Làm hồ sơ thuế tại Cục Thuế TPHCM. (Ảnh: Cao Thăng)Làm hồ sơ thuế tại Cục Thuế TPHCM. (Ảnh: Cao Thăng)

Ấn định mức thuế là bất hợp lý

Nhiều DN phản ứng rằng, để biết số thuế thu nhập cả năm bao nhiêu, phải dựa vào quyết toán thuế cả năm, tức sau ngày 31/1 năm sau mới có thông số. Quy định tại Nghị định 126 buộc DN đến thời điểm 30/10 phải nộp đủ 75% tổng tiền thuế phải nộp cả năm, nếu không đủ sẽ bị tính tiền chậm nộp trên số thiếu kể từ ngày 1/11 đến ngày thực nộp, tức ngày quyết toán quý 4 và quyết toán năm là sau ngày 30/3 năm kế tiếp.

Theo quy định được đưa ra, hàng ngàn DN sẽ đối mặt với nguy cơ bị phạt chậm nộp thuế. Thông thường hiệu quả kinh doanh quý 4 sẽ tăng vượt trội so với các quý đầu năm, do chuẩn bị sản xuất - kinh doanh hàng tết. Ngược lại, nếu DN tự phỏng đoán số thuế cả năm rồi nộp 75% thì sẽ phải nộp nhiều hơn số thuế thực kinh doanh của 3 quý tương ứng. Như vậy, DN sẽ bị chiếm dụng vốn - thêm khó khăn cho họ trong thời điểm dịch Covid-19 như hiện nay.

Đề nghị hoãn thi hành thực hiện nghĩa vụ thuế

Ông Nguyễn Đức Huy, Phó Chánh Văn phòng Tổng cục Thuế, cho biết: Nghị định số 91/2014/NĐ-CP và Thông tư số 151/2014/TT-BTC, đã bỏ quy định kê khai thuế TNDN “tạm tính” hàng quý, thay bằng quy định “tạm nộp” thuế TNDN hàng quý. Ông nhấn mạnh thêm, Tổng cục Thuế cam kết luôn đồng hành, hỗ trợ DN trong quá trình thực hiện nghĩa vụ thuế, không gây khó khăn, để DN yên tâm sản xuất - kinh doanh.

Thông qua đó, DN căn cứ vào số thuế TNDN của năm trước và dự kiến kết quả sản xuất - kinh doanh trong năm để xác định số thuế TNDN tạm nộp các quý sát với thực tế kết quả sản xuất - kinh doanh của năm. Quy định này cho phép DN tạm nộp tổng số thuế trong kỳ tính thuế thấp hơn số thuế TNDN phải nộp theo quyết toán từ 20% trở lên thì mới phải nộp tiền chậm nộp đối với phần chênh lệch từ 20% trở lên giữa số thuế tạm nộp với số thuế phải nộp theo quyết toán.

Tuy nhiên, quy định này đã dẫn đến một số DN không tuân thủ và lợi dụng không thực hiện tạm nộp hàng quý mà để dồn đến thời hạn nộp thuế của quý 4 (ngày 30/1 năm sau) mới nộp thuế vào ngân sách nhà nước. Điều đó khiến số thu thuế TNDN phát sinh phải nộp trong năm ngân sách trước bị chiếm dụng và nộp vào năm sau, ảnh hưởng đến cân đối ngân sách nhà nước hàng năm. Đồng thời, không đảm bảo sự công bằng trong việc thực thi pháp luật thuế giữa các doanh nghiệp tuân thủ tốt và các doanh nghiệp không tuân thủ.

Do ảnh hưởng tiêu cực của Covid-19 nên số DN có lãi để nộp thuế chỉ chiếm khoảng 20% tổng số DN. Vì vậy, để hỗ trợ và không tạo biến động trong kê khai, nộp thuế của DN, Tổng cục Thuế sẽ đề xuất Chính phủ lùi thời hạn áp dụng việc xử phạt này sang năm 2021. Sau đó sẽ có giải pháp tính toán lại phương án thu thuế theo tháng hoặc theo quý trên số lãi thực có của DN sao cho phù hợp và thuận tiện nhất.

Thùy Linh