Tọa đàm về Ngày sách Việt Nam với chủ đề “Học sinh và Văn hóa đọc”
Theo đó, Đây là sự kiện trọng tâm được tổ chức hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam trên địa bàn TP.Hải Phòng năm 2019, nhằm mục đích xây dựng và phát triển phong trào đọc sách, hướng tới xây dựng một xã hội học tập, một nét đẹp trong đời sống tinh thần của cộng đồng; Nâng cao trách nhiệm của cán bộ, giáo viên, học sinh và toàn xã hội đối với việc phát triển văn hóa đọc, phát huy sức mạnh, sự hưởng ứng tích cực của đội ngũ cán bộ giáo viên và học sinh, tạo động lực góp phần nâng cao nhận thức về văn hóa đọc.
Tọa đàm xoay quanh một số nội dung như: Thực trạng về văn hóa đọc của giới trẻ; Thói quen đọc sách của học sinh, sinh viên; Làm sao để xây dựng thói quen, kỹ năng đọc sách cho thanh niên và nhấn mạnh vai trò của thư viện trong trường học; Giải pháp để tăng cường văn hóa đọc sách của người Việt, nhất là đối với các em học sinh; Hoạt động giao lưu với học sinh, thầy cô giáo thông qua các câu hỏi có liên quan đến sách.
Năm 2019 là năm thứ 6 Hải Phòng tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày sách Việt Nam. Hoạt động hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam năm 2019 diễn ra sôi nổi, rộng khắp. Hệ thống trường học, hệ thống thư viện, lực lượng an ninh quốc phòng, các tổ chức đoàn thể trên địa bàn thành phố đã triển khai nhiều hoạt động sôi nổi, thiết thực như: trưng bày, giới thiệu sách; giao lưu tác giả - tác phẩm; tổ chức quyên góp và trao tặng sách...
Phát biểu tại Lễ khai mạc chương trình Tọa đàm, lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông mong muốn các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội triển khai các hoạt động hưởng ứng Ngày sách Việt Nam phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương đơn vị; cùng chung tay trong việc xây dựng và phát triển phong trào đọc sách, xây dựng một xã hội học tập và học tập suốt đời.
Chương trình Tọa đàm với sự tham dự của nhà văn Nguyễn Đình Tú - Phó Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ quân đội, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, một nhà văn quân đội khá thành công với những tác phẩm đề cập đời sống đương đại. Nội dung Tọa đàm đề cập đến thực trạng của văn hóa đọc hiện nay, sự phát triển bền vững của thói quen đọc sách và kỹ năng đọc ở học sinh, sinh viên, sự lan tỏa của niềm đam mê đọc sách và văn hóa đọc trong môi trường học đường... góp phần duy trì và phát triển thói quen đọc sách cho học sinh, khẳng định giá trị của sách đối với việc học, phát triển toàn diện của học sinh.
Vũ Duyên