Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Theo đó, việc lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái nhà các trụ sở công là phù hợp với chủ trương phát triển nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo của Chính phủ và TPHCM. Việc này cũng góp phần đảm bảo an ninh năng lượng cũng như bảo vệ môi trường gắn liền với mục tiêu giảm phát khí thải nhà kính cho TPHCM.

Theo đề xuất của Sở Công thương, giai đoạn 2021 - 2025 thí điểm lắp đặt hệ thống điện mặt trời tại 157 trụ sở các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập với tổng công suất lắp đặt 9.390 kWp.

Cụ thể, trong 157 trụ sở có 107 toà nhà của sở ngành, quận huyện và các đơn vị trực thuộc; 15 bệnh viện công và 35 trường học công. Đề án dùng vốn thực hiện khoảng 187,8 tỉ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước, nguồn Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp và các nguồn khác.

Được biết, qua quá trình rà soát, có gần 1.800 cơ quan nhà nước tại TPHCM có thể lắp điện mặt trời với với tổng công suất là 160 MWp.

Đồng thời, chi phí đầu tư hệ thống điện mặt trời mái nhà bình quân hiện nay khoảng 15-25 triệu/1kWp, trung bình hệ thống điện mặt trời công suất 1kWp cho ra sản lượng điện khoảng 3 - 4,5 kWh/ngày. Thời gian thu hồi vốn trong khoảng 5 - 9 năm.

Cụ thể, một cơ quan hành chính có diện tích trụ sở của bình quân là 200m2, công suất điện mặt trời có thể lắp tối đa là 25 kWp, vốn đầu tư khoảng 500 triệu đồng (lấy chi phí đầu tư 20 triệu/kWp).

Mỗi năm ước sản xuất được 36.500 kWh điện - tương đương số tiền tiết kiệm là khoảng 69 triệu đồng/năm. Với giá điện cơ quan hành chính sự nghiệp là 1.900 đồng/1kWh thì khoảng 7,2 năm sẽ thu hồi vốn.

Sau thời gian thí điểm, Sở Công thương TPHCM sẽ đánh giá, đề xuất chủ trương đầu tư, phương án triển khai lắp điện mặt trời tại mái nhà các trụ sở công trên toàn địa bàn thành phố.

Tổng vốn thực hiện khoảng 187,8 tỉ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước, nguồn Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp,...

Thuận Yến – Thùy Linh