Cơ quan Trung ương của Hiệp hội Chống hàng giả & Bảo vệ thương hiệu Việt Nam
  • Click để copy

Để xây dựng đất nước bền vững, lấy giáo dục làm đầu, nhân tài làm gốc

Thủ tướng nhấn mạnh, chấn hưng giáo dục, phát huy truy

THCL Thủ tướng nhấn mạnh, chấn hưng giáo dục, phát huy truyền thống văn hóa, văn hiến của dân tộc, bồi đắp nguyên khí quốc gia đòi hỏi sự đồng lòng, chung sức của cả hệ thống chính trị; sự năng động, sáng tạo và trách nhiệm cao của nhà trường; sự chung tay, góp công, góp sức của cộng đồng, xã hội, đặc biệt là của các gia đình, các bậc phụ huynh.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Hôm nay (5/8), tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị Tổng kết năm học 2015-2016, triển khai nhiệm vụ năm học 2016-2017 với sự tham dự của lãnh đạo 63 tỉnh, thành phố tại các điểm cầu truyền hình trực tuyến. Hội nghị cũng được truyền hình trên Internet để giáo viên, học sinh toàn quốc theo dõi. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tới dự.

Các ý kiến của lãnh đạo địa phương, trường đại học, cao đẳng đều cho rằng việc đổi mới giáo dục, đào tạo bước đầu đạt kết quả tích cực, nhất là việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia. Bày tỏ nhất trí với các nhiệm vụ mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đề ra cho năm học 2016-2017, các ý kiến cũng góp ý về các giải pháp đẩy mạnh đổi mới giáo dục, phân tích, làm rõ các trọng tâm cần triển khai trong năm học mới.

Sau khi lắng nghe các ý kiến phát biểu sôi nổi, thẳng thắn, Thủ tướng nhìn nhận “Vừa rồi, chúng ta đã tổ chức kỳ thi quốc gia thành công, sức nóng, sức ép từ xã hội đối với Hội nghị đã đỡ hơn so với nhiều năm. Đó cũng là tin vui trong thành tích bước đầu của toàn ngành”.

Nhân dịp này, Thủ tướng gửi tới các cán bộ quản lý giáo dục, thầy cô giáo cùng toàn thể các em học sinh, sinh viên trong cả nước lời thăm hỏi thân thiết và lời chúc mừng tốt đẹp nhất.

Khẳng định chủ trương của Đảng và Nhà nước trong việc đổi mới toàn diện căn bản giáo dục đào tạo, Thủ tướng cho rằng, cần tập trung sức lực thực hiện thành công công cuộc đổi mới này. Đây là công việc quan trọng bậc nhất, có ý nghĩa chiến lược lớn lao vì nó chuẩn bị về con người, các thế hệ nối tiếp nhau để xây dựng, phát triển đất nước. Cuộc đổi mới này phải bám sát yêu cầu chuyển nền giáo dục từ truyền thụ kiến thức sang hình thành nhân cách, phát triển năng lực. Đổi mới chương trình và phương pháp giảng dạy phải theo yêu cầu đó.

“Sau 30 năm đổi mới, nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên mọi lĩnh vực kinh tế-xã hội. Từ một nước nghèo, kém phát triển, chúng ta đã trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình. Trong thành tựu chung đó có sự đóng góp quan trọng của ngành giáo dục”, Thủ tướng nêu rõ.

Thủ tướng cho rằng, năm học 2015-2016 vừa qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với sự nỗ lực lớn của toàn ngành giáo dục đào tạo, chúng ta đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Đã bước đầu đổi mới dạy học theo hướng mở, chú ý hơn đến phát triển toàn diện năng lực, tư duy sáng tạo và rèn luyện phẩm chất cho học sinh. Trong năm học này, tiếp tục đổi mới trong thi, kiểm tra, đánh giá, đặc biệt là kỳ thi tốt nghiệp THPT kết hợp tuyển sinh đại học, cao đẳng vừa qua đã khắc phục được những bất cập của các năm trước, tạo thuận lợi và giảm áp lực cho thí sinh và gia đình.

Cơ sở vật chất trường, lớp học, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn được quan tâm hơn. Công nghệ thông tin được ứng dụng nhiều hơn trong dạy, học và quản lý giáo dục. Tất cả những việc chúng ta đã làm góp phần từng bước nâng cao chất lượng dạy và học. Điều đáng mừng là nhiều học sinh đã đoạt được các giải thưởng cao trong các cuộc thi Olympic quốc tế.

Chấn chỉnh thực trạng đào tạo tiến sĩ

Cho rằng nhiều hạn chế, yếu kém gần đây của ngành đã được khắc phục một bước nhưng chưa thật căn bản, Thủ tướng nhấn mạnh một số điểm. Đó là chưa coi trọng đúng mức đến giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống, gây lo ngại cho xã hội với nhiều vụ bạo lực học đường gây bức xúc xã hội; còn nhiều tội phạm vị thành niên.

Phải làm sao để các em biết kính trên nhường dưới; sống trong tập thể và có trách nhiệm; yêu nước, yêu lịch sử, truyền thống dân tộc. Trình độ ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh của học sinh phổ thông còn rất hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu trong bối cảnh chúng ta ngày càng hội nhập sâu. Đặc biệt là học sinh của chúng ta còn thiếu kỹ năng sống dẫn đến nhiều trẻ đuối nước hoặc bị tai nạn thương tích.

Khắc phục quá tải đối với học sinh phổ thông còn rất chậm. Nhiều nội dung học không có giá trị thực tiễn cho cuộc sống sau này của đa số học sinh, trong khi đó kiến thức toàn diện về văn, thể, mỹ còn rất thiếu.

Giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp chất lượng hạn chế, chưa gắn với nhu cầu xã hội, thị trường lao động, dẫn đến nhiều sinh viên ra trường không tìm được việc làm đúng chuyên môn, thất nghiệp.

Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp vẫn thiếu lao động, nhất là lao động có chuyên môn cao. Nội dung học tập và kết quả học tập, nghiên cứu trong trường đại học chưa gắn với yêu cầu thực tiễn cuộc sống. Số lượng trường đại học tăng nhanh nhưng điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu.

Mỗi năm, theo ước tính sơ bộ, chúng ta phải chi hàng tỉ USD cho việc đưa con em ra nước ngoài học tập. Đào tạo sau đại học (tiến sĩ, thạc sĩ) chất lượng đáng lo ngại. Đây là sự phản ánh của bệnh thành tích, sính bằng cấp. Đa số các luận án tiến sĩ không được áp dụng trong thực tiễn; nhiều tiến sĩ nhưng lại thiếu những công trình khoa học có giá trị đối với xã hội. “Việc này cần phải nghiêm túc chấn chỉnh”, Thủ tướng nhấn mạnh và cho rằng, “vẫn còn những hiện tượng tiêu cực trong tuyển sinh, thi và cấp bằng… Người dân vẫn rất lo lắng đối với việc học hành của con em, từ việc xin vào học ở đầu cấp học, nhất là ở thành phố, đến học thêm, dạy thêm, học phí... Các đồng chí phải lắng nghe các bất cập này để giải quyết trong thời gian tới”.

Cơ sở vật chất của nhiều cơ sở giáo dục còn thiếu và lạc hậu; phòng học, thư viện, nhà vệ sinh chưa đạt chuẩn quy định. Cơ sở vật chất trường học ở vùng sâu, vùng xa còn rất nhiều khó khăn; một bộ phận trẻ em, con em Việt kiều từ Campuchia hồi hương chưa được đến trường. Cần phải quan tâm không để trẻ em học trong các phòng học tạm bợ, hoặc sử dụng nhà vệ sinh mà không bảo đảm vệ sinh, thậm chí là không có… Bên cạnh đó, việc xây dựng nhà trẻ ở các khu công nghiệp đã được nêu ra từ lâu nhưng triển khai còn rất chậm.

“Xu hướng già hóa dân số ngày càng nhanh, nguy cơ chưa giàu đã già sẽ trở thành hiện thực nếu chúng ta không có những đột phá, tạo chuyển biến nhanh trong công tác giáo dục đào tạo để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng năng suất lao động”, Thủ tướng cảnh báo và lưu ý ngành giáo dục và đào tạo về một số phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp cần triển khai thời gian tới.

Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Giáo dục phổ thông là nền tảng hình thành nhân cách

Giáo dục phổ thông là nền tảng của giáo dục nói chung, hình thành nhân cách người công dân Việt Nam trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Cần bảo đảm chương trình vừa hình thành nhân cách, văn hóa của một công dân trẻ, vừa bảo đảm tính hiện đại, hội nhập; phải giảm tải nhanh cho các cháu, không quá nặng về khối lượng, không quá thiên về kiến thức chuyên môn mà cần phát triển một cách toàn diện văn-thể-mỹ.

Cần dạy cho học sinh biết yêu lịch sử, truyền thống dựng nước và bảo vệ đất nước của cha ông, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào. Biết kính trên, nhường dưới, tôn trọng người già, biết sống có trách nhiệm trong tập thể, trong xã hội. “Bây giờ nhiều học sinh không thuộc, không nhớ chút nào về lịch sử dân tộc. Chúng ta phải tìm nguyên nhân, có giải pháp tốt hơn đối với môn lịch sử”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng nêu thực tế người Việt Nam có tuổi thọ cao, nhưng thanh niên nhìn chung còn “thấp bé, nhẹ cân” và yêu cầu chú ý giáo dục thể chất để tạo những thế hệ thanh niên khỏe mạnh toàn diện; không thể coi nhẹ vấn đề này đối với một dân tộc. Cùng với đó, dạy cho học sinh cái đẹp của quê hương, đất nước, về mỹ thuật, nghệ thuật.

Chú trọng dạy ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh, bảo đảm các kỹ năng cơ bản nghe, nói, đọc, viết và giao tiếp.

Tạo cơ hội bình đẳng trong tiếp cận giáo dục, nhất là đối với trẻ em nghèo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc ít người.

Giáo dục đại học phải đáp ứng thị trường lao động

Phải bảo đảm chất lượng giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp đáp ứng nhu cầu xã hội và thị trường lao động.

Trình độ đào tạo phải hướng tới “công dân toàn cầu”, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, nhất là trong bối cảnh chúng ta tham gia Cộng đồng ASEAN.

Gắn kết chương trình đào tạo đại học, kết quả nghiên cứu khoa học của học sinh, sinh viên với thực tiễn cuộc sống và nhu cầu xã hội. Khuyến khích việc liên kết giữa nhà trường với doanh nghiệp, đặc biệt trong ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và trong tạo việc làm. “Tôi hoan nghênh việc Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ làm việc với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vào ngày mai để gắn kết giữa giáo dục và thị trường lao động. Đừng để tình trạng “ngứa trên đầu lại gãi dưới chân”, Thủ tướng nói.

Đẩy mạnh “tự chủ đại học” một cách thực chất và đồng bộ, đi đôi với đề cao trách nhiệm người đứng đầu. Không chỉ là tự chủ trong thu, chi mà cả trong tài chính, tài sản, trong tổ chức, nhân sự, trong đào tạo, trong tuyển sinh và quản lý sinh viên…

Cùng lúc với đẩy mạnh tự chủ đại học, cần xác định một cách rõ ràng “trách nhiệm xã hội” của trường đại học. Xây dựng cơ chế và hình thành môi trường quản lý lành mạnh, hành lang pháp lý phù hợp để bảo đảm cho các trường phát triển một cách mạnh mẽ và lan tỏa năng lượng, văn hóa, giá trị ra ngoài xã hội. “Điều này sẽ góp phần tích cực vào việc đào tạo nguồn nhân lực tốt, đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển đất nước. Không để lãng phí xã hội trong đào tạo đại học”, Thủ tướng nhấn mạnh. “Tôi cũng nói rõ chủ trương của Nhà nước ta là không phân biệt công-tư trong giáo dục đại học”.

Chính vì vậy, xây dựng cơ chế và chính sách để việc liên thông và phát triển chuyên môn giữa hệ trung học chuyên nghiệp, dạy nghề đối với các hệ thống đào tạo khác được dễ dàng, động viên học sinh hướng nghiệp, phân luồng sớm từ phổ thông là rất cần thiết.

Chú trọng phát hiện, bồi dưỡng, trọng dụng nhân tài

Thủ tướng yêu cầu, các cấp, các ngành cần quán triệt sâu sắc và tổ chức triển khai có hiệu quả các nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ về giáo dục và đào tạo.

Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành tham mưu xây dựng các cơ chế, chính sách để chấn hưng và thúc đẩy giáo dục phát triển; tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về cơ chế quản lý, chế độ chính sách, đời sống vật chất tinh thần của nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, học sinh, sinh viên.

“Tôi muốn gửi gắm cho ngành giáo dục về điều mà Nguyễn Trãi đã từng nói là: “Nước Đại Việt ta hiền tài chưa bao giờ thiếu. Nhưng tìm cho ra hiền tài chưa bao giờ là việc đơn giản”. Vì vậy, ngành giáo dục cần đặc biệt chú trọng công tác phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng và trọng dụng nhân tài để trước tiên ngành giáo dục phải có nhiều thầy giỏi, nhiều trò giỏi. Việt Nam ta có thêm nhiều người hiền tài để làm rạng danh và sẵn sàng phục vụ đất nước”, Thủ tướng bày tỏ. “Muốn xây dựng đất nước bền vững phải lấy giáo dục làm đầu, phải lấy nhân tài làm gốc và mong muốn tất cả chúng ta cùng nhau hành động vì mục tiêu cao đẹp đó”.

Thủ tướng khẳng định, chấn hưng giáo dục, phát huy truyền thống văn hóa, văn hiến của dân tộc, bồi đắp nguyên khí quốc gia là sự nghiệp nặng nề nhưng hết sức vĩ đại, vẻ vang của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội. Sự nghiệp này đòi hỏi sự đồng lòng, chung sức của cả hệ thống chính trị; sự năng động, sáng tạo và trách nhiệm cao của nhà trường; sự chung tay, góp công, góp sức của cộng đồng, xã hội, đặc biệt là của các gia đình, các bậc phụ huynh.

Theo Chinhphu.vn

Tin mới

Ông Kim Sang-sik làm HLV tuyển Việt Nam
Ông Kim Sang-sik làm HLV tuyển Việt Nam

Chiều 3/5/2024, Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) phát đi thông báo, VFF và ông Kim Sang-sik đã đạt được sự đồng thuận và thống nhất đối với các nội dung liên quan đến vị trí HLV trưởng đội tuyển Nam và đội tuyển U23 Việt Nam.

Phá đường dây sản xuất nước giặt, nước rửa bát giả nhãn hiệu Thái Lan
Phá đường dây sản xuất nước giặt, nước rửa bát giả nhãn hiệu Thái Lan

Ngày 3/5, thông tin từ Cơ quan CSĐT Công an thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa đã hoàn tất hồ sơ đề nghị truy tố 10 bị can trong đường dây sản xuất, buôn bán hàng giả là nước giặt, nước rửa bát mang nhãn hiệu Thái Lan.

Cán bộ y tế cơ sở là những chiến sĩ trên tuyến đầu chống lại bệnh tật
Cán bộ y tế cơ sở là những chiến sĩ trên tuyến đầu chống lại bệnh tật

“Chăm sóc sức khỏe ban đầu tại cộng đồng luôn vô cùng quan trọng và có ý nghĩa to lớn. Cán bộ y tế cơ sở là những chiến sĩ trên tuyến đầu trong cuộc chiến chống lại bệnh tật và bảo vệ, nâng cao sức khỏe cộng đồng, tạo ra một cộng đồng khỏe mạnh”, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu trong lễ phát động Cuộc thi Y tế cơ sở giỏi diễn ra Hà Nội.

Bắc Ninh: Hành động thiết thực, ưu tiên nguồn lực cho trẻ em
Bắc Ninh: Hành động thiết thực, ưu tiên nguồn lực cho trẻ em

Tỉnh Bắc Ninh tăng cường phổ biến, hướng dẫn các kiến thức, kỹ năng về phòng, chống bạo lực, xâm hại; phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em trong trường học trước kỳ nghỉ hè. Tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, vui chơi, giải trí, thể dục, thể thao với nội dung bổ ích, hình thức phù hợp với trẻ em trên địa bàn dân cư.

Thu ngân sách từ cảng biển Hà Tĩnh ghi nhận bước nhảy vọt
Thu ngân sách từ cảng biển Hà Tĩnh ghi nhận bước nhảy vọt

Trong 4 tháng đầu năm 2024, lưu lượng hàng hóa qua cảng Vũng Áng – Sơn Dương đã tăng mạnh đóng góp lớn vào sự gia tăng 39% của thu ngân sách Hà Tĩnh so với cùng kỳ năm trước.

Bắc Ninh: Trưng bày chuyên đề “Chiến thắng Điện Biên Phủ - Sức mạnh Việt Nam - Tầm vóc thời đại’’
Bắc Ninh: Trưng bày chuyên đề “Chiến thắng Điện Biên Phủ - Sức mạnh Việt Nam - Tầm vóc thời đại’’

Thiết thực chào mừng kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), sáng 3/5, tại Bảo tàng tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Khai mạc trưng bày chuyên đề “Chiến thắng Điện Biên Phủ - Sức mạnh Việt Nam - Tầm vóc thời đại’’.