Cụ thể, diện tích rừng cần chuyển đổi phục vụ thi công dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025 là 1.054,63 ha, bao gồm: 111,84 ha rừng phòng hộ, 4,45 ha rừng đặc dụng, 802,91 ha rừng sản xuất, 135,43 ha rừng ngoài quy hoạch 3 loại rừng (có nguồn gốc rừng phòng hộ 14,89 ha, từ rừng đặc dụng 0,22 ha, từ rừng sản xuất 120,32 ha). Trong số này, Quảng Bình có diện tích rừng phải chuyển đổi lớn nhất với 437,25 ha (11,84 ha rừng tự nhiên, 425,41 ha rừng trồng), trong đó: 66,98 ha rừng phòng hộ, 291,54 ha rừng sản xuất, 78,73 ha rừng ngoài quy hoạch 3 loại rừng (có nguồn gốc từ rừng phòng hộ 2,01 ha, từ rừng sản xuất 76,72 ha). 

Diện tích đất lâm nghiệp cần chuyển đổi là 1.863,98 ha, bao gồm: đất rừng phòng hộ 138,10 ha, đất rừng đặc dụng 4,61 ha, đất rừng sản xuất 1.721,23 ha.

Diện tích đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên phục vụ thi công dự án là 1.537,23 ha. Trong số này, Hà Tĩnh có diện tích trồng lúa hai vụ cần chuyển đổi lớn nhất với 371,47 ha, bao gồm: Đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên 357,09 ha, đất trồng lúa còn lại 14,38 ha.

Tại tờ trình số 153, Chính phủ kiến nghị Quốc hội giao Chính phủ chỉ đạo UBND các tỉnh có dự án khẩn trương hoàn thiện hồ sơ lập, phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện làm căn cứ để thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; triển khai thực hiện chuyển mục đích sử dụng rừng theo quy định pháp luật.

Trong quá trình tổ chức thực hiện dự án mà có sự thay đổi số liệu về diện tích so với số liệu tại Nghị quyết này thì UBND cấp tỉnh có dự án báo cáo HĐND cấp tỉnh quyết định để triển khai thực hiện và chịu trách nhiệm về tính chính xác của số liệu và bản đồ phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt. 

Trong quá trình tổ chức thực hiện Dự án, trường hợp phát sinh diện tích chiếm dụng rừng (do xây dựng khu tái định cư, khai thác mỏ vật liệu, nhu cầu đổ chất thải rắn xây dựng... để thực hiện Dự án) mà thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ thì cho phép UBND cấp tỉnh báo cáo Hội đồng nhân dân cấp tỉnh xem xét quyết định. 

Theo Chính phủ, pháp luật về đất đai hiện hành không có quy định về trách nhiệm của Chính phủ phải trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất đối với dự án đã được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư.

Tuy nhiên, theo Nghị quyết số 44/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội thì Chính phủ phải trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên, đất rừng trước khi quyết định đầu tư dự án, việc thực hiện quy định này đã làm phát sinh thủ tục và kéo dài thời gian chuẩn bị đối với các dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội. 

Để giảm bớt thủ tục và thực hiện thống nhất theo quy định của pháp luật về đất đai, Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép đối với các dự án Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư, Thủ tướng Chính phủ quyết định, chấp thuận chủ trương đầu tư thì việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất thực hiện theo quy định tại khoản 1, Điều 58, Luật Đất đai năm 2013. 

P.T