Lần sửa Luật BHXH này có nhiều điểm đáng chú ý, đặc biệt là quy định giảm thời gian tham gia BHXH hưởng lương hưu.
Hiện nay, Bộ LĐ-TB&XH đang phối hợp với các bộ, ngành, địa phương trình Chính phủ, Quốc hội hồ sơ đề nghị xây dựng Luật BHXH (sửa đổi), trong đó đề xuất nhiều giải pháp nhằm hạn chế hưởng BHXH một lần. Với mục đích tăng tính hấp dẫn, thu hút NLĐ tham gia BHXH để hưởng lương hưu.
Cụ thể, dự luật BHXH sẽ đề xuất giảm thời gian tham gia BHXH tối thiểu để hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm; bổ sung các quyền lợi, nhất là các quyền lợi ngắn hạn để gia tăng sự hấp dẫn, tạo động lực cho NLĐ tham gia BHXH.
Ngoài ra, để ngăn chặn và xử lý hành vi thu mua sổ BHXH, trong hồ sơ đề nghị xây dựng Luật BHXH (sửa đổi), Bộ LĐ-TB&XH còn đề xuất bổ sung hành vi bị nghiêm cấm đối với hành vi mua bán sổ BHXH dưới mọi hình thức.
Theo Vụ BHXH (Bộ LĐ-TB&XH), lần sửa Luật BHXH này có nhiều điểm đáng chú ý, đặc biệt là quy định giảm thời gian tham gia BHXH hưởng lương hưu.
Luật BHXH hiện hành quy định điều kiện thời gian tối thiểu tham gia BHXH để có cơ hội được hưởng chế độ hưu trí đủ 20 năm. Điều này dẫn đến nhiều người không tích lũy đủ số năm đóng BHXH để được hưởng lương hưu. Trong khi đó, hiện nay nhiều nước quy định thời gian tham gia BHXH 10 năm là đã đủ điều kiện hưởng lương hưu, mặc dù mức lương hưu có thể thấp nhưng vẫn tốt hơn là chuyển sang hưởng trợ cấp tuổi già hay lương hưu xã hội do ngân sách nhà nước đảm bảo...
Vì vậy, Bộ LĐ-TB&XH đang tính toán đề xuất sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu từ 20 năm xuống 15 năm, với mức hưởng được tính toán phù hợp.
Về đề xuất trên, Bộ Tư pháp (cơ quan thẩm tra dự luật trước khi trình Chính phủ) cho rằng giải pháp này sẽ góp phần thúc đẩy gia tăng số lượng người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, phù hợp với tinh thần, mục tiêu mà Nghị quyết 28 của Ban chấp hành Trung ương Đảng về các chính sách BHXH.
Tuy nhiên, Bộ Tư pháp cho rằng nếu đóng với thời gian ngắn, mức lương hưu NLĐ nhận được thấp, có thể không đảm bảo mức sống tối thiểu cho NLĐ khi nghỉ hưu và có thể dẫn đến nguy cơ phải điều chỉnh lương hưu đối với người có lương hưu thấp trong tương lai, tạo gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Nên cần phân tích kỹ các tác động chính sách, nhất là tác động về kinh tế - xã hội.
Lê Pháp (T/h)