Sáng ngày 05/01 tại huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp đã diễn ra Lễ hội Quýt hồng huyện Lai Vung lần thứ I, với chủ đề “Khát vọng vươn lên” nhằm tôn vinh, giới thiệu, quảng bá hình ảnh quýt hồng, cũng như giá trị văn hóa, kinh tế cho các sản phẩm từ quýt và góp phần phát triển du lịch, tạo dựng hình ảnh địa phương.

Trăn trở “Vương quốc quýt hồng”

Quýt hồng đã gắn bó với nông dân trên địa bàn huyện gần 100 năm qua. Từ năm 2000, diện tích quýt hồng tăng liên tục hằng năm. Đỉnh điểm phát triển từ năm 2010 đến 2016, mỗi năm tăng bình quân gần 100 ha, nâng tổng diện tích lên gần 1.000 ha với sản lượng bình quân khoảng hơn 30.000 tấn, mang lại giá trị gần cả ngàn tỷ đồng mỗi năm.

Tuy nhiên, đến năm 2017 dịch bệnh vàng lá thối rễ, héo xanh tăng vọt về mức độ nên diện tích quýt hồng của huyện giảm liên tục, và còn chưa đầy 200 ha vào năm 2019, nhiều người trồng quýt hồng gặp rất nhiều khó khăn. Năm 2018, huyện Lai Vung có hơn 2.000 ha quýt, trong đó có trên 840 ha quýt hồng, tập trung nhiều nhất ở 3 xã Long Hậu, Tân Thành và Tân Phước, bình quân cho năng suất từ 30 - 50 tấn trái/ha.

Theo ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh, việc bảo tồn quýt hồng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm không chỉ của tỉnh mà còn là bảo tồn những giá trị cây ăn trái của cả nước.

ồ

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, khẳng định việc bảo tồn, phát huy giá trị cây quýt hồng là rất cần thiết. Ảnh Hữu Tuấn

Theo PGS.TS Nhan Minh Trí, Trưởng bộ môn Công nghệ sau thu hoạch trường Đại học Cần Thơ, trong những năm gần đây giá quýt hồng không ổn định. Nguyên nhân chủ yếu phải cạnh tranh với nhiều sản phẩm trái cây nhập ngoại vừa phong phú về chủng loại, màu sắc lại bắt mắt.

Bên cạnh đó, quýt hồng còn phụ thuộc nhiều vào thời tiết và canh tác. Thời tiết bất lợi khiến màu sắc trái không đẹp, kém bắt mắt. Màu sắc trái cũng bị ảnh hưởng bởi trồng dày. Nông dân đang trồng quýt theo kiểu lấp đầy chỗ trống, không để khoảng cách theo khuyến cáo. Ngoài ra, việc lạm dụng phân bón hóa học dẫn đến đất thoái hóa, ảnh hưởng chất lượng trái (ít nước, chua...) và mau hư thối.

Ước vụ Tết các nhà vườn trồng quý sẽ đưa ra thị trường khoảng 5.000 tấn.
Ước vụ Tết các nhà vườn trồng quý sẽ đưa ra thị trường khoảng 5.000 tấn.

Quýt hồng mỗi năm chỉ cho một vụ Tết, việc chăm sóc kỳ công, lại phó mặc vào sự may rủi vào thời tiết nên bà con tìm đến những cây trồng tiềm năng khác. Ngoài ra, còn bị tổn thất trước thu hoạch do quá trình rụng sinh lý của quýt hồng khiến nhiều nhà vườn không mặn mà. Công nghệ bảo quản sau thu hoạch chưa được quan tâm nên quýt dễ bị hư, cuốn và lá bị rụng sau khi thu hoạch, khó cạnh tranh với sản phẩm cùng loại trên thị trường, PGS.TS Nhan Minh Trí nói.

TS. Nguyễn Thành Tài, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đồng Tháp cho biết: “Hiện tại Sở đang thực hiện các đề tài nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ trên cây quýt hồng Lai Vung. Tuy nhiên, hầu hết kết quả nghiên cứu đều có địa chỉ ứng dụng, nhưng việc nhân rộng mô hình ứng dụng chưa đạt yêu cầu thực tế.

Thị trường tiêu thụ sản phẩm chưa ổn định. Hiệu quả của việc ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học thường có độ trễ, nên khó thuyết phục để đầu tư ứng dụng hoặc không đáp ứng kịp thời đối với diễn biến tình hình dịch bệnh”.

Cần phát huy giá trị, tiềm năng cây quýt hồng

Để cây quýt hồng giữ vững được thương hiệu, vị thế trong thời kỳ kinh tế hội nhập, PGS.TS Nhan Minh Trí nhấn mạnh: “Cần có những định hướng, chiến lược lâu dài trong việc quy hoạch, tổ chức lại sản xuất cho nông dân, nghiên cứu chuỗi giá trị sản phẩm để hỗ trợ đầu ra, từng bước xây dựng thị trường tiêu thụ quýt ổn định và đạt hiệu quả kinh tế cao”.

Ông Phạm Văn Đầy, xã Long Hậu mong muốn cây quýt hồng được bảo tồn và phát huy giá trị một cách đúng nghĩa. Ảnh Hữu Tuấn
Ông Phạm Văn Đầy, xã Long Hậu mong muốn cây quýt hồng được bảo tồn và phát huy giá trị một cách đúng nghĩa. 

Còn theo ông Nguyễn Thành Tài, phát triển cây quýt hồng gắn với nhu cầu xã hội, chuỗi giá trị của sản phẩm, tạo giá trị gia tăng; đẩy mạnh hợp tác với các viện, trường, triển khai nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất và đời sống, góp phần thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Chương trình OCOP của theo đặt hàng. Chuyển giao kỹ thuật, công nghệ chế biến nông sản nhằm phát huy thế mạnh.

Ông Phạm Văn Đầy, xã Long Hậu cho biết, cần nghiên cứu đầu tư về quy trình sản xuất quýt hồng theo hướng hữu cơ sinh học, ứng dụng quy trình IPM, giảm giá thành sản xuất, an toàn, giảm hóa học ứng dụng sinh học. Số lần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật ít hơn nữa và tạo điều kiện cho nhà vườn gặp gỡ trao đổi thông tin kinh nghiệm với nhau, cũng như tổ chức những buổi tọa đàm với các nhà khoa học đề có thêm những thông tin kiến thức khoa học mới.

Minh An (T/h)