Đây được xem là một giải pháp nhằm đẩy mạnh phân luồng học sinh và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Tốt nghiệp lớp 9, thay vì học tiếp lên THPT, những em học sinh này đã lựa chọn học ngành công nghệ ô tô – một trong những ngành học hót nhất trong mùa tuyển sinh năm nay. Với thời gian đào tạo 2 năm , các em sẽ được cấp bằng Cao đẳng nghề và bằng cấp 3. Đây là điều kiện đủ để các em có thể tham gia sớm vào thị trường lao động với mức thu nhập ổn định.

Em Nguyễn Văn Giáp - sửa chữa ô tô, Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội nói: Em thấy nhiều anh chị học đại học xong ra trường lại thất nghiệp, trong khi đi học thế này mình có thể có hai bằng, muốn liên thông học lên nữa cũng được ạ.

Em Nguyễn Văn Huy - sửa chữa ô tô, Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội nói: Bản thân em cũng thích ngành nghề này, đi học như vậy sẽ có cơ hội việc làm ổn định hơn, học xong cái là em có thể có việc làm luôn.

 
 
Thực tế, trước khi có chỉ thị 24 của Thủ tướng Chính phủ, một số trường trung cấp, CĐ của hệ thống giáo dục nghề nghiệp đã thí điểm tuyển sinh và đào tạo học sinh hoàn thành bậc THCS - thường được gọi là mô hình 9+.
Đây được xem là giải pháp đáp ứng yêu cầu phân luồng mạnh sau bậc THCS, giúp tiết kiệm thời gian, tiền bạc cho người học và xã hội. Đặc biệt học sinh cũng được miễn học phí học nghề và chỉ phải trả học phí học văn hóa theo quy định chung của địa phương. 
 
 
Chị Nguyễn Thị Vân Anh - giáo viên Toán: Chúng tôi vẫn đảm bảo khối lượng kiến thức văn hóa hợp lý để các em vừa theo đuổi học nghề vừa đảm bảo kiến thức khi liên thông.

Anh Hoàng Văn Lợi – giáo viên Khoa Động lực nói: Với thời gian đào tạo như vậy các em có cơ hội nhận 2 bằng cả văn hóa lẫn nghề sau khi ra trường, cơ hội nghề nghiệp là rộng mở.

Tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng quy định học sinh học hết trung cấp muốn liên thông lên CĐ phải hoàn thành khối lượng văn hóa khá nặng là chưa phù hợp với mục tiêu đào tạo kỹ năng nghề.  
 
Ông Đồng Văn Ngọc - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội cho biết: Hiện một số chương trình đào tạo về văn hóa vẫn quá nặng với các em, trong khi mục tiêu là đào tạo các em trở thành những người thợ có tay nghề , nên về lâu dài cần sửa đổi lại khung chương trình văn hóa cho phù hợp.
 
 
Trong bối cảnh kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 được xem là mang tính cạnh tranh cao hơn cả kỳ thi vào đại học. Ngay tại Hà Nội, chỉ có hơn 60% học sinh có cơ hội vào trường công lập, còn lại sẽ rơi vào các trường ngoài công lập, bổ túc, hướng nghiệp dạy nghề… Vì vậy, mô hình 9+ được đưa ra và nhân rộng thì học sinh THCS sẽ có nhiều sự lựa chọn, giảm áp lực học tập, thi cử.

Ông Lê Quân - Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho biết: Với đề xuất về đào tạo chương trình 9+ chúng tôi hy vọng sẽ cải thiện được tình trạng thừa thầy thiếu thợ, giúp cung cấp nguồn nhân lực chất lượng có kỹ năng, tạo cơ chế liên thông rộng mở cơ hội phát triển cho các em.

Với chỉ thị 24 mà Thủ tướng Chính phủ ban hành, hy vọng sẽ tạo cơ chế mạnh mẽ giúp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực có tay nghề, giải quyết tình trạng thừa thầy thiếu thợ đồng thời giảm lãn phí nguồn lực xã hội.
 

Đinhn Hiền (Theo Đài PTTH Lâm Đồng)