UBND tỉnh Nam Định đang lấy ý kiến dự thảo Đề án hỗ trợ chính sách đặc thù cho công dân thực hiện Nghĩa vụ quân sự và Nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân hàng năm của tỉnh Nam Định, giai đoạn 2024 - 2030.
Đề án nhằm tạo động lực, nâng cao tinh thần trách nhiệm của công dân thực hiện NVQS và Nghĩa vụ tham gia CAND, thực hiện công bằng, an sinh xã hội; tạo bước đột phá trong toàn tỉnh và hoàn thành chỉ tiêu nhà nước giao về nhiệm vụ tuyển quân hằng năm; nâng cao chất lượng công dân thực hiện NVQS và Nghĩa vụ tham gia CAND.
Đề xuất mức hỗ trợ công dân thực hiện Nghĩa vụ quân sự và Nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân
Theo nội dung của Đề án, chỉ tiêu Chính phủ giao hàng năm tuyển chọn, gọi từ 2.500 đến 2.800 công dân nhập ngũ; 200 đến 250 công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân.
UBND tỉnh Nam Định đề xuất mức hỗ trợ 10 triệu đồng/công dân (Các địa phương đưa mức hỗ trợ vào quỹ tặng sổ tiết kiệm và trao cho công dân sau khi hoàn thành NVQS và Nghĩa vụ tham gia CAND trở về địa phương):
+ 5 triệu đồng/công dân nhập ngũ (diện nhập ngũ chính thức).
+ 5 triệu đồng/Hạ sĩ quan, chiến sĩ xuất ngũ.
Nguồn kinh phí bảo đảm sử dụng nguồn ngân sách tỉnh được phân bổ trong dự toán hằng năm theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.
Tổng kinh phí dự kiến thực hiện hằng năm là 30 tỷ đồng/năm (Kinh phí thực hiện theo chỉ tiêu cụ thể công dân gọi nhập ngũ vào Quân đội nhân dân và Công an nhân dân được Thủ tướng Chính phủ giao và số Hạ sĩ quan, chiến sĩ xuất ngũ hằng năm).
Theo UBND tỉnh Nam Định, hiện nay chế độ, chính sách đối với hạ sĩ quan, binh sĩ phục vụ tại ngũ, xuất ngũ và thân nhân của hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ theo Nghị định số 27/2016/NĐ-CP ngày 6/4/2016; Nghị định số 70/2019/NĐ-CP ngày 23/8/2019 của Chính phủ còn thấp so với mức thu nhập bình quân chung của tỉnh.
Do vậy các địa phương đã chủ động có những chính sách hỗ trợ cho công dân và gia đình công dân nhập ngũ, song chủ yếu từ nguồn xã hội hóa nên còn nhiều bất cập, có địa phương mức hỗ trợ cao, địa phương mức hỗ trợ thấp, chưa đảm bảo được sự thống nhất.
Thực hiện NVQS và Nghĩa vụ tham gia CAND, hàng năm toàn tỉnh có gần 3.000 thanh niên lên đường nhập ngũ, trong đó phần lớn thanh niên mới tốt nghiệp Trung học phổ thông, Trung học cơ sở; khoảng 90% thanh niên chưa được đào tạo nghề; rất nhiều trường hợp thuộc diện gia đình chính sách, gia đình khó khăn cần được quan tâm, đào tạo nghề, hỗ trợ việc làm nhằm bảo đảm sau khi xuất ngũ có nghề và việc làm ổn định.
Việc định hướng nghề nghiệp cho thanh niên sau xuất ngũ còn hạn chế, thanh niên chưa xác định được công việc mong muốn để tạo thu nhập ổn định cho bản thân; thẻ đào tạo nghề chỉ có giá trị trong vòng 01 năm và chỉ được hỗ trợ học nghề đối với một số ngành nghề nhất định.
Điều kiện kinh tế, xã hội của nhiều gia đình thanh niên còn khó khăn, sau khi xuất ngũ đa số trở về cùng gia đình làm ruộng, làm thuê hoặc làm công nhân tại một số khu công nghiệp trong và ngoài tỉnh, cơ bản không có việc làm ổn định;....
Để bảo đảm tính pháp lý trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện chính sách đặc thù cho công dân thực hiện NVQS và Nghĩa vụ tham gia CAND; đồng thời bảo đảm sự thống nhất ở địa phương đạt chất lượng hiệu quả; làm cơ sở để các cấp thanh tra, kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết việc triển khai thực hiện Luật NVQS, Luật CAND trên địa bàn tỉnh, căn cứ Luật NVQS năm 2015, Luật CAND năm 2018 và các văn bản hướng dẫn thi hành.
UBND tỉnh Nam Định xây dựng Đề án "Hỗ trợ chính sách đặc thù cho công dân thực hiện NVQS và Nghĩa vụ tham gia CAND hàng năm của tỉnh Nam Định, giai đoạn 2024 - 2030".
Dự thảo Đề án hỗ trợ chính sách đặc thù cho công dân thực hiện Nghĩa vụ quân sự và Nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân hàng năm của tỉnh Nam Định, giai đoạn 2024 - 2030.
TheoChinhphu.vn