Đề nghị điều chỉnh mức hưởng trợ cấp thất nghiệp lên 75%
Đề nghị điều chỉnh mức hưởng trợ cấp thất nghiệp lên 75% (Ảnh: internet)

Theo quy định hiện hành, người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp chỉ được hưởng tối đa 12 tháng trợ cấp thất nghiệp (tương ứng 144 tháng đóng), không được tính hưởng và bảo lưu thời gian đóng dư. Theo đề xuất tại dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng sẽ không được hưởng trợ cấp thất nghiệp. 

Góp ý cho dự thảo Luật Việc làm sửa đổi, mới đây, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam nhận định quy định người lao động chỉ được hưởng tối đa 12 tháng trợ cấp thất nghiệp, không được tính hưởng và bảo lưu thời gian đóng dư có thể gây tình trạng người lao động nghỉ việc để nhận trợ cấp thất nghiệp sau 12 năm đóng. 

Liên quan đến mức hưởng trợ cấp, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị đơn vị soạn thảo nghiên cứu, điều chỉnh mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng lên 75% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp gần nhất trước khi thất nghiệp. 

Trên thực tế đa số các doanh nghiệp đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động theo mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định, trong khi mức lương tối thiểu vùng hiện nay còn thấp. Vì vậy mức trợ cấp thất nghiệp cần tăng lên ít nhất 75% là phù hợp, nhằm tạo điều kiện hỗ trợ người lao động có cuộc sống tối thiểu khi mất việc làm, thất nghiệp.

Bên cạnh đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đề nghị người đóng bảo hiểm thất nghiệp, đến tuổi nghỉ hưu, chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp lần nào, được hưởng 50% số tiền đóng vào Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp. Bởi nhiều lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp không được hưởng quyền lợi vì về hưu. Thậm chí, có người xin về hưu sớm để hưởng 12 tháng trợ cấp thất nghiệp rồi mới hưởng lương hưu.

PV (t/h)