Trước đó, từ năm 2017, nhiều nông dân ở Lai Vung ‘tá hỏa’ khi phát hiện các cây quýt trong vườn bỗng dưng bị vàng đọt. ‘Bệnh’ nhanh chóng lan ra toàn bộ lá khiến cây héo rũ rồi chết. Mặc dù, người dân tìm nhiều biện pháp xử lý nhưng không hiệu quả. Căn ‘bệnh lạ’ khiến diện tích quýt hồng Lai Vung giảm đáng kể.
Quýt hồng Lai Vung là một đặc sản có giá trị kinh tế cao ở địa phương
Bằng sự vào cuộc quyết liệt, các ngành chức năng huyện Lai Vung xác định nguyên nhân do nhà vườn bón nhiều phân đạm khiến rễ non của cây suy yếu, trong khi độ pH thấp nhện phát triển tấn công khiến cây bị bội nhiễm nấm Phytophthora, Fusarium gây chết cây.
Ngoài ra, việc bón đạm với liều lượng quá cao khi cây ‘ít tuổi’ gặp lúc mưa nhiều khiến lượng đạm chảy tập trung vùng chóp rễ gây ngộ độc mất nước cũng khiến cây bị chết.
Qua đó, các chuyên gia khuyến cáo vào đầu vụ hoặc xuất hiện triệu chứng bệnh cần tưới hoặc bơm vào vùng rễ cây hỗn hợp trị nhện. Sau đó 15 ngày, cần bổ sung các hợp chất kích thích mọc rễ giúp cây nhanh phục hồi. Cần lưu ý, bón phân đạm không quá 55kg/ha/ kỳ bón. Nên bón phân hữu cơ và vô cơ cách nhau ít nhất 10 ngày.
Lê An