Thư viện thân thiện

Trong mạng lưới thư viện ở Việt Nam hiện nay, số lượng thư viện trường học chiếm tỷ lệ cao nhất, nhưng có sự phát triển không đồng đều giữa các khu vực. Tại Hà Nội, các trường khá quan tâm đến việc hình thành không gian đọc ở trường học với nhiều hình thức thư viện được tổ chức đa dạng như giỏ sách lưu động, thư viện xanh, thư viện thân thiện.

Thư viện thân thiện tại Trường tiểu học Gia Thụy (quận Long Biên) có tổng diện tích 150m² gồm một phòng đọc lớn cho học sinh và một phòng cho giáo viên. Phòng đọc rộng rãi, thoáng mát được trang trí bởi những hình vẽ các nhân vật trong truyện cổ tích gần gũi và thân thiết với các em học sinh.

Kho sách thư viện với diện tích 25m² để lưu giữ các loại tài liệu hiện có hoặc mới bổ sung. Với trên 50 chỗ ngồi cho học sinh và 28 chỗ ngồi cho giáo viên, thư viện có đủ chỗ ngồi cho học sinh của một lớp học. Nội thất thư viện được thiết kế khoa học và hợp lý, có đủ ánh sáng cần thiết cho giáo viên và các em học sinh khi đến đọc tài liệu.

Xây dựng văn hóa đọc cho các thế hệ học sinh nên bắt đầu từ việc đưa đọc sách thực sự trở thành một môn họcXây dựng văn hóa đọc cho các thế hệ học sinh nên bắt đầu từ việc đưa đọc sách thực sự trở thành một môn học

Còn tại Trường Tiểu học Vietschool (quận Thanh Xuân), thư viện được thiết kế thân thiện với hàng trăm đầu sách đa dạng các thể loại. Không những thế, nhà trường còn chú tâm đến việc thiết kế một chương trình học “văn hóa đọc” bài bản được biên soạn riêng bởi TS. Diêu Lan Phương - giảng viên Trường ĐH KHXH&NV, chủ nhiệm CLB Ngôn ngữ & EQ theo 5 cấp độ tương đương 5 khối lớp. Trong phương pháp giáo dục của Vietschool có nói rõ đọc sách là hoạt động thường lệ đối với học sinh nhà trường.

Với phương pháp giảng dạy độc đáo, đọc sách giờ đây đã trở thành hoạt động thường lệ đối với học sinh trường tiểu học Vietschool, các em dần tự giác đọc, chia sẻ cùng nhau về những câu chuyện, cuốn sách mà mình đã đọc. Mỗi tiết văn hóa đọc như vậy, các em không ngồi chờ tiếng chuông reo, mà thay vào đó là tập trung vào những trang sách, những thông tin bổ ích mà các em được khám phá trong từng cuốn sách.

Nên bắt đầu từ đâu?

Hiện nay, cũng không ít trường, đặc biệt ở khu vực nội thành, do không có đủ phòng học, các lớp còn phải học luân phiên nên việc bố trí phòng thư viện là khó khả thi. Việc tổ chức các tủ sách góc lớp cũng khó khăn bởi diện tích phòng học nhỏ hẹp, chật chội. Đáng nói, ở một số trường, thư viện vừa là kho cất giữ sách, nhạc cụ, vừa là phòng tập múa, hát.

Nhưng ngay cả ở những trường học có thư viện đạt chuẩn thì hiệu quả cũng còn khá hạn chế, tỷ lệ học sinh lên thư viện còn quá ít. Một trong những nguyên nhân là do thư viện thường được bố trí ở tầng cao hoặc ở khu vực xa, khuất trong khuôn viên trường. Trong khi giờ ra chơi thường chỉ có 5-10 phút, học sinh có khi chỉ kịp chọn xong cuốn sách, đọc được một vài trang là đã hết giờ.

Thực tế, hoạt động thư viện trong nhà trường mới chỉ thu hút được những học sinh có niềm đam mê với sách, muốn xây dựng thói quen đọc sách thì cần tạo không gian, thời gian để định kỳ các em được tiếp cận với sách. Đưa vào chương trình những tiết học thư viện, tiết đọc sách chính là một trong những phương pháp giúp các em đến gần với kho tri thức của nhân loại, từ đó dần hình thành văn hóa đọc của học sinh.

Hiện nay, các trường vẫn chú trọng các môn học chính khóa. Cho dù có thực hiện tiết thư viện thì ở nhiều trường tiết thư viện cũng có nguy cơ chỉ là “tiết phụ” như các môn phát triển nghệ thuật, thể chất khác, thường phải chịu cảnh bị “xin giờ” để cô và trò hoàn thành nốt chương trình của các môn học chính do sĩ số lớp quá đông.

Xây dựng văn hóa đọc cho các thế hệ học sinh nên bắt đầu từ việc đưa đọc sách thực sự trở thành một môn học trong chương trình giáo dục phổ thông. Vừa có khuyến khích nhưng cũng vừa là bắt buộc đối với cả thầy lẫn trò thì mới có thể tạo thành thói quen dạy và học đọc.

Khi mỗi nhà trường có sự quan tâm đầu tư đúng mức cho thư viện, khi những cô thủ thư trường học chịu khó “bày trò” tổ chức các hoạt động đọc sẽ không chỉ đơn giản kéo học sinh đến với thư viện mà còn góp phần rèn dạy các phương pháp đọc đúng, đọc nhanh, biết chắt lọc thông tin và khám phá thế giới qua từng trang sách.

Với những thế hệ học sinh muốn làm chủ cuộc đời mình, việc học không thể chỉ dừng lại trên ghế nhà trường. Tự học và học tập suốt đời chính là điều kiện để một cá nhân và cả xã hội thành công. Và thói quen đọc sách chính là điều quan trọng nhất để có được khả năng đó. 

 T.Nguyên