Cụ thể đề nghị của HoREA: Ngân hàng Nhà nước cho phép các ngân hàng thương mại được cho doanh nghiệp phát hành trái phiếu sắp đến hạn có tài sản bảo đảm, có dự án đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định giao đất, cho thuê đất được vay tái cấu trúc các khoản nợ trái phiếu sắp đến hạn với khoản vay có thể xem xét không vượt quá 70% giá trị gói trái phiếu đã phát hành và ngân hàng thương mại được phép nhận thế chấp bằng chính gói trái phiếu này và các tài sản bảo đảm để phát hành gói trái phiếu đó theo phương thức ngân hàng thương mại giải ngân trực tiếp đến các “trái chủ”.

Đối với phần 30% giá trị gói trái phiếu đã phát hành còn lại thì doanh nghiệp và các “trái chủ” thỏa thuận đàm phán với nhau theo quy định tại Nghị định 08/2023/NĐ-CP.

Ảnh minh họa internet
Đề xuất ngân hàng cho doanh nghiệp vay để trả nợ trái phiếu liệu có khả thi? Ảnh minh họa internet.

“Nếu có cơ chế, chính sách này thì sẽ tác động tích cực ngay lập tức và cùng với cơ chế, chính sách của Nghị định 08/2023/NĐ-CP sẽ tháo gỡ được khó khăn cho các doanh nghiệp phát hành trái phiếu sắp đến hạn và hỗ trợ các “trái chủ”, HoREA khẳng định.

HoREA cũng cho rằng, việc Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành kéo theo xu thế các ngân hàng thương mại giảm lãi suất huy động tiết kiệm và giảm lãi suất cho vay một chút, nhưng nhìn chung mặt bằng lãi suất cho vay vẫn còn cao. 

“Hiệp hội đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại xem xét giảm lãi suất cho vay thực chất hơn và quan trọng hơn là tạo điều kiện cho doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp bất động sản và người mua nhà được tiếp cận tín dụng thuận lợi hơn”, HoREA đề nghị.

Hiệp hội cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại xem xét cho các doanh nghiệp được giãn tiến độ trả nợ theo chủ trương của Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/03/2023 của Chính phủ và tạo điều kiện cho doanh nghiệp bất động sản được vay tín dụng đối với dự án đầy đủ pháp lý, có tính khả thi, có tài sản bảo đảm cho khoản vay. 

Theo các chuyên gia kinh tế, đề nghị của HoREA đáng được Ngân hàng Nhà nước lưu tâm, xem xét. Việc xem xét dựa trên các quy định của pháp luật và sự đảm bảo về quyền của nhà đầu tư, trái chủ đối với tài sản họ đầu tư và tài sản đảm bảo đúng quy định pháp luật của doanh nghiệp.

Các chuyên gia cũng lưu ý, nếu đề nghị trên được chấp thuận thì cơ quan quản lý Nhà nước cần phải có những quy định cụ thể về lộ trình cho vay và các điều kiện để tránh tình trạng nảy sinh tiêu cực, cứng nhắc trong giải quyết vấn đề trái phiếu. 

Lê Xuân (t/h)