Cơ quan Trung ương của Hiệp hội Chống hàng giả & Bảo vệ thương hiệu Việt Nam
  • Click để copy

Để chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đạt hiệu quả cao

Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước ta liên tục đưa ra những chính sách tạo động lực cho doanh nghiệp, doanh nhân vượt qua giai đoạn khó khăn. Song, trên thực tế, có lúc có nơi vẫn để xảy ra tình trạng chính sách chưa tới, chưa đúng, chưa trúng; nhất là với các doanh nghiệp đang gặp khó khăn hoặc đứng trên bờ vực phá sản do chưa tiếp cận được các chính sách vì vướng phải một số bất cập trong quá trình triển khai thực tiễn.

Vì vậy, đòi hỏi Nhà nước cần tiếp tục có những giải pháp đổi mới, nâng cao hiệu quả việc đưa chính sách hỗ trợ tới gần hơn với doanh nghiệp. Có như vậy, chính sách đi vào thực tiễn nhanh hơn, thực chất hơn, có hiệu quả hơn, tạo ra trợ lực mới, giúp mở rộng không gian phát triển cho doanh nghiệp.

Doanh nghiệp vẫn kêu khó

Hiện nay, Việt Nam có khoảng gần 900 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, tuy nhiên có tới 97% là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Điều này cho thấy, dù khu vực doanh nghiệp đông về số lượng, nhưng quy mô và tiềm lực không mạnh, sức chống chịu và khả năng cạnh tranh còn hạn chế.

Theo báo cáo mới đây của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, cả nước có 41,1 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước.

Hiện nay, Việt Nam có khoảng gần 900 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, tuy nhiên có tới 97% là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Điều này cho thấy, dù khu vực doanh nghiệp đông về số lượng, nhưng quy mô và tiềm lực không mạnh, sức chống chịu và khả năng cạnh tranh còn hạn chế.

Nhưng cũng có tới 63 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 22,5% so với cùng kỳ năm trước; bình quân 1 tháng có gần 31,5 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Những con số này cho thấy, mặc dù doanh nghiệp đã có xu hướng phục hồi, nhưng thời kỳ khó khăn của các doanh nghiệp vẫn tiếp diễn. Với những khó khăn còn hiện hữu, mục tiêu đạt 1,5 triệu doanh nghiệp vào năm 2025 sẽ vẫn còn là thách thức.

Trong một khảo sát của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã cho thấy, hầu hết các doanh nghiệp đều đang gặp khó khăn, nhất là trong việc tiếp cận các chính sách hỗ trợ, vốn,… Có những chính sách hỗ trợ quan trọng nhằm hỗ trợ phục hồi nền kinh tế đã được ban hành như: Nghị quyết 43 của Quốc hội, Nghị quyết 11 của Chính phủ được đánh giá có chất lượng rất tốt, nhưng hiện tỷ lệ giải ngân còn chậm, mới đạt 38-40%. Điều này thể hiện chúng ta rất vướng trong quá trình triển khai, thực hiện các dự án đầu tư công vì để đầu tư công phải đưa vào quy hoạch, chuẩn bị hồ sơ giấy tờ… mất rất nhiều thời gian.

Mặt khác, phản ánh từ cộng đồng doanh nghiệp cho thấy, khó khăn lớn nhất trong giai đoạn hiện nay là thiếu hụt dòng vốn khi việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng đang bị hạn chế. Theo VCCI, có tới 47% doanh nghiệp cho biết rất khó tiếp cận vốn từ các ngân hàng thương mại, trong đó 4% doanh nghiệp phải huy động vốn từ các nguồn tín dụng khác do không đáp ứng các điều kiện đi kèm. Phần lớn doanh nghiệp đều mong muốn được tiếp cận nguồn tín dụng chất lượng cao với mức chi phí thấp từ các ngân hàng thương mại.

Chủ tịch Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) Lê Tiến Trường cho biết, đối với chính sách lãi suất và tín dụng ở các quốc gia hiện nay rất ưu đãi cho ngành dệt may, khi lãi suất cho vay chỉ ở mức 3,5%. Còn tại Việt Nam, mức vay trung bình khoảng 7% với doanh nghiệp tốt và khoảng 9% đối với doanh nghiệp xấu.

Với Vinatex, lãi suất phải trả cho các ngân hàng năm 2023 tăng 10% so với năm 2022, trong khi tổng dư nợ giảm 11%. Điều đó có nghĩa so với năm 2022, giá vốn năm 2023 đắt hơn. Chưa kể, nếu so với năm 2021 có hỗ trợ từ chính sách trong bối cảnh Covid-19, lãi phải trả tăng 30%. Các hợp đồng tín dụng Vinatex đang có trong tháng 1, 2/2024 đến giờ cũng chưa cho thấy được tổng lãi phải trả năm 2024 sẽ thấp hơn năm 2023. Bên cạnh đó, việc tiếp cận vốn của ngành sản xuất nguyên liệu cho dệt may cũng khó khăn không kém do tất cả các ngân hàng đều giảm hạn mức cho vay với công ty sợi, hoặc yêu cầu có tài sản bảo đảm 100% với khoản vay ngắn hạn năm 2024. Nếu năm 2023 tính chung giá trị tài sản bảo đảm cho các khoản vay chỉ khoảng 20%, thì năm nay yêu cầu phải 100% hoặc áp dụng chính sách trả được 10 cũng chỉ được vay lại 8 hoặc 9 phần.

Do đó, nếu không có sự hỗ trợ của ngân hàng, chỉ đạo của Chính phủ và các bộ, ngành trong việc không giảm hạn mức tín dụng và không yêu cầu tài sản bảo đảm cố định, để duy trì được sản xuất thì chúng ta có thể mất đi ngành sợi.

Đổi mới chính sách hỗ trợ

Ngay trong ngày đầu năm 2024, Chính phủ đã kịp thời ban hành Nghị quyết 02/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Nghị quyết 02/NQ-CP được ban hành trở lại sau 1 năm gộp vào Nghị quyết 01/NQ-CP đang làm tăng sức nóng cải cách và thực thi hiệu quả Nghị quyết là điều cộng đồng doanh nghiệp mong chờ.

Theo đó, với sự chỉ đạo thường xuyên, liên tục của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ tạo áp lực thúc đẩy quá trình cải cách của người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương. Từ đó, các hoạt động đối thoại doanh nghiệp, lắng nghe tiếng nói từ cộng đồng doanh nghiệp nhằm nắm bắt, tiếp thu những kiến nghị, phản hồi sẽ được thực hiện thường xuyên hơn. Qua đó, có những hành động kịp thời, cụ thể và quyết liệt trong giải quyết khó khăn thực tế doanh nghiệp đang gặp phải, đặc biệt là vướng mắc về chính sách.

Thực tiễn cho thấy, cũng đã có nhiều chính sách hỗ trợ của Nhà nước đi rất nhanh vào đời sống, có hiệu lực ngay với các doanh nghiệp, như chính sách tài khóa, giãn, giảm thuế. Theo một khảo sát do VCCI thực hiện với doanh nghiệp trong 2 năm qua cho thấy, nhóm chính sách giảm thuế đến được với doanh nghiệp nhiều nhất.

Do đó, chúng ta nên xem đây chính là kinh nghiệm cho những lần hỗ trợ tiếp theo, bởi việc giảm thuế đến được ngay với doanh nghiệp, có hiệu lực ngay, không cần phải thực thi, số đông doanh nghiệp được hưởng và công bằng. Nhưng có một số chính sách trễ hơn nên hiệu quả không cao như: hỗ trợ công nhân về nhà ở, chương trình “Sóng và máy tính cho em” trong chương trình hỗ trợ phục hồi Covid-19,…

Mặt khác, cũng có tình trạng thiết kế chính sách rồi, nhưng mất 6-7 tháng sau mới có nghị định để triển khai thực hiện, khi đó tính hiệu quả đã giảm sút do thời điểm cần hỗ trợ nhất đã qua. Vì vậy, trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay, các giải pháp hỗ trợ cần tiến hành đồng bộ ở nhiều ngành, nhiều cấp hơn nữa. Bên cạnh đó, việc đề ra chính sách là một chuyện, nhưng việc thúc đẩy thực hiện các chính sách hỗ trợ lại là một giải pháp cần được ưu tiên.

Phó Chủ tịch VCCI Nguyễn Quang Vinh cho rằng, cộng đồng doanh nghiệp đang rất khó khăn, nhiều ngành hàng suy giảm chưa có dấu hiệu phục hồi. Do đó, để thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng kinh tế, cần chú trọng các động lực tăng trưởng truyền thống và phát huy, khai thác các động lực tăng trưởng mới, Chính phủ cần rà soát, đổi mới chính sách trong hỗ trợ doanh nghiệp phát triển để phù hợp thực tiễn. Giúp doanh nghiệp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động để tái thiết hoạt động sản xuất, kinh doanh, nắm bắt cơ hội phục hồi và phát triển sau đại dịch.

Đồng thời, cần tiếp tục thực hiện tốt chính sách giảm thuế, thúc đẩy giải ngân đầu tư công, có các giải pháp giảm chi phí cho doanh nghiệp, tăng cường khả năng tiếp cận các gói hỗ trợ của Nhà nước. Các bộ, ngành, địa phương phải mạnh mẽ hơn trong cắt giảm điều kiện, chi phí kinh doanh, thúc đẩy đầu tư công; có các biện pháp để tháo gỡ những vướng mắc trong điều kiện tiếp cận vốn vay ưu đãi cho doanh nghiệp để các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi thực sự phát huy hiệu quả.

Bên cạnh những nỗ lực của Chính phủ về điều hành chính sách vĩ mô, cộng đồng doanh nghiệp cần trang bị tâm thế sẵn sàng, chủ động ứng phó với khó khăn, thách thức, linh hoạt, sáng tạo và nhạy bén nắm bắt cơ hội để phục hồi, bứt phá trong giai đoạn mới.

Theo Nhandan.vn

Tin mới

Việt Nam luôn có sức hấp dẫn và đầy tiềm năng đối với nhà đầu tư nước ngoài
Việt Nam luôn có sức hấp dẫn và đầy tiềm năng đối với nhà đầu tư nước ngoài

Để duy trì sức hấp dẫn, Việt Nam cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, giảm thiểu thủ tục hành chính, phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt là năng lượng xanh, và đẩy mạnh đổi mới sáng tạo.

Tiền Giang nâng cao công tác quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ
Tiền Giang nâng cao công tác quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ

UBND tỉnh Tiền Giang đã ban hành Công văn số 2306/UBND-NC về nâng cao công tác quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.

Thời tiết chiều 29/4: Cả 3 miền nắng nóng khắc nghiệt
Thời tiết chiều 29/4: Cả 3 miền nắng nóng khắc nghiệt

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, hôm nay (29/4), khu vực Sơn La, Hòa Bình và từ Thanh Hóa đến Phú Yên tiếp tục có nắng nóng đặc biệt gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 39-42 độ, có nơi trên 42 độ.

Đồng Tháp xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động khoáng sản
Đồng Tháp xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động khoáng sản

UBND tỉnh Đồng Tháp đã có văn bản yêu cầu các Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về khoáng sản, đất đai, môi trường liên quan đến hoạt động khoáng sản.

Triệt xóa đường dây phát tán hơn 19 triệu nội dung đồi trụy
Triệt xóa đường dây phát tán hơn 19 triệu nội dung đồi trụy

Thông tin từ Công an Nghệ An, cơ quan này vừa phối hợp với Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an triệt xóa thành công chuyên án, bắt 12 đối tượng truyền bá hơn 19 triệu nội dung văn hóa phẩm đồi trụy trên mạng internet.

Nắng nóng gay gắt khiến tiêu thụ điện toàn quốc cao kỷ lục, EVN khuyến cáo sử dụng điện tiết kiệm
Nắng nóng gay gắt khiến tiêu thụ điện toàn quốc cao kỷ lục, EVN khuyến cáo sử dụng điện tiết kiệm

Trong những ngày cuối tháng 4/2024, thời tiết nắng nóng gay gắt diễn ra ở cả 3 miền đã làm tiêu thụ điện toàn quốc tăng cao kỷ lục. Để chung tay góp phần đảm bảo cung cấp điện trong mùa hè nắng nóng , EVN rất mong nhận được sự chia sẻ và tích cực phối hợp của người dân và các khách hàng sử dụng điện thông qua việc triệt để sử dụng điện tiết kiệm.