(TH&CL) DN Việt Nam đã đi qua năm 2013 với không ít khó khăn. Khu vực DN có vốn đầu tư nước ngoài được coi là một trong những điểm sáng của nền kinh tế. Vậy làm thế nào để tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài một cách hiệu quả? Cuộc trao đổi với TS. Tạ Đình Xuyên, Phó giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) sẽ làm rõ hơn về điều này.
TS. Tạ Đình Xuyên, Phó giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội Quốc Gia
Thời gian qua, Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ DN phát triển. Song dường như vẫn có những chính sách chưa thực sự thiết thực, hiệu quả?
DN nằm trong vòng xoáy bao bọc của 6 yếu tố sau: sản xuất, tiêu thụ (thị trường), tồn đọng sản phẩm, nợ xấu, tăng trưởng tín dụng và cuối cùng là vấn đề đầu tư phát triển DN. Trong vòng xoáy như vậy, chúng ta cần phải có chính sách đột phá - tức là phải tạo mọi điều kiện cho DN có thị trường, đồng nghĩa tăng cầu lên như một số nước có tiềm lực lớn, có nguồn lực dự trữ thì có gói hỗ trợ gọi là kích cầu. Tại Việt Nam, Chính phủ đã áp dụng gói kích thích kinh tế từ năm 2008 – 2010, nhưng hiệu quả chưa cao và không phải DN nào cũng tận dụng được cơ hội đó. Theo chúng tôi, một mặt, Chính phủ có những tháo gỡ cho DN, nhưng quan trọng là DN phải chủ động từ khâu tái cơ cấu, sắp xếp lại sản xuất, đầu tư trang thiết bị, thay đổi công nghệ, lựa chọn sản phẩm đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Như vậy, cần có những chính sách nào để DN hoạt động tốt hơn, thưa ông?
Năm 2013, tăng trưởng có những bước khởi sắc, tuy nhiên chưa phải là bền vững. Muốn năm 2014 tăng trưởng bền vững thì Chính phủ phải có những chính sách phù hợp với DN, ví dụ như vẫn phải giữ vững cân đối vĩ mô và kiềm chế lạm phát ở dưới một con số, giữ ổn định tỷ giá hối đoái, tạo điều kiện để DN tiếp cận với thị trường trong và ngoài nước. Chính phủ có thể hỗ trợ DN trong việc tham gia các hội chợ, triển lãm quảng bá sản phẩm, phát triển sản phẩm mới ở các thị trường.
Nền kinh tế Việt Nam hiện nay là nền kinh tế mở, có quan hệ với rất nhiều nước, trong đó có thể phân chia thành 5 khu vực thị trường chính là EU, Nhật Bản, Trung Quốc, Mỹ và ASEAN. 5 khu vực thị trường này đều đã có dấu hiệu khởi sắc. Nền kinh tế thế giới đang ấm lên, tạo điều kiện để chúng ta có cơ hội phát triển sản xuất trong nước. Khi các nền kinh tế đó ổn định và phát triển, tạo ra cầu rất lớn, sẽ là cơ hội cho Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu.
Ông đánh giá thế nào về việc thu hút đầu tư, cũng như chuyển giao khoa học - công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam trong thời gian qua?
Năm 2013, mặc dù kinh tế còn khó khăn, nhưng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tăng trưởng so với năm ngoái. Qua kết quả khảo sát đánh giá, môi trường đầu tư của Việt Nam tương đối tốt - là cơ sở để các nhà đầu tư tìm đến. Hiện nay, Việt Nam đã vượt qua thời điểm khan hiếm về vốn cũng như nguồn lực khác nên không thể kêu gọi đầu tư nước ngoài bằng bất kỳ giá nào. Thay vào đó, chúng ta có thể lựa chọn những nhà đầu tư nào phù hợp và có cam kết về chuyển giao khoa học - công nghệ.
Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng, năng lực tiếp nhận công nghệ của chúng ta vẫn còn hạn chế, nhất là lao động có tay nghề. Kinh nghiệm các nước, muốn tận dụng được công nghệ nước ngoài thì bản thân chúng ta phải tiếp cận thông tin, nếu không thì cũng chỉ là gia công. Chuyển giao công nghệ có thể là mua công nghệ nước ngoài, hoặc liên doanh hợp tác với nước ngoài... Chỉ có chuyển giao công nghệ thì chúng ta mới làm chủ công nghệ, có cơ hội phát triển, nâng cao giá trị gia tăng.
Các DN cần phải làm thế nào để thu hút đầu tư?
Muốn thu hút được nhà đầu tư nước ngoài, chúng ta phải tạo ra môi trường đầu tư thuận lợi, hấp dẫn nhà đầu tư. Phải có chính sách thu hút đầu tư thuận lợi. Phải xúc tiến đầu tư tốt, giới thiệu tiềm năng, nguồn lực mà chúng ta có, những vùng, dự án mà chúng ta cần thu hút đầu tư cần có những chính sách ưu đãi phù hợp. Một điểm nữa là chúng ta phải tạo điều kiện phát triển cơ sở hạ tầng, đào tạo nhân lực để đáp ứng yêu cầu của DN nước ngoài khi họ vào đầu tư phát triển sản xuất ở Việt Nam.
Theo ông, khó khăn, thách thức của Việt Nam khi thu hút đầu tư nước ngoài là gì?
Khó khăn đầu tiên là ngày nay rất nhiều nước trên thế giới, trong khu vực đưa ra chính sách ưu đãi thu hút đầu tư. Như vậy, chính sách thu hút đầu tư của Việt Nam cũng phải cạnh tranh với các nước trong hệ thống các nhà đầu tư nước ngoài. Thứ nữa, điểm xuất phát của Việt Nam thấp hơn các nước khác, kể cả về trình độ công nghệ cũng như tay nghề. Đó là những rào cản thu hút đầu tư…
Dự báo của ông về thu hút đầu tư nước ngoài trong năm 2014 và những năm tiếp theo?
Theo tôi, việc thu hút đầu tư nước ngoài ngày càng phát triển tốt hơn. Bởi lẽ, Việt Nam có môi trường đầu tư tốt; có hệ thống chính trị ổn định; nguồn lao động dồi dào, tuy trình độ tay nghề chưa cao, nhưng cần cù chịu khó và thông minh... Việt Nam nằm trên trục giao thông biển nối liền Đông - Tây thuận lợi cho việc xuất nhập khẩu sang các nước thứ ba…
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Hà Thu (Thực hiện)