa bàn có 5 Công ty CP cấp nước với 12 nhà máy đang hoạt động với tổng công suất hơn 164.000m3/ngày đêm. Mới nhất là thành phố đã kêu gọi được công ty CP cấp nước Sài Gòn - Cần Thơ thực hiện nhà máy có công suất 50.000m3/ngày đêm. Hiện tại, tỷ lệ người dân được sử dụng nước máy đã tiệm cận con số 90%. Như vậy, nghĩa là 10% dân số tại TP trực thuộc trung ương này vẫn còn xài nước chưa qua xử lý.
Chưa chủ động liên kết.
Theo thống kê, tại khu vực nông thôn ở ĐBSCL, chỉ có khoảng một nửa tỷ lệ người dân được sử dụng nước từ các nhà máy nước. Cụ thể là từ 46 - 50%. Giữa các tỉnh thành cũng có sự chênh lệch rất lớn: Ví dụ ở Sóc Trăng có 89,9% người dân được dùng nước máy, còn ở Hậu Giang, con số này chỉ là 23%. Tại khu vực đô thị, tỷ lệ này có khả quan hơn một chút: gần 90% người dân được dùng nước do các nhà máy nước cung cấp. Tuy nhiên, một số tỉnh như Bến Tre, cũng chỉ có khoảng một nửa dân số ở đô thị được cấp nước máy.
Tại Hậu Giang, nhà máy nước Aqua One đạt tiêu chuẩn quốc tế về chất lượng nước, được Thủ tướng quy hoạch là nhà máy nước vùng. Công suất thiết kế đơn vị này lên đến 600.000m3/ngày đêm. Tuy nhiên, thực tế, nhà máy này đang chỉ hoạt động bằng 1/6 công suất, giá bán nhà nước quy định và mỗi ngày bán không đến 1%. Ông Tạ Đình Nguyên, TGĐ Nhà máy nước Aqua One cho biết: “Nguyên nhân nhà do các mạng lưới hạ tầng chưa đồng bộ. Hiện công ty đang lập kế hoạch cụ thể để liên kết trong toàn tỉnh và các tỉnh, thành lân cận”.
Quản lí chồng chéo đang khiến cho các nhà máy nước gặp khó trong quản lý.
Còn tại Bạc Liêu, điều rõ nhất là ngay tại TP. Bạc Liêu, việc nước sinh hoạt cho người dân cũng gặp nhiều chồng chéo. Các phường thì do Công ty CP Cấp nước Bạc Liêu (BAWACO) phụ trách, còn 3 xã Vĩnh Trạch, Vĩnh Trạch Đông, Hiệp Thành thì do Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đảm nhận. Chính vì thế khó có một con số cụ thể về tỷ lệ người dân có nước sạch sinh hoạt. Theo ông Võ Minh Trang, Tổng giám đốc BAWACO thì “hiện tại riêng các phường trong đô thị tại TP. Bạc Liêu đã bao phủ được 95% hộ dân, số hộ còn lại đang trong lộ trình nhưng gặp khó bởi chi phí vì hộ dân còn ở rải rác”.
Những con số cho thấy "cơn khát" nước sạch của người dân ĐBSCL trong những ngày mùa khô đang quả thật gay gắt. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này một phần do điều kiện thiên nhiên nhưng chủ yếu lại là hệ thống cấp nước tại các khu vực này đã quá lạc hậu, công tác quản lý chồng chéo giữa các nhà cung cấp. Một số nơi loay hoay tìm mọi cách nhưng chưa thu hút được nhà đầu tư vì nhiều lí do khác nhau. Vì thế, bài toán nước sạch tại ĐBSCL cần có giải pháp hiệu quả và đồng bộ trong thời gian tới.
Theo báo cáo của Sở Xây dựng TP. Cần Thơ, nhu cầu sử dụng nước sạch tại thành phố này đến năm 2020 là 325.000m3/ngày đêm, con số này nâng lên 525.000m3/ngày đêm năm 2030. Hướng đến mục tiêu 95% cho các quận nội thành và 80% đối với các huyện người dân được dùng nước sạch vào năm 2020.
Diệu Dương