Vì quyền và lợi ích hợp pháp của 60 triệu nông dân

Trao đổi với Dân Việt chiều 13/6, luật sư Nguyễn Thế Truyền - Giám đốc Công ty Luật Hợp danh Thiên Thanh - cho biết: "Trên cơ sở công văn đề nghị của T.Ư Hội Nông dân Việt Nam và đơn mời luật sư của Hiệp hội Phân bón Việt Nam, quyền và lợi ích hợp pháp của của 60 triệu người tiêu dùng là những nông dân Việt Nam, trên cơ sở bảo vệ tài nguyên vô giá là tài nguyên đất nông nghiệp, quyền và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp kinh doanh ngành phân bón chân chính, tôi và luật sư Nguyễn Thị Bích Liên - Giám đốc Công ty Luật TNHH Ánh Dương Việt - đã cùng đề nghị cơ quan chức năng khởi tố hình sự đối với ông Khiếu Mạnh Tường - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần sản xuất thương mại (CP SXTM) Thuận Phong, trụ sở tại KP 7, phường Long Bình, TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, vì đã có đủ dấu hiệu phạm tội, quy định tại các Điều 156, Điều 158 Bộ luật Hình sự".

 Đề nghị khởi tố Giám đốc Công ty CP Sản xuất thương mại Thuận Phong, Đồng Nai - Hình 1

Kho của Công ty Thuận Phong khi đoàn kiểm tra vào làm việc và phát hiện hành vi đóng gói, sản xuất phân bón giả. (Ảnh tư liệu)

Theo văn bản của Công ty Luật TNHH Ánh Dương Việt và Công ty Luật Hợp danh Thiên Thanh, ngày 24.4.2015 thường trực Ban chỉ đạo 389/ĐP của tỉnh Đồng Nai (Chi cục Quản lý thị trường) có Quyết định số 0003874 về việc kiểm tra việc chấp hành pháp luật tại Công ty CP SXTM Thuận Phong (địa chỉ tại khu phố 7, phường Long Bình, TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai).

Thực hiện kế hoạch và quyết định trên, lúc 9h30 ngày 24.4.2015, đoàn kiểm tra liên ngành gồm các thành viên Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống buôn lậu gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389) cùng cơ quan thanh, kiểm tra Bộ Quốc phòng đã đến kho K888 do Công ty Thuận Phong thuê trên phần đất thuộc Cục Quân khí, Tổng cục Kỹ thuật (Bộ Quốc phòng) tại khu phố 7, phường Long Bình, TP.Biên Hòa.

Trước đó, hành vi sản xuất phân bón giả của Công ty Thuận Phong đã bị xử phạt hành chính năm 2013. Cụ thể, ngày 3.4.2013, UBND tỉnh An Giang đã ra Quyết định xử phạt hành chính số 47/QĐ-XPHC đối với Công ty CP SXTM Thuận Phong vì hành vi sản xuất phân bón giả có giá trị tương đương với hàng thật là 7.200.000 đồng, tổng tiền phạt là 45.000.000 đồng.

Tại thời điểm kiểm tra, đoàn liên ngành đã phát hiện quả tang Công ty Thuận Phong có hành vi sản xuất, đóng gói phân bón giả nguồn gốc xuất xứ, nơi sản xuất với số lượng rất lớn (giả phân bón của Mỹ - Made in USA) ngay tại khu vực sản xuất phân bón của công ty. Đoàn liên ngành đã lập Biên bản kiểm tra số 0002317/BB-KT ngày 24.4.2015.

Tổng Giám đốc Công ty Thuận Phong - ông Khiếu Mạnh Tường đã xác nhận toàn bộ số nhãn hàng hóa của lô hàng (nhãn tiếng nước ngoài, nhãn niêm phong, vỏ bao bì, can nhựa chứa phân bón - nhãn hiệu HUMA GRO) được Công ty Thuận Phong thuê in ấn và sản xuất tại Việt Nam.

Kết quả giám định lần 1 theo Thông báo kết quả giám định số 0113/N3.15TĐ của Trung tâm Kỹ thuật đo lường 3 cho thấy, trong 29 mẫu sản phẩm phân bón của Công ty Thuận Phong có tới 19 mẫu sản phẩm phân bón có kết quả không phù hợp, không đủ 70% chỉ tiêu thành phần được công bố trên bao bì. Theo quy định tỷ lệ này dưới 70% được xác định là hàng giả.

Không đồng ý với kết quả giám định này, ông Khiếu Mạnh Tường - Tổng giám đốc Công ty Thuận Phong - đã đề nghị cho giám định lại đối với 29 mẫu sản phẩm phân bón tại Công ty SGS. Kết quả giám định lần 2 tỷ lệ còn thấp hơn lần 1.

“Cả 2 lần giám định mẫu phân bón của Công ty Thuận Phong đều cho ra kết quả dưới 70% đối với các đặc tính kỹ thuật cơ bản. Như vậy đã đủ xác định hành vi sản xuất phân bón của Công ty Thuận Phong là hành vi cấu thành tội sản xuất hàng giả”, luật sư Nguyễn Thế Truyền khẳng định.

Người nông dân lãnh đủ hậu quả từ nạn phân bón giả

Luật sư Truyền cho rằng: 60 triệu người Việt đang sống bằng nghề nông. Vì thế, số người phải chịu ảnh hưởng trực tiếp từ việc sử dụng phải phân bón giả là không hề nhỏ. Hậu quả nhẹ thì thiệt hại mùa màng, nặng thì mất trắng.

“Cây chết một nhẽ, tài nguyên đất đai cũng bị xâm phạm nghiêm trọng do nạn sử dụng phân bón giả. Đất đai bạc màu, cằn cỗi dẫn đến bần cùng hóa đời sống của bà con nông dân”, ông Truyền chia sẻ.

Cùng chung nhận định trên, luật sư Nguyễn Thị Bích Liên nói thêm: Theo ước tính của cơ quan chức năng, gần 60.000 tỷ đồng là thiệt hại của ngành nông nghiệp mỗi năm vì phân bón giả. Ngoài ra, có gần 2.000 tỷ đồng thiệt hại mỗi năm của ngành sản xuất phân bón vì nạn phân bón giả. Các doanh nghiệp kinh doanh phân bón chân chính sẽ bị tận diệt hoặc thua lỗ do hành vi cạnh tranh không lành mạnh.

Cả 2 văn phòng luật sư này đều dẫn các quy định của pháp luật và khẳng định: Ông Khiếu Mạnh Tường - Tổng giám đốc Công ty Thuận Phong - đã có hành vi cố ý sản xuất phân bón giả với số lượng đặc biệt lớn, có tổ chức, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, thu lợi đặc biệt lớn, đã bị xử phạt hành chính vẫn tái phạm nghiêm trọng, đủ cấu thành tội phạm theo quy định khoản 2, khoản 3 Điều 159 Bộ luật Hình sự.

“Việc Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai căn cứ vào kết quả của cuộc họp liên ngành để ra quyết định không khởi tố hình sự đối với ông Khiếu Mạnh Tường là sai thẩm quyền, sai chủ thể, sai về hình thức và nội dung và có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm. Hậu quả là trật tự quản lý nhà nước bị phá vỡ, người dân không còn niềm tin vào cơ quan công quyền, ảnh hưởng đến nền pháp quyền mà Đảng và Nhà nước đang dày công kiến tạo”, luật sư Nguyễn Thế Truyền khẳng định.

Trước đó, Ban Thường vụ T.Ư Hội Nông dân Việt Nam đã có văn bản đề nghị một số văn phòng luật sư phối hợp, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của nông dân. Văn bản nêu rõ: Thời gian vừa qua, các cơ quan chức năng đã phát hiện dấu hiệu sản xuất kinh doanh phân bón giả tại Công ty Cổ phần SXTM Thuận Phong (Đồng Nai) làm ảnh hưởng tới chất lượng và hiệu quả sản xuất nông nghiệp, gây thiệt hại lớn với người nông dân. Trước tình hình trên, Ban Thường vụ T.Ư Hội Nông dân Việt Nam đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét xử lý vi phạm đối với Công ty Thuận Phong.

Theo Dân Việt